Nam Định: Tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản

Thứ ba, 29/11/2016 17:14
(ĐCSVN) - Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nam Định, trong năm 2016, công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn khá nhiều khó khăn cần triển khai các giải pháp khắc phục.

Ảnh minh họa (Ảnh: BT)

Nam Định là tỉnh ven biển, thuộc phía Nam Đồng bằng sông Hồng. Tỉnh có 72km bờ biển, 3 huyện ven biển, 3 cửa sông lớn đổ ra biển với nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế thủy sản. Năm 2016, nuôi trồng thủy sản của tỉnh được duy trì phát triển ổn định. Trong đó, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 15.869 ha, sản lượng nuôi ước đạt 80.000 tấn. Riêng thủy sản nuôi nước ngọt đạt 9.500ha, sản lượng đạt 39.800 tấn. Diện tích nuôi thủy sản mặn, lợ đạt 3.811ha với diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 728ha, tôm sú 3.083ha. 

Hiện nay, toàn tỉnh có 85 trại sản xuất giống thủy sản. Trong năm 2016, các cơ sở giống đã sản xuất cung ứng thị trường trong và ngoài tỉnh trên 10 tỷ con giống các loại. Trong đó, tôm sú giống 137 triệu con, ngao giống gần 9 tỷ con. 

Với diện tích nuôi trồng thủy sản tiềm năng, do vậy công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản luôn được tỉnh chú trọng. Năm 2016, Chi cục Chăn nuôi và Thú y của tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản, đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, về công tác kiểm soát con giống, Chi cục thường xuyên phối hợp với các đơn vị chuyên ngành tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, cơ sở nuôi thủy sản. Đồng thời đã có văn bản gửi các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản các tỉnh để phối hợp kiểm soát việc xuất, nhập giống thủy sản.

Về công tác giám sát, quan trắc và cảnh báo dịch bệnh, các cán bộ kỹ thuật thường xuyên xuống cơ sở, hướng dẫn các địa phương, các hộ nuôi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Trong thời gian các vụ nuôi (tập trung từ tháng 3 đến tháng 10) đã tổ chức thu mẫu môi trường 2 tháng/lần và lấy mẫu đột xuất khi có dịch bệnh. Qua đó, thu các kết quả xét nghiệm, hướng dẫn các biện pháp xử lý môi trường cho các địa phương.

Trên lĩnh vực xử lý dịch bệnh thủy sản, năm 2016, tỉnh không xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm ở vùng nuôi thủy sản. Tuy nhiên, tại một số vùng nuôi tôm của tỉnh đã xảy ra hiện tượng tôm yếu chết sau khi thả giống. Nguyên nhân do chất lượng con giống không đảm bảo, kích cỡ tôm giống nhỏ và ô nhiễm môi trường nuôi. Trước tình hình trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y của tỉnh đã hướng dẫn các cơ sở nuôi thực hiện xử lý môi trường, lựa chọn các cơ sở giống uy tín để nhập con giống có chất lượng tốt vào nuôi.

Tuy nhiên, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nam Định, hiện nay, công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, công tác quản lý, thực hiện quy hoạch vùng nuôi thủy sản ở một số địa phương chưa chặt chẽ và còn nhiều bất cập, dẫn tới khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, hệ thống thủy lợi tại một số vùng nuôi còn chung với sản xuất nông nghiệp và muối; kênh cấp, thoát nước phần lớn chưa tách biệt. Vì vậy, việc điều tiết nước phục vụ nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn và có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh.

Bên cạnh đó, sản xuất giống thủy sản trong tỉnh tuy đã phát triển, song vẫn chưa đáp ứng đủ lượng con giống phục vụ nhu cầu nuôi thả của các hộ nuôi, đặc biệt, giống tôm thẻ chân trắng vẫn phải nhập từ bên ngoài vào. Việc kiểm soát nguồn gốc, chất lượng con giống thủy sản nhập vào tỉnh gặp nhều khó khăn do sự phối hợp thông tin kiểm dịch giữa các địa phương chưa chặt chẽ và thường xuyên.

Cùng với đó, hiệu quả công tác quản lý sản xuất, kinh doanh giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản trên địa bàn tỉnh còn chưa cao do lực lượng cán bộ thú y, thủy sản còn mỏng. Năng lực, trang thiết bị phục vụ chẩn đoán, xác định bệnh và xét nghiệm các chỉ tiêu môi trường nuôi thủy sản của tỉnh còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Mặt khác, nhận thức của một số hộ nuôi, chính quyền cơ sở về công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản còn hạn chế. Một số cơ sở nuôi chưa hợp tác với cơ quan chuyên môn trong việc thu mẫu quan trắc môi trường và giám sát dịch bệnh. Nhiều cơ sở nuôi chưa áp dụng tốt quy trình kỹ thuật nuôi thủy sản an toàn vào sản xuất thực tế. Một bộ phận người nuôi thường tận dụng tối đa diện tích để thả nuôi, không bố trí ao chứa, ao lắng để bổ sung nước và xả nước ao nuôi.

Nhằm khắc phục những hạn chế còn tồn tại, tạo điều kiện cho việc nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh phát triển, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nam Định, thời gian tới, Chi cục sẽ đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân, ngư dân, chính quyền cơ sở về các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên thủy sản và các quy trình kỹ thuật nuôi trồng thủy sản. Tuyên truyền, khuyến cáo tới các hộ nuôi thực hiện nuôi đúng quy hoạch, đúng mùa vụ, đúng đối tượng nhằm đảm bảo an toàn dịch.

Bên cạnh đó, tham mưu và triển khai hiệu quả Kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản đã được UBND tỉnh phê duyệt. Thực hiện tốt công tác quan trắc, giám sát, phát hiện, xử lý dịch; tiếp tục, phân công cán bộ phụ trách từng huyện, xã để đôn đốc, hướng dẫn thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, thực hiện thu mẫu cảnh báo định kỳ 2 lần/tháng và thu mẫu khi phát hiện dịch bệnh; báo cáo kịp thời các trường hợp dịch bệnh phát sinh, hướng dẫn xử lý nhanh gọn các ổ dịch.

Ngoài ra, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, các cơ sở kinh doanh thuốc thú y. Đặc biệt phối hợp quản lý, kiểm soát tốt nguồn giống tôm nhập vào tỉnh đảm bảo chất lượng giống an toàn dịch bệnh. Tập huấn, đào tạo tăng cường năng lực, trình độ chuyên môn kỹ thuật cho cán bộ thú y từ tỉnh đến cơ sở về thú y thủy sản nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao./.

BT
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực