(ĐCSVN) - Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, qua 2 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, mức độ và phạm vi ứng dụng khoa học công nghệ được phát triển mạnh mẽ trong toàn bộ quá trình sản xuất, đồng thời hướng sản xuất ngày càng chuyển dần theo hướng an toàn.
|
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại Lâm Đồng (Ảnh: baolamdong.vn) |
Cụ thể, việc triển khai thực hiện chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cùng với các chương trình, đề án, đề tài nghiên cứu khoa học, mô hình khuyến nông,… đã giúp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển theo chiều sâu; trình độ canh tác, kết cấu hạ tầng kỹ thuật của người sản xuất được nâng lên đáng kể. Toàn tỉnh hiện có 39.237ha sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao (chiếm 15% diện tích canh tác); tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt 30% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Năng suất, giá trị sản xuất cây trồng, vật nuôi khi áp dụng nông nghiệp công nghệ cao tăng 25-30%, góp phần nâng cao lợi nhuận của người sản xuất.
Bên cạnh đó, chất lượng giống cây trồng, vật nuôi được nâng lên đáng kể, đặc biệt là đối với 2 cây trồng dài ngày cà phê, chè được đầu tư chuyển đổi mạnh trong 2 năm gần đây. Mô hình nông nghiệp theo hướng đa tiếp cận đa ngành đang được tổ chức JICA tích cực phối hợp với địa phương xúc tiến hình thành, đặc biệt là khu công nghiệp nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp chuyển dần theo hướng an toàn, các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp đang phát triển mạnh; toàn tỉnh hiện có khoảng 1.800ha cây trồng được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP, trên 40.000ha cà phê được chứng nhận UTZ, 4C.
Trên lĩnh vực lâm nghiệp, các hoạt động sản xuất đã chuyển dần sang mô hình phát triển bền vững giữa bảo vệ và phát triển; các doanh nghiệp quan tâm đầu tư phát triển rừng trồng, đặc biệt là xu hướng chủ động liên doanh liên kết giữa các doanh nghiệp và cơ sở chế biến nhằm tạo nguồn nguyên liệu ổn định, góp phần phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến lâm sản của tỉnh. Một số cây lâm nghiệp mới, cây lâm sản phụ được nhiều nhà đầu tư quan tâm, phát triển; thu nhập của người dân sống gần rừng được cải thiện thông qua việc thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Thêm vào đó, ngành đã hoàn thành xây dựng phương án tổng thể về đổi mới, sắp xếp các Công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; nội dung phương án sắp xếp được thực hiện theo hướng tạo chủ động cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó khuyến khích phát triển kinh tế rừng, đặc biệt là các hoạt động trồng rừng, dịch vụ môi trường rừng và chế biến lâm sản nhằm từng bước tăng tỷ trọng giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh.
Trên lĩnh vực phát triển Nông thôn và xây dựng Nông thôn mới, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đổi mới mô hình hoạt động, nhiều mô hình HTX là điểm sáng trong việc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Toàn tỉnh hiện có 2 liên hiệp HTX, 86 HTX nông nghiệp với 6.890 xã viên, 240 THT sản xuất nông nghiệp với 5.816 tổ viên, 532 trang trại với 9.944 lao động thường xuyên. Ngoài ra, nhiều mô hình phát triển nông thôn khác đã được tỉnh quan tâm hỗ trợ phát triển như: Đề án phát triển kinh tế trang trại, Đề án khôi phục và bảo tồn làng nghề truyền thống.
Thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân được nâng lên, thu nhập bình quân tăng lên từng năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể; dự kiến đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 43 xã và 1 huyện đạt chuẩn huyện Nông thôn mới, bình quân đạt trên 15 tiêu chí/xã.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, việc triển khai thực hiện Quyết định 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ nông sản, Nghị định 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp nông thôn, Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg về khuyến khích phát triển chăn nuôi nông hộ vẫn còn chậm.
