Nam Định: Tăng cường xử lý hiệu quả chất thải trong chăn nuôi

Thứ sáu, 22/01/2016 13:54
(ĐCSVN) - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nam Định, những năm qua, công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đã đạt những kết quả quan trọng, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc xử lý chất thải chăn nuôi vẫn là điểm khó khăn của ngành.

Ảnh minh họa (Ảnh: BT)

Trong giai đoạn 2011-2015, công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đã đạt những kết quả tích cực. Trong đó, ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, áp dụng những mô hình canh tác mới thân thiện với môi trường. Sản xuất theo quy trình an toàn trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản là hướng đang được ngành khuyến khích áp dụng rộng rãi như: mô hình trồng rau an toàn, trồng trọt theo tiêu chí GAP, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học. Đây là những mô hình canh tác bền vững, bảo vệ môi sinh, môi trường và mang lại hiệu quả cao cho người sản xuất.

Bên cạnh đó, ngành đã tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế dùng hóa chất hoặc thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; hạn chế lạm dụng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trong canh tác trồng trọt. Hướng dẫn người dân thu gom, xử lý hợp vệ sinh đối với các loại bao bì chứa đựng hóa chất, quản lý và xử lý chất thải chăn nuôi nhằm giảm ô nhiễm môi trường. Đồng thời, các địa phương đang từng bước đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn khu vực nông thôn.

Trên lĩnh vực chăn nuôi, toàn tỉnh đã quy hoạch 139 vùng chăn nuôi tập trung tại các xã thuần nông. Một số vùng có trang trại hạt nhân làm đầu mối liên kết với doanh nghiệp, sản xuất, cung ứng con giống, bao tiêu sản phẩm cho các trang trại và gia trại trong xã. Ngành đang từng bước xây dựng các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Những năm gần đây, chăn nuôi của tỉnh có tốc độ phát triển khá nhanh với tổng đàn lợn là 783.491 con, gia cầm 7,3 triệu con, trâu, bò 39.634 con. Hiện nay, lượng chất thải của gia súc, gia cầm tỉnh Nam Định thải ra trên 1,5 triệu tấn/năm. Việc xử lý chất thải chăn nuôi có sự khác nhau theo quy mô chăn nuôi. Với quy mô trang trại, việc xử lý chất thải chăn nuôi được coi trọng hơn. Tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gắn liền với sản xuất nông nghiệp, chất thải chăn nuôi được vận chuyển trực tiếp từ chuồng nuôi ra ngoài đồng bón cho cây trồng, làm thức ăn cho cá.

Tuy nhiên, việc xử lý chất thải trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Trong đó, chăn nuôi nông hộ chiếm khoảng 70% số hộ chăn nuôi toàn tỉnh, do vậy, các cơ sở chăn nuôi nhỏ, lẻ chủ yếu vẫn nằm trong khu dân cư và hệ thống xử lý chất thải còn khá thô sơ, điều này dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của vật nuôi và con người. Các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn phần lớn có hệ thống xử lý chất thải với các loại công nghệ khác nhau, nhưng hiệu quả xử lý chưa triệt để.

Bên cạnh đó, trong công tác sử dụng phân bón, số lượng các chủng loại sản phẩm phân bón còn quá nhiều. công tác quản lý nhà nước về phân bón chủ yếu mới được thực hiện ở cấp tỉnh, ở các địa phương còn lỏng lẻo. Trong hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, mỗi năm tỉnh sử dụng khoảng 600-700 tấn hóa chất bảo vệ thực vật. Thông thường, lượng bao bì chiếm khoảng 10% tổng số thuốc tiêu thụ, khối lượng lên tới 60-70 tấn mỗi năm. Vẫn còn tình trạng các hộ kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật vì lợi nhuận nên đã hướng dẫn nông dân sử dụng những loại thuốc độc hại cao, kém chất lượng, rẻ tiền, phối trộn nhiều loại thuốc,…

Theo Sở NN&PTNT Nam Định, trong giai đoạn 2016-2020, ngành sẽ tiếp tục hoàn thiện công tác quy hoạch nông thôn gắn với việc bảo vệ môi trường, phát triển sản xuất nông nghiệp và ngành nghề theo các quy hoạch đã được phê duyệt. Tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất và phát triển ngành nghề để hạn chế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo ra các sản phẩm sạch, chất lượng cao và giảm phát thải các khí độc hại gây ô nhiễm môi trường. Tăng cường các giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn, nhất là tại các làng nghề tiểu, thủ công nghiệp. Từng bước xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn, phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư cùng các biện pháp quản lý và chế tài xử phạt nhằm hạn chế hoạt động gây ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn.

Nhằm thực hiện mục tiêu trên, một số giải pháp cần triển khai trong thời gian tới gồm: xây dựng quy chế hương ước làng, xã đối với công tác bảo vệ môi trường; áp dụng các biện pháp xử lý chất thải trong nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường; quy hoạch và di chuyển trang trại chăn nuôi, các cơ sở sản xuất ngành nghề tiểu thủ công nghệp gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư. Tăng cường tiếp thu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp, thủy sản, ngành nghề; tăng cường chế tài xử phạt, tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ môi trường./.

Bùi Thủy
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực