(ĐCSVN) – Theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Ninh Thuận, là một tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ, có lợi thế để phát triển các loại cây trồng đặc sản: nho, táo, ngô lai, hành - tỏi, lúa… Đặc biệt, từ năm 2005 trở lại đây, việc sản xuất lúa đã được bà con nông dân chú ý đầu tư thâm canh, các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được áp dụng và có kết quả khả quan, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Tuy nhiên, tình hình sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh cũng còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kinh tế chưa cao, đặc biệt là những vùng đất trồng lúa kém hiệu quả. Do lúa là loại cây trồng sử dụng lượng nước tưới nhiều hơn so với các cây trồng khác, tập quán sản xuất của bà con nông dân là luôn giữ nước trong ruộng lúa đã tiêu tốn lượng nước rất lớn. Ở các vùng đất gò cao, cuối kênh thường xảy ra hiện tượng thiếu nước để sản xuất, vì vậy 1 năm chỉ trồng lúa được từ 1 đến 2 vụ. Việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như trồng lúa theo “1 phải 5 giảm” trong sản xuất lúa vẫn còn bị hạn chế do chỉ áp dụng được ở vùng đồng bằng và có địa hình bằng phẳng, vụ Đông Xuân 2014 - 2015 chỉ gieo trồng được 2.221,6 ha/12.819 ha, chiếm tỷ lệ 15,94% tổng diện tích.
|
Ninh Thuận có lợi thế trồng nho (Ảnh: PV) |
Trong khi đó, Ninh Thuận lại là tỉnh có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, hiện nay hầu hết các hồ đập đều cạn kiệt nước đã làm ảnh hưởng đáng kể đến tình hình sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Trong vụ Đông Xuân 2014 - 2015 vừa qua, diện tích không sản xuất được do thiếu nước tưới là 6.100 ha (trong đó cây lúa là 3.214 ha). Nguồn nước phục vụ cho sản xuất hiện nay phụ thuộc rất lớn vào hệ thống xả nước từ Thuỷ điện Đa Nhim, Hàm Thuận, Đa Mi.
Sự cần thiết phải chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả
Trên cơ sở nhu cầu của thị trường đang cần, phát huy lợi thế và điều kiện tự nhiên của từng vùng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chỉ đạo các huyện, thành phố và các đơn vị trực thuộc như Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư, Chi cục bảo vệ thực vật (BVTV) vận động và hướng dẫn cho bà con nông dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ các vùng đất gò cao, thiếu nước, sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác có giá trị kinh tế hơn. Cụ thể, vụ Đông Xuân vừa qua, đã chuyển đổi 100 ha từ đất trồng lúa sang trồng cây đậu xanh 50 ha, cây dưa hấu 25 ha, nho 20 ha và trồng cỏ chăn nuôi là 5 ha, tập trung ở 2 huyện Thuận Nam và Ninh Phước. Kết quả bước đầu cho thấy các cây trồng được chuyển đổi cho hiệu quả cao hơn trồng lúa và có thị trường tiêu thụ ổn định.
Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn Ninh Thuận, vụ Hè Thu 2015 sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng của hiện tượng El-Nino. Dự báo mùa khô 2015, lượng mưa ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 40%, tình trạng khô hạn, thiếu nước sẽ xảy ra trên diện rộng và có khả năng kéo dài đến tháng 9/2015. Vì vậy, việc khuyến cáo bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất lúa thiếu nước tưới, kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn là rất cần thiết trong tình hình hạn hán như ở Ninh Thuận hiện nay.
Một số giải pháp kỹ thuật trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ Hè - Thu 2015
Theo kế hoạch của Sở NN&PTNT về chuyển đổi cây trồng vụ Hè - Thu 2015, bố trí một số cây trồng theo hướng giảm lượng nước tưới nhằm nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích canh tác. Trên cơ sở quy hoạch chi tiết sản xuất của từng địa phương và điều kiện sản xuất của từng vùng, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư đã đề xuất một số giải pháp kỹ thuật để giúp cho bà con nông dân áp dụng trong tình hình hạn hán kéo dài như hiện nay. Tùy theo điều kiện canh tác nông nghiệp từng vùng và điều kiện của từng hộ gia đình mà chủ động luân canh gối vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho hợp lý nhằm tiết kiệm đối đa lượng nước tưới, cắt đứt nguồn thức ăn của một số sâu bệnh gây hại lúa, cải tạo một phần dinh dưỡng cho đất và góp phần tăng thu nhập. Đây là việc làm để thích ứng với biến đổi khí hậu và cũng là hướng đi lâu dài để khai thác những vùng cuối kênh, gò cao vừa giải quyết lương thực tại chỗ, giúp người dân biết áp dụng luân canh, xen canh để mang lại hiệu quả trên đơn vị diện tích đất.
Từ kinh nghiệm thực tiễn triển khai của địa phương, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh kiến nghị, trong quá trình chuyển đổi, nên ưu tiên lựa chọn những giống có khả năng chịu hạn tốt, có năng suất ổn định để nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời khuyến cáo bà con nông dân áp dụng các hệ thống tưới nước tiết kiệm cho cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
Theo đó, có thể chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả như nho, táo. Đây là các loại cây trồng phù hợp với vùng đồng bằng, vì vậy, cần xác định nhu cầu lượng nước của từng đối tượng cây trồng và có các phương pháp tưới hợp lý để tránh lãng phí nước. Nếu có điều kiện thì áp dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt, tưới phun tầm thấp để cung cấp nước cho cây trồng một cách hiệu quả và tiết kiệm. Tuy nhiên đây là những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, cần có sự đầu tư thâm canh và người nông dân phải có kinh nghiệm trong sản xuất, nắm vững quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh thì mới mang lại hiệu quả cao.
Chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các loại cây trồng khác (cây đậu xanh, đậu phụng, bắp lai, dưa hấu, măng tây, rau các loại và cỏ chăn nuôi). Đây là những loại cây trồng ngắn ngày, khả năng tiêu thụ nước ít hơn so với cây lúa và có hiệu quả kinh tế. Riêng cây đậu xanh, đậu phụng còn có tác dụng cải tạo đất trồng nhờ có hệ vi sinh vật cố định đạm trong vùng rễ cây. Ngoài ra, có thể tận dụng các phụ phế phẩm như thân, cành lá để làm thức ăn cho gia súc rất tốt trong điều kiện hạn hán thiếu đồng cỏ chăn nuôi như hiện nay, hoặc dùng ủ phân hữu cơ vi sinh để bón cho vụ sau. Đối với các loại cây trồng như măng tây, rau, đậu các loại thì cần áp dụng hệ thống tưới phun mưa để tiết kiệm lượng nước tưới và công lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.
Bên cạnh đó, Trung tâm cho biết, đơn vị này sẽ tiếp tục triển khai, áp dụng các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện hạn hán như: mô hình tưới tiết kiệm, mô hình xen canh, luân canh. Tổ chức cho bà con nông dân đi tham quan học tập kinh nghiệm về các mô hình sản xuất có hiệu quả. Hướng dẫn nông dân tập trung thu hoạch nhanh gọn các loại cây trồng vụ Đông Xuân và khuyến cáo bà con có chăn nuôi thì nên dành một số diện tích đất để trồng cỏ.
Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền thông qua các lớp tập huấn, hội thảo, tập san Khuyến nông -Khuyến ngư, về sự cần thiết của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn cho bà con nông dân khi có nhu cầu. Đối với các vùng trồng lúa có năng suất cao, bằng phẳng, chủ động được lượng nước tưới thì áp dụng kỹ thuật trồng lúa theo 1 phải 5 giảm, tưới tiết kiệm nước theo phương pháp nông - lộ - phơi nhằm tận dụng nguồn nước cho sinh hoạt, chăn nuôi và các cây trồng khác trong vụ Hè Thu.
Bón phân cân đối và hợp lý nhằm tăng sức chống chịu của cây. Đặc biệt, tăng cường bón phân Kali để góp phần giúp cho cây trồng chống chịu với điều kiện khô hạn. Sử dụng các loại phân bón lá giàu nguyên tố trung và vi lượng để tăng khả năng sinh trưởng phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho cây quang hợp.
Kết hợp các biện pháp như xới xáo, vun gốc nhằm phá vỡ lớp đất mặt bị đóng váng, giúp cho đất tơi xốp, tạo điều kiện giữ và thấm nước tốt, thuận lợi cho các hoạt động của vi sinh vật có lợi trong đất. Sử dụng các nguyên liệu như rơm rạ, lá mía, cỏ khô, cây phân xanh, thân cây đậu đỗ,... để che tủ cho cây; tùy từng loại cây và mật độ trồng mà bà con có thể che tủ gốc hoặc che tủ toàn bộ bề mặt.
Khuyến cáo bà con sử dụng chất giữ ẩm và áp dụng màng phủ nilon trên cây trồng cạn. Đây là biện pháp nhằm giảm sự thất thoát nước qua bốc hơi và tăng cường độ giữ nước của đất. Sử dụng màng phủ nông nghiệp ngoài tác dụng chính là tiết kiệm nước còn mang lại các lợi ích khác như hạn chế thất thoát phân bón và sự phát triển của cỏ dại. Tuy nhiên trong điều kiện thời tiết nắng nóng thì nên rải một lớp rơm mỏng trên màng phủ để giảm sự bức xạ trực tiếp lên mặt đât gây nên hiệu ứng khí nhà kính.
Xuống giống đồng loạt, kịp thời vụ theo khuyến cáo của Ngành nông nghiệp nhằm hạn chế các loại dịch hại xảy ra. Đồng thời áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất, thu hoạch làm giảm công lao động và thất thoát sau thu hoạch nhằm tăng hiệu quả kinh tế.