Lai Châu: Khuyến khích phát triển nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường

Chủ nhật, 10/01/2016 10:11
(ĐCSVN) - Theo Sở NN&PTNT Lai Châu, thực hiện công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2011-2015, địa phương đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, ý thức bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp tại một số địa phương còn chưa cao, ngành chưa có cán bộ chuyên trách về công tác môi trường,… vẫn là những khó khăn chưa được khắc phục.

Ảnh minh họa (baolaichau.vn)

Trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y, trong giai đoạn 2011-2015, ngành đã thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người chăn nuôi thực hiện bảo vệ môi trường như chăn nuôi đúng quy trình kỹ thuật, sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý phân, chất thải chăn nuôi (một số mô hình nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học, xây dựng hầm biogas). Bên cạnh đó, công tác thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường trong chăn nuôi cũng được chú trọng với việc triển khai ít nhất 2 lần/năm. Tích cực kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở, hộ gia đình giết mổ, gia súc, gia cầm đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là việc xử lý chất thải, nước thải trong quá trình chăn nuôi, giết mổ để bảo vệ môi trường sống cho bản thân gia đình, cơ sở giết mổ và khu vực lân cận.

Trên lĩnh vực thủy sản, ngành thường xuyên phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm bảo vệ môi trường đến các hộ nuôi trồng thủy sản, hộ tham gia khai thác, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nuôi trồng thủy sản, khuyến khích sử dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản để giảm thiểu chất thải gây ô nhiễm môi trường.

Trong toàn tỉnh có 11 HTX và 2 trang trại chăn nuôi, qua điều tra đã có 6/11 HTX và 2/2 trang trại chăn nuôi quy mô lớn đã xây dựng hệ thống xử lý chất thải. Các xã viên trong HTX và chủ trang trại chấp hành tốt công tác bảo vệ môi trường, thường xuyên thu gom rác thải, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đóng góp đầy đủ lệ phí môi trường hàng năm.

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường tại các xã có làng nghề và nghề truyền thống luôn được đẩy mạnh, người dân đã hiểu được nguyên nhân, tác hại của ô nhiễm môi trường, các biện pháp bảo vệ môi trường. Tại các điểm bản các làng nghề đều có điểm thu gom rác thải, các hộ dân tại các làng nghề thường xuyên làm công tác thu gom rác thải, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đóng góp đầy đủ lệ phí môi trường hàng năm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn nhất định. Trong đó, ý thức bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh, chế biến, bảo quản trong lĩnh vực nông nghiệp tại một số địa phương còn chưa cao, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa. Chưa thực hiện được công tác đánh giá điều tra chất lượng nước, đánh giá các tác động xấu ảnh hưởng đến môi trường ao nuôi thủy sản, môi trường sinh sống của các loài thủy sản sống tại các khu vực lòng, hồ, sông suối. Chưa có hệ thống quan trắc cảnh báo dịch bệnh cho người dân, nên tình trạng thiếu hiểu biết của người dân khi sử dụng bằng các hóa chất, kháng sinh bằng mọi cách để chữa bệnh cho cá khi dịch bệnh xảy ra ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường ao nuôi.

Đầu tư ngân sách Nhà nước cho các dự án về lĩnh vực bảo vệ môi trường trong nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Mạng lưới quan trắc đánh giá phân tích chất lượng nước và cảnh báo tình hình dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản của tỉnh chưa được thực hiện đúng. Bên cạnh đó, chưa có cán bộ chuyên trách về công tác môi trường, công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng còn ít thời lượng, nội dung chưa phong phú, chưa mang tính thời sự nên hiệu quả chưa cao.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có quy hoạch về cơ sở giết mổ động vật tập trung, 100% chỉ là các điểm giết mổ tại hộ gia đình với quy mô phân tán nên việc xử lý chất thải, nước thải của các điểm giết mổ rất hạn chế, chủ yếu vẫn là xả thải trực tiếp ra môi trường. Chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích xây dựng, tạo điều kiện trong quá trình hoạt động của cơ sở giết mổ động vật tập trung.

Theo Sở NN&PTNT Lai Châu, để công tác bảo vệ môi trường ngành nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh tiếp tục được cải thiện, ngành sẽ thực hiện các giải pháp thiết thực. Trong đó, tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn về công tác bảo vệ môi trường sinh thái và biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng hướng, khuyến khích phát triển nông nghiệp đảm bảo an toàn và kinh doanh, chế biến các sản phẩm nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, tăng cường nguồn lực phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường trong nông nghiệp, xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện công tác rà soát, đánh giá tổng thể các nhân tố ảnh hưởng đến môi trường đối với các vùng có diện tích ao nuôi trồng thủy sản tập trung, các vùng đang phát triển nuôi cá nước lạnh và khu vực lòng hồ thủy điện, sông suối.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ nuôi trong quá trình xử lý nước thải, xử lý khi có dịch bệnh xảy ra giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, các hộ tham gia khai thác chấp hành đúng các quy định của pháp luật. Tăng cường công tác kiểm soát chặt chẽ các loại vật tư thức ăn, kháng sinh, hóa chất, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản, các tổ chức, cá nhân tham gia khai thác thủy sản.

Ngoài ra, triển khai kế hoạch đào tạo và xây dựng mạng lưới cộng tác viên chuyên trách và tuyên truyền, phổ biến luật bảo vệ môi trường ở địa phương để góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản./.

BT

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực