Ảnh minh họa (Ảnh: HNV)
Theo Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Nguyễn Thanh Sơn, năm 2016, ngành chăn nuôi nước ta có sự tăng trưởng khá cả về quy mô sản phẩm và giá trị, góp phần đưa toàn ngành nông nghiệp thoát khỏi tỷ lệ tăng trưởng âm. Tỷ lệ tăng trưởng của ngành chăn nuôi đạt khoảng 5,5-6%, giá trị sản xuất ước đạt gần 150.000 tỷ đồng. Đồng thời, với sự gia tăng về chăn nuôi gia trại công nghiệp quy mô lớn, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm dần. Hiện chăn nuôi quy mô lớn, tập trung tăng lên 55% so với 40% trước kia. Từ đó cho thấy, người nông dân bắt đầu đã có tư duy chăn nuôi lớn hơn. Trong 6 tháng đầu năm 2017, ngành chăn nuôi đạt tốc độ tăng trưởng 2,88%.
Việc ứng dụng công nghệ cao trong chọn tạo giống, thức ăn chăn nuôi đã được các doanh nghiệp chăn nuôi chú trọng đầu tư. Hiện nay, năng suất của một số loại vật nuôi đã được cải thiện đáng kể. Việt Nam đã chủ động gần như được cơ bản giống và công tác thụ tinh nhân tạo bằng hai giải pháp: sản xuất tại chỗ và nhập khẩu; ngành chăn nuôi đang có sự du nhập công nghệ tiên tiến nhất về công tác chăn nuôi.
Người chăn nuôi đã bắt đầu chú trọng đến an toàn thực phẩm, việc đẩy lùi chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi được thực hiện mạnh mẽ trong năm qua đã góp phần nâng cao ý thức của người chăn nuôi. Đồng thời đã bắt đầu xuất hiện sự liên doanh liên kết mới theo hướng liên kết dọc - liên kết giữa doanh nghiệp, người sản xuất và thị trường. Đây chính là nền tảng cho nền chăn nuôi hiện đại, bền vững tạo ra sản phẩm có chất lượng cao của Việt Nam trong tương lai. Qua đó, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trong nước mà hoàn toàn đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu chính ngạch sang các quốc gia phát triển trên thế giới.
Dù vậy, theo Viện trưởng Nguyễn Thanh Sơn, trong xu hướng hội nhập sâu rộng hiện nay, ngành chăn nuôi trong nước sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn và mức độ cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu ngày càng khốc liệt hơn. Đặc biệt, khó khăn lớn nhất của ngành là thiếu sự phối hợp giữa người sản xuất và thị trường để tạo ra một chuỗi liên kết ổn định.
Theo các chuyên gia, hiện ngành chăn nuôi Việt Nam đang tồn tại các điểm yếu cần khắc phục: phát triển chưa bền vững về năng suất, giá cả; chất lượng một số giống vật nuôi thấp; hình thức tổ chức sản xuất còn cũ, manh mún và bị cắt khúc dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao. Thêm vào đó là tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, gặp nhiều khó khăn trong xử lý chất thải, dịch bệnh; tình trạng giết mổ thủ công vẫn còn tràn lan, thiếu điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngành chăn nuôi hiện nay đang phụ thuộc khá nhiều vào những vật tư đầu vào như: con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y nên chi phí đầu tư cho sản xuất thường cao. Ước tính mỗi năm, chúng ta phải nhập trên 8 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trị giá khoảng 3 tỷ USD. So với các nước trong khu vực, giá thành thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam luôn cao hơn khoảng 10-15%.
Bên cạnh đó, một số loại dịch bệnh như lở mồm long móng, cúm gia cầm gây nhiều thiệt hại cho người chăn nuôi. Hiện nay, giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp, chỉ chiếm khoảng 20% trên tổng lượng thịt, chủ yếu là giết mổ thủ công, thiếu điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là nguyên nhân làm giảm giá trị gia tăng của sản phẩm. Công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch trong lĩnh vực chăn nuôi còn rất yếu.
Mặc dù đang còn tồn tại nhiều hạn chế và đối mặt với nhiều khó khăn thách thức nhưng ngành chăn nuôi nước ta có tiềm năng và triển vọng để phát triển sản xuất theo hướng chất lượng cao. Theo Viện trưởng Nguyễn Thanh Sơn, để phát triển chăn nuôi ở nước ta một cách bền vững, hiệu quả, cần một chiến lược tổng thể. Trong đó, đã đến lúc cần xây dựng và thực thi Luật Chăn nuôi thay cho các văn bản dưới luật như Pháp lệnh giống vật nuôi, nghị định quản lý thức ăn chăn nuôi. Rà soát, điều chỉnh và nâng cao chất lượng quy hoạch, gắn với nghiên cứu thị trường, đảm bảo tính khả thi và tuân thủ quy hoạch, từng bước hạn chế việc sản xuất theo phong trào, tự phát dẫn đến tình trạng được mùa rớt giá.
Để ngành chăn nuôi phát triển ổn định, có chiều sâu, cũng cần rà soát và quy hoạch lại đất đai. Theo đó, cần quy định rõ vùng khuyến khích chăn nuôi, vùng hạn chế chăn nuôi và vùng cấm chăn nuôi. Đồng thời, với quy hoạch không gian, cần định hướng quy hoạch sản phẩm ngành hàng cho từng vùng và liên vùng, nhằm tránh sự phát triển quá nóng về quy mô đầu con và quá sức chịu tải về môi trường.
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất là yếu tố quyết định để có sản phẩm chất lượng cao. Vì vậy, cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Cần sửa đổi chính sách liên kết sản xuất nông sản theo hợp đồng, trong đó, xây dựng các chính sách liên kết đủ mạnh để giải quyết vấn đề phá vỡ hợp đồng. Nhà nước đóng vai trò trung gian điều phối, trọng tài, tăng lòng tin cho các bên tham gia liên kết.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tổ chức kiểm tra định kỳ đột xuất tồn dư chất kháng sinh, chất cấm có trong thịt, trứng, từ đó xây dựng các biện pháp sản xuất thịt đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Giám sát chặt chẽ và tăng cường kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, gắn trách nhiệm cho đội ngũ làm công tác thú y tại địa phương. Đồng thời, tăng cường kiểm tra các đại lý cung ứng thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; giám sát chất lượng thức ăn gia súc, đặc biệt là hàm lượng chất kháng sinh, chất cấm được bổ sung trong thành phần thức ăn./.