Lào Cai: Đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn

Thứ sáu, 27/11/2015 16:25
(ĐCSVN) - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (SNN&PTNT) Lào Cai, trong giai đoạn 2011-2015, công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả công tác này trong thời gian tới, vẫn còn nhiều nhiệm vụ cần triển khai.

Sử dụng đệm lót sinh học trong nuôi lợn là một trong những
giải pháp bảo vệ môi trường cho ngành chăn nuôi (Ảnh: HP)

Cụ thể, theo Sở NN&PTNT Lào Cai, trong giai đoạn 2011-2015, để thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, ngành đã tích cực áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, kết hợp với quy hoạch tổng thể vùng sản xuất nhằm phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp. Những biện pháp đã được triển khai như hỗ trợ đầu tư cho các đề tài, dự án nghiên cứu, thí điểm và phổ biến công nghệ xử lý, tái sử dụng phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp để tạo ra thức ăn chăn nuôi, trồng nấm, làm nguyên liệu công nghiệp, biogas, than sinh học, phân bón hữu cơ. Thông qua đó nhằm hình thành và phát triển ngành công nghiệp tái chế phụ phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất và giảm phát thải ô nhiễm.

Thực hiện Dự án “Hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp”, nhằm nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững và thân thiện với môi trường, Dự án đã tổ chức các cuộc tuyên truyền, thực hiện các phóng sự và đối thoại trực tuyến trên sóng phát thanh truyền hình tỉnh để tuyên truyền về dự án. Đến nay, đã lắp đặt được 487 hầm bể biogas. Thông qua chương trình khí sinh học để tạo nguồn năng lượng sạch, việc áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp các-bon thấp còn cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Bên cạnh đó, thực hiện chương trình hợp tác giữa tỉnh Lào Cai và Lâm Đồng trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh đã tiến hành trồng thử nghiệm các giống rau chất lượng cao và tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp và hộ gia đình sản xuất rau tại một số huyện tham gia mô hình về quy trình sản xuất rau an toàn theo hướng áp dụng công nghệ cao. Đồng thời, với dự án “Tăng cường năng lực nhằm nâng cao các hoạt động tổng hợp và có điều phối trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu trong nông nghiệp ở vùng núi phía Bắc Việt Nam” do Tổ chức Nông lương Thế giới tài trợ, Dự án đã tiến hành điều tra, đánh giá và thu thập thông tin, số liệu cần thiết về khả năng ứng phó với thiên tai, sắp xếp các vấn đề ưu tiên để lập kế hoạch phòng ngừa khi có thảm họa xảy ra. Ngoài ra, các hộ nông dân còn được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản giống tốt và các hoạt động đặc thù cho từng địa phương về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Về công tác bảo vệ rừng đã có nhiều thay đổi tích cực như: tổ chức bảo vệ rừng theo cộng đồng, xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, các chủ rừng hàng năm xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức diễn tập sát với thực tế, tăng cường công tác kiểm tra giám sát chế độ trực gác. Số vụ cháy rừng giảm 60%, diện tích rừng bị cháy giảm 84% so với giai đoạn trước, nhận thức của người dân về công tác phòng cháy chữa cháy rừng được nâng cao. Do vậy, hiệu quả bảo vệ rừng cũng như phòng cháy chữa cháy được nâng lên.

Về xử lý các ổ dịch, từ năm 2011 dến tháng 9/2015, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như tai xanh, cúm gia cầm, lở mồm long móng với nhiều đợt trong năm, phải tiêu hủy số lượng lớn gia súc, gia cầm. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đã triển khai 9 đợt thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng. Công tác xử lý gia súc, gia cầm mắc bệnh, sử dụng hóa chất thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng được ngành thú y phối hợp với chính quyền cơ sở đã được kịp thời triển khai thực hiện; quá trình xử lý được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ từ hộ chăn nuôi đến nơi tiêu hủy đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, không gây ô nhiễm môi trường.

Đặc biệt, từ năm 2011 – 2013, được sự quan tâm của Bộ NN&PTNT, Chính phủ Hà Lan, UBND tỉnh, “Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi tỉnh Lào Cai” được ngành nông nghiệp phối hợp với chính quyền các cấp triển khai thực hiện. Kết quả đã hỗ trợ xây dựng và đưa vào vận hành có hiệu quả 214 công trình khí sinh học trên địa bàn 8/9 huyện, thành phố; các bể biogas được nhân dân đánh giá cao, giúp cho người nông dân nông thôn giải quyết chất thải hữu cơ, chống ô nhiễm môi trường.

Theo Sở NN&PTNT Lào Cai, nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác môi trường nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn 2016-2020 trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ kinh phí để mở các lớp tập huấn IPM (quản lý dịch hại tổng hợp) trên các loại cây trồng để hạn chế thuốc BVTV và bảo vệ môi trường. Hỗ trợ kinh phí để xây dựng các điểm bể thu gom bao bì thuốc BVTV tại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung của tỉnh như các vùng sản xuất chuối, dứa, chè, lúa,...là những vùng thường xuyên phải sử dụng hóa chất BVTV và đang có nguy cơ bị ô nhiễm môi trường do các vỏ bao bì thuốc BVTV. Xây dựng các câu lạc bộ và phát động các phong trào sản xuất gắn với bảo vệ môi trường như: câu lạc bộ IPM, câu lạc bộ chè VietGAP, rau VietGAP, rau an toàn; các phong trào thu gom rác BVTV,...

Về bảo vệ môi trường làng nghề, tổ chức điều tra, phân loại, thống kê làng nghề và các cơ sở sản xuất trong làng nghề theo loại hình sản xuất và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường tại các làng nghề, hướng dẫn các làng nghề xây dựng hương ước, quy ước bảo vệ môi trường làng nghề.

Trên lĩnh vực lâm nghiệp, duy trì và ổn định diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp 417.000ha, trong đó diện tích rừng đặc dụng 64.000ha, diện tích rừng phòng hộ 150.000ha, diện tích rừng sản xuất 203.000ha. Chú trọng đến giải pháp xây dựng phương án bảo vệ rừng bền vững, dự án phát triển rừng bền vững. Trong đó ưu tiên bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng hiện có trên địa bàn tỉnh, nhất là khu rừng đặc dụng, rừng tự nhiên, ưu tiên trồng rừng phòng hộ trên các địa bàn xung yếu và địa bàn dễ bị hoang mạc hóa. Đổi mới phương thức sản xuất, áp dụng công nghệ chế biến tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường, tiết kiệm nguyên liệu, đồng bộ về công nghệ và quy trình tổ chức sản xuất.

Trong lĩnh vực thú y, định hướng áp dụng đồng bộ các biện pháp nhằm hạn chế tới mức thấp nhất việc gây ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, thú y do việc xử lý chất thải chăn nuôi, sử dụng hóa chất để xử lý ổ dịch, vệ sinh tiêu độc khử trùng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Tuyên truyền, vận động người dân tích cực áp dụng công nghệ mới để giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, giảm ô nhiễm môi trường bằng công nghệ đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn, xây dựng hệ thống xử lý chất thải bằng các bể khí biogas. Sử dụng tiết kiệm, hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, tăng cường tái sử dụng nguồn chất hữu cơ như rơm rạ làm phân hữu cơ,...thân thiện với môi trường.

Thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tới các điểm giết mổ gia súc, gia cầm; thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng các khu chăn nuôi và giết mổ, kinh doanh vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, đảm bảo việc xử lý môi trường đúng quy trình, quy định, không gây ô nhiễm môi trường./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực