Ảnh minh hoạ (Ảnh: Đ.H)
Làm thế nào để nắm bắt các cơ hội, khả năng cạnh tranh trên các thị trường nông sản, điều đó phụ thuộc vào khả năng đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Điều này đòi hỏi cần phải tiếp tục cải cách chính sách đổi mới sáng tạo của Việt Nam để nâng cao năng lực nghiên cứu của quốc gia. Mặc dù chiến lượng nông nghiệp của Việt Nam đã đề cập đến nhiều chủ đề, bao gồm quản lý sau thu hoạch, thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, nhưng trọng tâm của hầu hết các chương trình nghiên cứu bằng tiền công quỹ vẫn tập trung vào sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, ưu tiên nghiên cứu vẫn chủ yếu được xác định theo hướng tập trung, chưa hoàn toàn gắn với nhu cầu của địa phương và khu vực. Nguồn vốn ngân sách dành cho nghiên cứu nông nghiệp được phân bổ qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền cấp tỉnh và Bộ Khoa học và Công nghệ, tuy có hạn mức tăng lên nhưng vẫn còn khiêm tốn so với các quốc gia tương đương ở châu Á nếu tính theo tỷ lệ so với GDP ngành nông nghiệp. Trong những năm qua, phương thức phân bổ vốn cho nghiên cứu đã từng bước áp dụng quy trình cạnh tranh nhằm khuyến khích các tổ chức nghiên cứu nâng cao tự chủ và đáp ứng nhu cầu theo định hướng thương mại. Tuy nhiên, quá trình cải cách hệ thống nghiên cứu trong nông nghiệp mới chỉ ở giai đoạn ban đầu. Về mặt này, Việt Nam cần quan tâm hơn đến những nghiên cứu đa lĩnh vực và gắn với nhu cầu nhiều hơn, cũng như các mô hình liên kết đa biên gồm các viện nghiên cứu, các trường đại học, các ngành công nghiệp và nông dân.
Việt Nam cũng cần hướng tới khả năng tiếp thu công nghệ hiệu quả hơn, không chỉ cho nông dân mà còn cho cả các doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ. Khả năng tiếp thu công nghệ của các doanh nghiệp thực phẩm nông nghiệp và nhà sản xuất là một điểm yếu trong các hệ thống đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp ở nhiều quốc gia chuyển đổi, trong đó có Việt Nam. Các doanh nghiệp thiếu năng động trong việc tiếp thu các công cụ hoặc quy trình cải tiến có thể là triệu chứng ở các hệ thống đổi mới áng tạo, trong đó việc phát triển công nghệ mới hoặc cải tiến kỹ thuật bị tách rời khỏi các hoạt động của doanh nghiệp hoặc chỉ thu hút được một số ít doanh nghiệp tham gia vào quá trình đổi mới sáng tạo đó.
Điều này có lẽ phản ánh quan niệm và thực tế là năng lực tiếp thu công nghệ không gắn liền với năng lực đổi mới sáng tạo, dẫn đến các doanh nghiệp bị yếu về năng lực tiếp thu những công nghệ mà họ không tham gia hình thành và phát triển. Sự tách biệt đó đã hạn chế cơ hội để các doanh nghiệp học hỏi, hoặc định hình cho các hoạt động phát triển công nghệ phù hợp với nhu cầu kinh doanh của họ. Các yếu tố khác góp phần làm giảm khả năng tiếp thu công nghệ của doanh nghiệp là thiếu đầu tư và đặc biệt là thiếu vốn đầu tư mạo hiểm, thiếu hỗ trợ trong xây dựng kế hoạch kinh doanh và đặc biệt là chiến lược marketing, thiếu công cụ và tinh thần chấp nhận rủi ro.
