Nghệ An: Đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng rừng

Thứ hai, 28/12/2015 11:34
(ĐCSVN) - Theo Sở NN&PTNT Nghệ An, qua 5 năm triển khai thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng 2011-2015, ngành lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, thực trạng diện tích rừng và độ che phủ tăng lên nhưng đa dạng sinh học và chất lượng rừng tự nhiên suy giảm vẫn là điểm khó khăn của ngành.

Quan tâm nghiên cứu công tác giống cây trồng là một trong những giải pháp quan trọng thực hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng (Ảnh minh họa: BT)
Nghệ An là tỉnh có tổng diện tích tự nhiên 1.648.819ha, trong đó tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp 1.160.242ha, chiếm 71,6%. Đồng thời Nghệ An cũng là tỉnh có diện tích tự nhiên và có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước.

Sau 5 năm thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng theo Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 9/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Nghệ An đã đạt nhiều kết quả trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao độ che phủ rừng, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc miền núi, người làm nghề rừng. Trong đó, giá trị sản xuất ngành nông, lâm, ngư nghiệp giai đoạn 2011-2015 tăng 4,65%. Cơ cấu kinh tế nội ngành từng bước chuyển dịch tích cực, từng bước hình thành các vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Ngành lâm nghiệp có bước tăng trưởng mạnh về trồng, khoanh nuôi rừng và bảo vệ rừng, độ che phủ rừng đến năm 2015 ước đạt 57% vượt mục tiêu đề ra đầu kỳ kế hoạch là 55%.

Về kết quả cụ thể, bảo vệ rừng 4.452.493,2 lượt ha, bình quân mỗi năm thực hiện 890.498,6ha. Về phát triển rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 332.580 lượt ha, bình quân mỗi năm thực hiện 66.516ha. Trồng rừng tập trung đạt 78.097,3ha, bình quân mỗi năm thực hiện 15.619,5ha. Trồng rừng đặc dụng, phòng hộ 3.301,6ha, bình quân mỗi năm thực hiện 660,3ha. Bên cạnh đó, trồng rừng sản xuất đạt 72.540,7ha, bình quân mỗi năm thực hiện 14.508,1ha. Trồng rừng thay thế đạt 2.255ha, trong đó diện tích chuyển sang làm thủy điện 2.113,3ha, diện tích trồng rừng thay thế chuyển sang mục đích khác đã thực hiện 141,7ha. Độ che phủ rừng tăng từ 53,1% năm 2011 lên 57% năm 2015 theo kết quả sơ bộ kiểm kê rừng năm 2015.

Thêm vào đó, việc thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2015 không chỉ có ý nghĩa lớn về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu mà còn giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2015, có khoảng 47.500 hộ gia đình với 201.879 lao động thực hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng cho các chủ rừng và các dự án bảo vệ và phát triển. Trong đó 16.500 hộ nghèo (chiếm 35%) chủ yếu là lao động vùng núi cao.

Để thúc đẩy ngành chế biến lâm sản, tỉnh Nghệ An đã thu hút được một dự án lớn đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến gỗ và ván sợi công nghệ MDF với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD, giai đoạn 1 tổng mức đầu tư 100 triệu USD gồm 2 dây chuyền chế biến gỗ thanh công suất 12.000 m3/năm, dây chuyền chế biến ván sợi MDF công suất 130.000 m3/năm sẽ thu hút hàng ngàn lao động nghề rừng và hàng trăm công nhân lao động mỗi năm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn nhất định. Đặc biệt, diện tích rừng và độ che phủ tăng lên nhưng đa dạng sinh học và chất lượng rừng tự nhiên suy giảm. Chưa thu hút được đầu tư từ các doanh nghiệp cho trồng rừng, hiệu quả năng suất sản xuất kinh doanh trong trồng rừng chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng đất lâm nghiệp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Trồng cây bản địa, trồng cây gỗ lớn chưa có nhiều kinh nghiệm để tổng kết, nhân rộng. Chế biến lâm sản còn hạn chế, đặc biệt là chế biến đồ mộc, gỗ mỹ nghệ, xây dựng. Cơ sở hạ tầng lâm sinh chưa được chú trọng đầu tư nên chưa phát huy hết được thế mạnh về tiềm năng đất đai lâm nghiệp, đặc biệt là thúc đẩy trồng rừng sản xuất, chế biến lâm sản. Suất đầu tư, hỗ trợ đầu tư cho hoạt động sản xuất lâm nghiệp nhìn chung còn thấp, đặc biệt là trồng rừng phòng hộ và hỗ trợ đầu tư đường lâm nghiệp nội vùng.

Nhằm tiếp tục thực hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả, theo Sở NN&PTNT Nghệ An, cần sớm sửa đổi bổ sung điều chỉnh Quy chế quản lý đầu tư xây dựng công trình lâm sinh theo hướng vừa phù hợp với Luật Đầu tư công nhưng phù hợp với đặc thù hoạt động lâm sinh có chu kỳ đầu tư dài, rủi ro đầu tư cao. Các Vụ, Viện nghiên cứu cần nghiên cứu, nhân rộng chuyển giao công nghệ nhân giống mới có năng suất, chất lượng, đặc biệt là cây bản địa. Sớm ban hành quy trình kỹ thuật trồng rừng kinh doanh gỗ lớn, đồng thời có chính sách hỗ trợ trồng rừng kinh doanh gỗ lớn.

Thêm vào đó, các Bộ, ngành Trung ương cần tiếp tục tham mưu cho Chính phủ ban hành chính sách tăng cường đầu tư hạ tầng cho lâm nghiệp, đặc biệt là hệ thống đường vận chuyển lâm sản, thúc đẩy công tác trồng rừng thâm canh, góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.

Biến đổi khí hậu đã và đang làm cho đất đai bị bạc màu, đa dạng sinh học giảm mạnh, diện tích đất bị xâm nhập mặn, khô hạn, nhiễm phèn ngày càng tăng, bảo vệ và phát triển rừng ven biển sẽ góp phần tích cực vào công tác phòng chống tác động của biến đổi khí hậu. Vì vậy, rất cần có chính sách ưu tiên đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho công tác bảo vệ và phát triển rừng ven biển./.

BT

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực