TS Phan Huy Thông, Giám đốc TTKNQG (Ảnh: HNV)
Trả lời phỏng vấn của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm này, TS Phan Huy Thông đã nhấn mạnh tới việc phải tạo động lực cho người sản xuất chè an toàn trong bối cảnh hiện nay.
Phóng viên (PV): Theo ông, trước những khó khăn, thách thức của sản xuất chè an toàn hiện nay, cần phải làm gì để nhân rộng và phát triển mô hình này một cách bền vững?
TS Phan Huy Thông: Sản xuất chè an toàn đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy hoạch, đồng thời triển khai nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực, đây là thuận lợi cơ bản. Tuy nhiên, việc sản xuất chè an toàn vẫn gặp phải nhiều thách thức, khó khăn.
Nếu sản xuất để lấy số lượng cạnh tranh nhau, không quan tâm chất lượng và môi trường thì nguy cơ chè Việt mất thị trường trong nước là nhãn tiền. Thực tiễn đã có những cảnh báo và nhiều bài học kinh nghiệm chứng minh cho điều đó. Do đó, hơn lúc nào hết, nhất là khi chúng ta đang ngày càng hội nhập sâu rộng thì việc tăng cường sản xuất an toàn, nâng cao giá trị càng đóng vai trò quan trọng và cần thiết.
Theo tôi, để làm tốt việc sản xuất chè, một trong những giải pháp thiết thực là tiếp tục tuyên truyền, giảm thiểu phiền hà, rắc rối trong các quy trình, thủ tục chứng nhận để mọi việc trở nên dễ dàng hơn, sẽ có tác dụng thu hút, lôi kéo nhiều người hơn đến với các mô hình an toàn, hiệu quả cao. Và quan trọng hơn nữa là làm thế nào để giúp người tiêu dùng phân biệt được các sản phẩm an toàn với không an toàn, đồng thời có chính sách bảo vệ những người làm ăn chân chính.
Tất nhiên, việc làm này không thể chỉ trông chờ riêng ở các cơ quan nhà nước, lực lượng thanh, kiểm tra mà trước hết cần sự chung sức từ chính người tiêu dùng với việc tẩy chay, không sử dụng những sản phẩm không an toàn. Cũng cần chú ý tới liên kết chuỗi sản xuất – một giải pháp căn cơ lâu dài góp phần thúc đẩy sản xuất lớn, cạnh tranh cao. Theo đó, thu hút, lôi kéo người sản xuất nhất là người sản xuất nhỏ tham gia vào chuỗi, các doanh nghiệp phát huy vai trò tiên phong. Quản lý của cơ quan Nhà nước cũng cần phải điều chỉnh, rà soát, bổ sung chính sách để có những điều hành đáp ứng với thực tiễn sản xuất, giúp bà con nông dân thuận lợi trong sản xuất sản phẩm an toàn. Tăng cường vai trò quản lý của cơ quan chức năng, quy hoạch vùng an toàn với các đầu tư, hỗ trợ trọng điểm tạo sức bật để từ đó lôi kéo, nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn.
Cuối cùng, kiểm soát tốt các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp “đầu vào” cho các sản phẩm chè như: phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Đảm bảo người sản xuất nắm bắt rõ loại nào cần dùng, dùng như thế nào, loại nào không được dùng cùng các kỹ thuật liên quan tới giống, nước, phân bón, thuốc… giúp cây chè sinh trưởng cho năng suất tốt, chất lượng cao.
Mô hình sản xuất chè an toàn tiêu chuẩn UTZ tại xóm Hồng Thái, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên (Ảnh: TTKNQG)
PV: Vậy ông có thể chia sẻ gì về hoạt động của các diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp, nhất là diễn đàn liên quan tới phát triển chè an toàn, nâng cao giá trị trong bối cảnh hiện nay?
TS Phan Huy Thông: Mục đích của các diễn đàn là tạo một nơi để bà con nông dân – những người làm chè giao lưu trực tiếp nhà quản lý cả Trung ương và địa phương, nhà khoa học, cũng như các doanh nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp thực tiễn tổ chức sản xuất làm thế nào để thực hiện được mục tiêu sản xuất chè an toàn và nâng cao giá trị gia tăng, cải thiện chất lượng chè, độ tin tưởng của người dùng chè với sản phẩm chè Việt Nam cũng như nâng cao thu nhập cho người trồng chè.
Tại Diễn đàn liên quan trực tiếp tới nội dung trên, hệ thống khuyến nông các cấp phối hợp với các cơ quan liên quan cùng nhau cung cấp cho nông dân những kiến thức sản xuất chè an toàn, năng suất, đảm bảo thu nhập, không lệ thuộc hóa chất khác. Có những giải pháp tổ chức liên kết giữa các hộ với nhau, hộ nông dân – doanh nghiệp nhằm có vùng nguyên liệu ổn định, an toàn đưa vào chế biến cũng như đề xuất những việc cần tiếp tục sau khâu chế biến là xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm để tất cả mọi người trong chuỗi đều có thu nhập cao, giá trị nâng lên chứ không chỉ sản xuất thô, xuất khẩu nguyên liệu như hiện nay.
Điểm mấu chốt trong sản xuất chè an toàn hiện nay là rất nhiều người quan tâm là thuốc BVTV, cách sử dụng và thời gian cách ly thường không được đảm bảo, trong sản xuất an toàn nông sản chung và chè nói riêng, sử dụng thuốc BVTV và một số phân bón, hóa chất, thuốc kích thích tăng trưởng không ant oàn nên trọng tâm diễn đàn cung cấp cho bà con nông dân cách thức sử dụng an toàn, hiệu quả, vẫn sử dụng mà vẫn tăng năng suất, áp dụng các biện pháp sinh học hữu cơ thay thế, đặc biệt khi nào mới sử dụng hóa học, sử dụng thế nào cho đúng thuốc, thời điểm, liều lượng, đúng cách đồng thời có giải pháp thay thế cho thuốc BVTV. Nhân dịp này, cũng cảnh báo khi các nhà nhập khẩu đưa ra những cảnh báo, trong đó chủ yếu về dư lượng thuốc BVTV, nếu không tuân thủ, sản phẩm đó không được tiêu thụ nghĩa là bà con bị khó khăn trong sản xuất và thu nhập. Đồng thời, qua đó, cung cấp những cơ sở kiểm nghiệm dư lượng an toàn, những loại thuốc hiệu quả, an toàn…Từ đấy, bà con có lựa chọn sử dụng và tuân thủ đảm bảo chất lượng.
PV: Được biết, mới đây, Cục Trồng trọt đã công bố số liệu các cơ sở áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (VietGap) từ hơn 9.000 cơ sở (năm 2014) giảm xuống còn hơn 4.000 (năm 2016). Ông nhìn nhận thực trạng này như thế nào? Theo ông, bà con gặp phải khó khăn gì dẫn đến việc bị giảm mạnh như vậy?
TS Phan Huy Thông: Khi tiếp cận các mô hình và hộ nông dân trồng chè, chúng tôi được bà con kiến nghị rằng, hiện nay, thủ tục đề nghị công nhận VietGap từ khi đăng ký đến khi nhận chứng nhận khá tốn kém. Rõ ràng, quy trình chưa được cải thiện, giá trị của chứng nhận VietGap chỉ có 1 năm trong khi đó thời gian thẩm định mất 6 tháng, chỉ còn lại 6 tháng và gần như giá trị rất thấp và tốn kém, khiến cho người dân chưa mặn mà.
Nhưng quan trọng hơn cả là chứng nhận VietGap rồi thì thị trường trà VietGap và chưa VietGap chưa có sự phân biệt rõ ràng. Điều này dẫn đến việc người tiêu dùng chưa tin tưởng sản phẩm đó và người sản xuất VietGap không có động lực. Theo tôi, đây mới là mấu chốt của vấn đề.
Có rất nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân các cơ sở chế biến tự do trong các vùng quá nhiều. Hơn nữa, họ lại không tuân thủ những quy định Nhà nước về vùng nguyên liệu, thành ra dẫn tới hiện tượng tranh mua, tranh bán nguyên liệu. Thực tế, người sản xuất không an toàn vẫn bán được nên lẫn lộn về thị trường tiêu thụ, chế biến sản phẩm. Vì thế, giải pháp đầu tiên tôi cho rằng vẫn phải thắt chặt lại hệ thống chế biến. Những cơ sở nào thực sự không có vùng nguyên liệu dứt khoát không cho chế biến, phải xác định được vùng nguyên liệu và từ vùng nguyên liệu truy xuất được lấy từ nguồn nào, chỉ được trong vùng đó, nếu vùng khác dứt khoát không được chứng nhận.
Thứ hai, cũng phải kiểm soát cả những chứng nhận sản xuất về tuân thủ quy định sản xuất an toàn của nhà nước, trong đó có những quy định về tỷ lệ thuốc, cơ sở kinh doanh thuốc trong danh mục, phát hiện sử dụng ngoài danh mục dứt khoát phải xử phạt nghiêm minh, thậm chí có thể đình chỉ hoạt động.