Mặc dù quá trình tập trung hóa đã bắt đầu diễn ra, nhưng đặc trưng của nông nghiệp vẫn là các cơ cấu chuỗi giá trị và sản xuất manh mún. Các hoạt động mang tính tập thể tương đối ít, thường là trở ngại để hiện thực hoá hiệu ứng kinh tế do quy mô, cản trở việc xây dựng các hệ thống quản lý chất lượng và theo dõi nguồn gốc sản phẩm, đồng thời làm suy yếu quản trị và phối hợp chung trong từng lĩnh vực. Ở Việt Nam, các hình thức tổ chức hoạt động tập thể, bao gồm các hợp tác xã và các hiệp hội ngành nghề thường phục vụ cho chức năng chính trị thay vì chức năng thương mại hoặc kỹ thuật. Tuy nhiên, trong những năm qua Chính phủ đã nhận thức được tầm quan trọng của các hình thức phối hợp khác nhau để hỗ trợ đổi mới sáng tạo và cải thiện hiệu quả hoạt động của ngành. Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã khuyến khích áp dụng phổ biến các mô hình hợp tác công-tư và canh tác theo hợp đồng.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tăng cường các hoạt động tập thể theo các hình thức khác nhau có thể áp dụng nhiều cách tiếp cận khác nhau và đem lại nhiều lợi ích. Chính phủ có thể hỗ trợ các tổ chức công nghiệp và nhà sản xuất theo hai hướng: đầu tư vào tăng cường thể chế; sử dụng thẩm quyền theo quy định pháp luật để tạo ra môi trường thuận lợi. Nhà nước có thể giúp hình thành nên các tổ chức mạnh hơn bằng cách cấp ngân sách hỗ trợ kỹ thuật như đánh giá tổ chức có sự tham gia, cải cách về quản trị và quản lý, tăng cường kỹ năng lãnh đạo, xây dựng các cơ chế học hỏi và trao đổi thông tin. Nhà nước cũng có thể sử dụng ngân sách trực tiếp cho các hoạt động có mục tiêu, hoặc các đối tượng cá nhân là người môi giới và hỗ trợ tổ chức; triển khai các ưu đãi kinh tế cho doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu để làm việc với các tổ chức đó, tăng cường sự phù hợp của họ trong chuỗi giá trị.
Mặc dù việc canh tác theo hợp đồng chủ yếu do khu vực tư nhân thực hiện, nhưng hỗ trợ của Chính phủ không phải là không phổ biến. Cách làm đó có thể góp phần hoàn thành các mục tiêu chính sách chung như tăng trưởng đồng đều, an ninh lương thực, hoặc bảo vệ tài nguyên. Ngoài việc cải thiện môi trường như chất lượng hạ tầng, y tế, giáo dục, ổn định chính trị, thị trường tài chính, Nhà nước còn có thể khuyến khích canh tác theo hợp đồng bằng cách hỗ trợ các giao dịch môi giới và trao đổi giữa các đối tác tiềm năng. Thiết lập khuôn khổ pháp lý về hợp đồng canh tác, tạo động lực kinh tế, tăng cường năng lực kỹ thuật và thể chế, giáo dục đối tác về rủi ro và lợi ích tiềm năng. Tuy nhiên, Nhà nước cũng cần có những bước đi thận trọng. Nhiều quan hệ canh tác theo hợp đồng bị thất bại do sự hỗ trợ của các tổ chức nhà nước hoặc phi lợi nhuận đi trước các bên tham gia trong chuỗi giá trị, thúc đẩy các mối quan hệ chưa phù hợp với năng lực, mức độ chấp nhận rủi ro và lòng tin hiện có, hoặc đặt mục tiêu phát triển lên trước mục tiêu khả thi về kinh doanh.
Để nâng cao chuỗi giá trị nông nghiệp, phát triển cụm nông nghiệp có thể sẽ là chiến lược phù hợp trong nhiều hoàn cảnh ở Việt Nam, bao gồm tăng cường hợp tác và cạnh tranh giữa nông dân và các đối tác thương mại khác nhau cũng như hạ tầng cơ sở nhằm đem lại những lợi ích quan trọng. Phát triển cụm nông nghiệp diễn ra có thể nhờ vào các hình thức hỗ trợ từng bước của Nhà nước. Trong giai đoạn ban đầu, Nhà nước có thể tham gia bằng cách “gieo mầm” cải cách thể chế bằng cách xây dựng lòng tin, khuyến khích phối hợp, giúp tăng cường hạ tầng ở địa phương. Tiếp đó, Nhà nước có thể tập trung hỗ trợ một loạt các sáng kiến nhỏ về chuỗi giá trị kèm theo tiến triển đó và sau đó là nâng cấp sản phẩm, xây dựng lòng tin vào các hoạt động cụm. Trong các giai đoạn tiếp theo, hỗ trợ sẽ tập trung vào khả năng tiếp cận nguồn tài chính, các biện pháp khuyến khích khởi nghiệp, thu hút và phát triển doanh nhân, và có thể hình thành các đặc khu kinh tế…