Nuôi tôm nước lợ phát triển mạnh ở ĐBSCL (Ảnh: PV)
Theo đó, đẩy mạnh thả nuôi tại những vùng đã được quy hoạch, có điều kiện tự nhiên thuận lợi, có lợi thế cạnh tranh, tối thiểu đạt diện tích nuôi tôm bằng năm 2015. Bên cạnh đó, nâng cao năng suất, sản lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm ở tất cả các hình thức nuôi bằng cách áp dụng mạnh mẽ các giải pháp kỹ thuật, kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào, kiểm soát dịch bệnh và chất lượng sản phẩm tôm.
Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đặc biệt chú trọng nâng cao năng suất và sản lượng tôm sú vùng nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến, phấn đấu tăng 20% năng suất so với năm 2015; năng suất tôm nuôi thâm canh, bán thâm canh tăng 8-10% so với năm 2015. Cụ thể, diện tích nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh, quảng canh cải tiến là 564.078 ha (sản lượng 206.106 tấn); diện tích nuôi tôm sú theo hình thức thâm canh, bán thâm canh là 39.344 ha (sản lượng 79.759 tấn); diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng là 80.000 ha (394.135 tấn).
Để thực hiện mục tiêu trên, Tổng cục Thủy sản phối hợp với các địa phương triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ. Đồng thời, cử các tổ công tác thường trực tại địa bàn, phối hợp với địa phương tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật, xử lý các vướng mắc. Xây dựng chương trình phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ, kiểm soát dịch bệnh, kịp thời xử lý các ổ dịch (nếu có) để hạn chế rủi ro; tăng cường quan trắc môi trường và dịch bệnh tại các vùng nuôi tập trung.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm dịch, kiểm soát chất lượng tôm giống; tổ chức Hội nghị bàn giải pháp quản lý, nâng cao chất lượng tôm giống; cân đối cung - cầu tôm giống, chủ động bàn giải pháp đảm bảo đủ tôm giống có chất lượng cho sản xuất.
Ngoài ra, tổ chức cao điểm thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở nuôi tôm; cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư thủy sản (thuốc, hóa chất, thức ăn...); xử lý nghiêm, công khai các cơ sở vi phạm chất lượng, an toàn thực phẩm để đảm bảo hiệu quả sản xuất.
Tổ chức đợt cao điểm thanh, kiểm tra khâu thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản, lưu thông sản phẩm tôm, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất.
Phối hợp với Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam thực hiện các giải pháp thị trường tiêu thụ sản phẩm tôm; đẩy mạnh các chương trình quảng bá sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu và thị trường.
Phát triển mạnh mẽ các hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ tôm nước lợ; cung cấp thông tin về thị trường, sản phẩm, các đầu mối tiêu thụ, cung ứng dịch vụ hữu ích cho người sản xuất, doanh nghiệp./.