Được biết, Dự án nhằm hỗ trợ triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua việc tăng cường năng lực thể chế của ngành và tổ chức lại sản xuất cho hai ngành hàng lúa gạo và cà phê ở hai vùng sản xuất hàng hóa quan trọng của Việt Nam là vùng đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Dự án được thực hiện từ năm 2015 đến năm 2020 với tổng kinh phí là 301 triệu USD, trong đó vốn vay WB là 250 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ là 12,3 triệu USD, vốn đóng góp của tư nhân là 38,7 triệu USD.
Thăm mô hình khuyến nông về thâm canh cà phê tại Đăk Lăk (Ảnh: Nguyễn Sâm)
Theo TS. Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, năm 2016 sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, lượng nước trong mùa mưa giảm ảnh hưởng xấu đến năng suất và chất lượng cà phê năm 2016. Mưa trái vụ tháng 11-12 có nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cà phê năm 2017. Do đó, việc nghiên cứu, thảo luận trao đổi các giải pháp giúp giảm thiểu tác nhân có nguy cơ gây giảm năng suất cà phê là cần thiết.
Để sản xuất cà phê hợp lý, nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững, theo các nhà quản lý và các chuyên gia, cần thực hiện đồng bộ các khâu từ quy hoạch, giống, biện pháp canh tác, liên kết sản xuất tiêu thụ... Trong đó chú trọng tới tái canh vườn cây già cỗi, vườn bị bệnh cần tái canh theo hướng linh hoạt. Do đa số diện tích cà phê cần tái canh chủ yếu thuộc nông hộ sản xuất nhỏ lẻ, cà phê là nguồn thu nhập chính của hộ. Theo quy trình tái canh 2 năm cải tạo đất, 3 năm trồng kiến thiết cơ bản sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu nhập và đời sống của nông hộ trong thời gian dài. Vì vậy, tùy điều kiện và tình hình thực tế có thể tái canh toàn bộ vườn, hoặc chỉ tái canh những cây già cỗi, sâu bệnh.
Đồng thời, áp dụng tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân hợp lý để giúp cây cà phê nở hoa tập trung, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, giảm công lao động, giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.
Bên cạnh đó, ghép cải tạo cần linh hoạt, có thể ghép một phần của cây, ghép cách cây... để không trắng thu cả năm. Đẩy mạnh sản xuất cà phê có chứng nhận theo UTZ Certify, 4C, Rainforest Alian, VietGAP… sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, trồng xen hợp lý các loại cây ăn quả như hồ tiêu, sầu riêng, bơ... để nâng cao hệ số sử dụng đất trong vườn cà phê; cải thiện môi trường sinh thái, giảm áp lực tưới nước trong mùa khô; giảm thiểu những rủi ro do biến động thời tiết, sâu bệnh, giá cả, tăng thu nhập cho người sản xuất.
Cũng theo TS. Trần Văn Khởi, trước hết, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Tây Nguyên cần hướng dẫn nông dân tại địa phương về giống, kỹ thuật sản xuất, tư vấn về chính sách, thị trường tiêu thụ cà phê. Đồng thời đề nghị bà con nông dân trong quá trình sản xuất cần chủ động tìm hiểu thông tin thông qua cán bộ khuyến nông cơ sở để được giải đáp kịp thời, đây là kênh tin cậy và dễ tiếp cận, có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu về thông tin của người sản xuất.