Cá nuôi theo tiêu chuẩn VIETGAP. Ảnh: VTV
Sau khoảng 9 tháng nuôi, mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp địa phương hướng đến phát triển nghề nuôi trồng thủy hải sản theo hướng an toàn cũng như giảm thiểu dịch bệnh, từng bước đưa nghề nuôi trồng phát triển một cách bền vững.
Theo Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận, mô hình này được thực hiện tại thôn Phương Cựu 1, xã Phương Hải, huyện Ninh Hải với diện tích 2 ha với mật độ thả nuôi tôm sú 20 con/m2; hải sâm mật độ thả nuôi 1 con/m2; rong nho thả nuôi với mật độ 0,05kg/m2. Để thực hiện theo đúng tiêu chuẩn VietGAP, 3 hộ tham gia nuôi theo mô hình đã được Trung tâm tập huấn kỹ thuật nuôi, cách thiết lập hồ sơ, ghi chép sổ nhật ký nuôi. Đồng thời, cắm các biển báo, bảng hướng dẫn tại hệ thống ao nuôi đảm bảo theo quy phạm VietGAP. Nhờ đó, tỷ lệ sống của tôm nuôi trên 70%, hải sâm trên 70%.
Sau gần 9 tháng thả nuôi ghép đã cho thu hoạch khả quan. Sản lượng tôm thu hoạch đạt 7,28 tấn, năng suất đạt 3,64 tấn/ha, kích cỡ tôm thu hoạch trung bình 39 con/kg. Hải sâm cho sản lượng thu hoạch đạt 5,14 tấn, năng suất đạt 2,57 tấn/ha, kích cỡ hải sâm thu hoạch từ 3-4 con/kg. Rong nho cho sản lượng thu hoạch đạt gần 6,21 tấn, năng suất đạt hơn 3 tấn/ha, kích cỡ rong nho thu hoạch 3kg/bụi rong. Chi phí đầu tư nuôi cho 2 ha chỉ hơn 920 triệu đồng nhưng doanh thu đạt gần 1,55 tỷ đồng, lãi hơn 600 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Long ở thôn Phương Cựu 1, xã Phương Hải, huyện Ninh Hải cho biết, lúc mới triển khai, gia đình ông rất bỡ ngỡ vì đây là mô hình mới, nhất là ao nuôi ở vùng đất này trước đây bị ô nhiễm. Tuy nhiên, nhờ Trung tâm hướng dẫn, ông tham gia mô hình nuôi ghép 3 loại đối tượng này trên diện tích 7.000 m2. Đầu tư nuôi không nhiều nhưng rất hiệu quả và không sợ rủi ro và đặc biệt là rất an toàn bởi trong suốt vụ nuôi không xảy ra dịch bệnh. Nhờ sản phẩm sạch, các cơ sở thu mua trả giá cao hơn so với tôm, hải sâm và rong nho nuôi ngoài mô hình từ 3.000 đến 7.000 đồng/kg (cùng kích cỡ). Bán hết hàng sau thu hoạch, ông lãi khoảng 200 triệu đồng.
Các hộ nuôi nhận xét, cách nuôi truyền thống tỷ lệ thành công thấp; chi phí bỏ ra rất nhiều nhưng lợi nhuận thu được chỉ khoảng 50% trên diện tích thả nuôi. Đáng nói là tỷ lệ tôm chết lên đến 50%, có nhiều ao phải xả bỏ do dịch bệnh khiến nhiều người thua lỗ không còn khả năng tiếp tục sản xuất và phải "treo ao". Những ao nuôi nếu cho thu hoạch thì giá bán cũng rất thấp, do khi nuôi có sử dụng kháng sinh để phòng và trị bệnh nên chất lượng sản phẩm khi thu hoạch không đạt tiêu chuẩn tôm sạch, tôm thu hoạch sớm nên kích cỡ nhỏ, từ 60 đến 80 con/kg.
Ông Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh Ninh Thuận khẳng định, nuôi tôm sú kết hợp với hải sâm và rong nho theo tiêu chuẩn VietGAP và chuỗi giá trị không sử dụng kháng sinh mà chủ yếu dùng chế phẩm vi sinh để quản lý môi trường. Các loại hóa chất, vi khoáng sử dụng đều nằm trong danh mục được phép lưu hành theo quy định. Nước thải trong quá trình nuôi cũng được xử lý trước khi thải ra môi trường chung. Các đối tượng như hải sâm và rong nho sử dụng phân thải của tôm và hấp thu các muối dinh dưỡng trong ao nuôi giúp ổn định môi trường ao nuôi, hạn chế tảo phát triển và ao bị phì dưỡng, từ đó hạn chế rủi ro về môi trường và dịch bệnh trong ao nuôi tôm.
Lợi ích lớn nhất từ mô hình này là phát triển nuôi tôm kết hợp với các đối tượng khác sử dụng thức ăn vi sinh, thân thiện với môi trường nhờ giảm lượng thuốc, hóa chất trong quá trình nuôi, kiểm soát tốt thức ăn, không để dư thừa; tiết kiệm được lượng điện sử dụng. Ngoài ra, mô hình còn cho thu hoạch nhiều đối tượng trên cùng một đơn vị diện tích như ngoài tôm sú còn có hải sâm và rong nho, giúp người nuôi hạn chế rủi ro và nâng cao hiệu quả kinh tế của mô hình đồng thời tăng thu nhập đáng kể cho người dân.
Để nghề nuôi tôm ở Ninh Thuận phát triển theo hướng bền vững, tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng đến tạo sinh kế thì việc áp dụng nuôi đa đối tượng, nuôi ghép, nuôi xen canh các đối tượng trong ao nuôi và áp dụng quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam (VietGAP) vào trong quá trình sản xuất là yêu cầu cấp thiết.
Hiệu quả của mô hình nuôi ghép các đối tượng như trên sẽ giúp người nuôi mạnh dạn đầu tư nâng cấp hệ thống ao đìa, mở rộng diện tích, nuôi kết hợp các đối tượng theo quy trình VietGAP và liên kết với các cơ sở thu mua theo chuỗi giá trị để truy xuất nguồn gốc. Từ đó, góp phần đẩy mạnh phong trào nuôi theo quy trình an toàn, tạo ra sản phẩm sạch, vừa bảo vệ môi trường vùng nuôi, vừa phát triển nghề nuôi theo hướng an toàn bền vững./.