Mặc dù địa phương đã thường xuyên triển khai thực hiện các biện pháp về thay đổi khâu quy hoạch, lập kế hoạch sản xuất đến tổ chức quản lý,… để ổn định đầu ra cho sản phẩm nhưng vẫn còn nhiều thách thức, công tác dự báo thị trường, sản xuất theo hợp đồng tiêu thụ vẫn chưa được thực hiện tốt nên vẫn còn tình trạng một số nông sản rớt giá xuống thấp hơn giá thành trong thời gian qua (như cà chua, hành tây,…), ảnh hưởng tới thu nhập của người nông dân. Đồng thời, tuy đã xuất hiện nhiều hoạt động liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả nhưng mới chỉ dừng lại ở mức độ mô hình, chưa được nhân rộng và phát triển đại trà. Việc huy động nguồn lực để thực hiện các giải pháp đề ra còn hạn chế; khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho phát triển sản xuất nông nghiệp còn khó khăn. Chưa tạo được sự đột phát trong việc nghiên cứu, chuyển đổi các giống cây lâm nghiệp mới cho năng suất, hiệu quả trồng rừng cao.
Nhằm khắc phục những khó khăn còn tồn tại, tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, theo UBND tỉnh Lâm Đồng, trong thời gian tới, quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại tỉnh sẽ chú trọng vào những nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, với các ngành hàng có lợi thế phát triển tại địa phương như cây rau, hoa, tập trung nguồn lực phát triển ứng dụng công nghệ cao, trong đó trọng tâm triển khai thực hiện mô hình nông nghiệp theo hướng tập cận đa ngành, kết hợp khai thác có hiệu quả thương hiệu rau Đà Lạt. Cải thiện các vấn đề còn tồn tại trong chuỗi giá trị rau quả, đặc biệt là khâu phân phối, tiêu thụ nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các khâu trong quá trình sản xuất.
Đối với cây cà phê, trọng tâm nâng cao chất lượng giống cà phê thông qua việc thực hiện tái canh cà phê; ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật canh tác mang tính bền vững như trồng cây che bóng, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm kết hợp phát triển hệ thống ao hồ nhỏ trữ nước, canh tác theo tiêu chuẩn UTZ, 4C, áp dụng biện pháp sinh học,….Đối với cây chè, tiếp tục chuyển đổi sang trồng các giống chè chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm; đổi mới hệ thống thu mua, cải tiến công nghệ chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Về công nghệ, xác định các công nghệ chính cần tập trung tác động, cải thiện gồm: công nghệ giống, công nghệ sau thu hoạch và công nghệ chế biến. Về cơ chế chính sách, thực hiện xã hội hóa các nguồn lực đầu tư, nhà nước tiếp tục đầu tư một số mô hình mới, các doanh nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp tác và hộ nông dân chủ động tìm kiếm nguồn lực thông qua các chính sách khuyến khích, ưu đãi và các hoạt động liên kết trong sản xuất.
Trong công tác nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, chú trọng nghiên cứu lai tạo, nhập nội các giống cây trồng, vật nuôi mới có giá trị cao, mẫu mã đẹp, thích ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là các giống rau, hoa. Nâng cao chất lượng sản xuất giống thông qua việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong sản xuất như nhân giống invitro, phát triển công nghệ ghép trên cây cà phê, cây ăn quả; đầu tư kết cấu hạ tầng, trang thiết bị phục vụ sản xuất, hình thành các vườn cây đầu dòng được chứng nhận.
Trên lĩnh vực lâm nghiệp, phát triển ngành bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển từ lâm nghiệp theo số lượng để có độ che phủ cao hơn sang nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế của rừng; phát triển lâm nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học kỹ thuật và tổ chức lại sản xuất, nâng cao giá trị dịch vụ môi trường rừng.
Về lĩnh vực xây dựng Nông thôn mới và phát triển Nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp để tăng thu nhập và không ngừng cải thiện đời sống của người dân nông thôn; củng cố quan hệ sản xuất nông nghiệp. Trong đó, triển khai chỉ đạo các xã xây dựng Nông thôn mới tiến hành rà soát các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất đang được triển khai thực hiện để tập trung cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Khuyến khích hình thành và phát triển mô hình kinh tế trang trại để hướng tới sản xuất hàng hóa tập trung, thuận tiện trong việc cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và hình thành vùng nguyên liệu tập trung. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức kinh tế tập thể Hợp tác xã, Tổ hợp tác, các liên minh sản xuất để thực hiện các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật giữa các thành viên, đồng thời làm cầu nối giữa người sản xuất và người tiêu thụ. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ đầu vào, chế biến nông sản./.