(ĐCSVN) - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nam Định, qua một năm triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trên lĩnh vực trồng trọt, ngành đã đạt được những kết quả khả quan bước đầu, đặc biệt trong công tác xây dựng cánh đồng mẫu lớn; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất giống lúa,…
|
Cơ giới hóa trong sản xuất góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả đề án tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt tại Nam Định (Ảnh minh họa: DĐ) |
Cụ thể, về công tác quy hoạch, hiện nay, các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành quy hoạch các vùng tập trung sản xuất lúa chất lượng cao, lúa đặc sản và cây vụ Đông hàng hóa; đồng thời đã và đang tiếp tục quy hoạch các vùng cánh đồng mẫu lớn chuyên áp dụng cơ giới và sản xuất hàng hóa tập trung.
Về công tác dồn điền - đổi thửa, tỉnh đã triển khai từ năm 2011 đối với 200/209 xã, phường sản xuất nông nghiệp. Đến nay, đã có 89% số xã (98% số thôn xóm) hoàn thành dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch các vùng cánh đồng mẫu lớn và kiến thiết đồng ruộng. Thông qua dồn điền đổi thửa đã giảm số thửa bình quân từ 4 thửa/hộ xuống còn xấp xỉ 2 thửa/hộ, dồn gọn được quỹ đất công. Sau dồn điền đổi thửa, hầu hết các xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch và từng bước tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn.
Về chuyển đổi cơ cấu giống, thời vụ, ngành tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao. Trong đó, về cơ cấu giống - cây trồng, chuyển dịch tích cực với tỷ lệ chất lượng cao từ 43% diện tích năm 2013 lên gần 60% diện tích năm 2014. Sản lượng lúa chất lượng cao năm 2014 đạt trên 550.000 tấn, chiếm 55% sản lượng lúa, tăng 15% so với năm 2013. Các cây rau màu tập trung vào các sản phẩm dễ tiêu thụ, hiệu quả kinh tế cao và hướng tới xuất khẩu.
Về ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất, trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch và xây dựng ổn định được 150 cánh đồng mẫu lớn với diện tích khoảng 6.500ha, trong đó xấp xỉ 300ha được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, cơ giới hóa các khâu trong sản xuất được mở rộng nhanh với diện tích gieo sạ đạt 15% diện tích năm 2014 tăng lên 21% năm 2015. Hiện nay, Nam Định có trên 40% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, tăng 20% so với năm 2013; sản xuất giống lúa lai F1 tiếp tục được các doanh nghiệp trong tỉnh duy trì sản xuất khoảng 700ha/năm.
Bên cạnh đó, tỉnh đã xây dựng và nhân rộng được các mô hình tái cơ cấu hiệu quả trong lĩnh vực trồng trọt, tiêu biểu như các mô hình thuê gom, tích tụ ruộng đất để sản xuất giống lúa và cây vụ Đông theo cánh đồng mẫu lớn với quy mô sản xuất 600ha/năm, lợi nhuận bình quân đạt 70-80 triệu đồng/ha/năm (cao gấp 7-8 lần so với sản xuất lúa ngoài đại trà); mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao theo cánh đồng mẫu lớn lợi nhuận bình quân từ 18-20 triệu đồng/ha/vụ (cao gấp 2-3 lần so với sản xuất lúa đại trà).
Tuy nhiên, cũng theo Sở NN&PTNT Nam Định, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, ngành vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; một số chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống như: chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch, chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn và khuyến khích phát triển cơ giới hóa; đồng thời người dân còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận với nguồn vốn vay tín dụng. Đây là những khó khăn ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt của địa phương.
Bên cạnh đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn hạn hẹp, sử dụng mạnh mún. Thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thấp làm cho một bộ phận không nhỏ người dân không thực sự tha thiết sản xuất, tuy nhiên vẫn còn nặng tâm lý giữ ruộng nên việc tích tụ ruộng đất cho sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gặp nhiều khó khăn.
Thêm vào đó, sản xuất nông nghiệp mang tính thời vụ cao, nhiều loại nông sản được thu hoạch trong thời gian ngắn gây khó khăn trong việc điều tiết nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản. Đồng thời, do hiệu quả thấp và ẩn chứa nhiều rủi ro nên ngành nông nghiệp chưa đủ sức hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến, bởi vậy chưa có nhiều doanh nghiệp chế biến – xuất khẩu nông sản đồng hành cùng nông dân trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Nhằm tạo điều kiện thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, theo Sở NN&PTNT Nam Định, thời gian tới, Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương cần quan tâm hỗ trợ đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến như hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng, xây dựng các cơ sở chế biến, bảo quản nông sản, thực phẩm,....nhằm nâng cao chất lượng nông sản. Đồng thời bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông nghiệp, nông thôn.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT chỉ đạo, hỗ trợ và xây dựng cụ thể lộ trình các doanh nghiệp tham gia thực hiện cánh đồng liên kết với các địa phương; chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc Bộ đẩy mạnh xây dựng vùng nguyên liệu, tăng cường tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản nhằm giúp nông dân yên tâm sản xuất./.