Thứ ba, nâng cao nhận thức cho người dân, đưa ra những loại thuốc nào cần sử dụng cho cây chè để bà con dễ dàng mua, không bị hệ thống đại lý, người bán thuốc tuyên truyền dùng những loại không cần thiết và không an toàn
Thứ tư, tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức về kỹ thuật, đặc biệt kỹ thuật sử dụng thuốc đúng, thuốc đủ trong sản xuất chè.
PV: Chứng nhận VietGap là một trong những tiêu chí để người tiêu dùng nhận biết đó là sản phẩm an toàn, vậy với góc độ là một trong những nhà quản lý, theo ông, cần làm thế nào để nâng cao số lượng hộ dân trồng chè theo tiêu chuẩn này khi thực tế số lượng lại đang giảm?
TS Phan Huy Thông: Thứ nhất, phải nhanh chóng đơn giản hóa quy trình thủ tục về VietGap cũng như bộ tiêu chí phù hợp thực tế Việt Nam, giảm thiểu các tiêu chí rườm rà, không cần thiết để bà con dễ thực hiện.
Thứ hai, trong VietGap, cần nhắc nhở cảnh báo để người dân phấn đấu dần dần, song song với đó là rút ngắn thời gian xác nhận nhưng lại tăng thời gian chứng nhận để người dân yên tâm sản xuất.
Thứ ba, cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích bà con áp dụng và quan trọng nữa là khi sản phẩm chứng nhận ra, thì những cơ sở chế biến phải có giá thu mua cao hơn và người tiêu dùng cũng nên chọn lựa những cơ sở có nguồn gốc, sản phẩm rõ ràng, khuyến khích người ta sản xuất VietGap, tạo động lực cho người sản xuất. Nếu chúng ta không có khuyến khích việc tạo đầu ra để sản xuất VietGap, người ta không có động lực kinh tế, người ta sẽ không mặn mà với VietGap
Cuối cùng, hệ thống chứng nhận về cách tổ chức chứng nhận cũng phải tăng cường cách tuyên truyền, tạo cơ hội cho người dân có thể đơn giản hóa thủ tục để tiếp cận và được chứng nhận một cách thuận lợi hơn. Mình khuyến khích, tạo điều kiện cho người sản xuất chứ không phải cứ ra điều kiện để người tham gia thấy khó mà nản chí, không muốn làm.
Đó là những vấn đề cần chú ý để mở rộng VietGap. VietGap là gì, thực chất nó là thực hành nông nghiệp tốt. Và nếu như hành vi tốt thì sẽ là tiền đề đảm bảo cho sản xuất an toàn.
PV: Ông có khuyến nghị nào với người trồng chè khi ra sân chơi lớn trong xu thế hội nhập như hiện nay?
TS Phan Huy Thông: Tôi đề nghị bà con trồng chè cũng nên coi khách hàng như là chính mình, nên sản xuất với đạo đức của người làm chè, đảm bảo an toàn cho cả cộng đồng và như thế cũng là đảm bảo an toàn cho mình. Vì nếu như sản phẩm không an toàn, người tiêu dùng quay lưng lại với sản phẩm chè thì người làm chè cũng không bán được cho ai.
Ai cũng cần sự an toàn chứ không phải cứ thấy bán được dù sản xuất không an toàn vẫn cứ làm, người tiêu dùng thông minh đến lúc nào đấy cũng sẽ tẩy chay với sản phẩm không an toàn.
Về cơ bản, với người sản xuất, tôi chỉ có thể khuyến cáo như vậy. Còn đối với nhà quản lý, chúng tôi đề nghị nên tìm cách để người sản xuất an toàn có động lực kinh tế và thực sự thấy làm an toàn có lợi nhuận cao hơn, khiến họ mặn mà với sản phẩm an toàn hơn.
PV: Thưa ông, hệ thống khuyến nông có những hỗ trợ thế nào về giải pháp để giúp sản xuất chè an toàn?
Khu sản xuất và chế biến chè tại Cơ sở chè Tiến Yên, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên (Ảnh: TTKNQG)
TS Phan Huy Thông: Chúng tôi sẽ mở rộng nhiều lĩnh vực thông tin tuyên truyền mà hoạt động tổ chức diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp cũng là một kênh tuyên truyền. Ngoài ra, còn các kênh khác gồm: phương tiện thông tin đại chúng, các chuyên mục trên đài báo và tổ chức biên soạn, phát hành, công bố các tài liệu thông tin, nhất là về kỹ thuật, trong đó tập trung chủ yếu vào việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, các biện pháp canh tác tổng hợp đảm bảo hiệu suất cây trồng, sử dụng thuốc, hóa chất trong sản xuất như thế nào cho đúng… Bên cạnh đó, tổ chức liên tục các chiến dịch tập huấn cho cả cán bộ khuyến nông và bà con nông dân ở những vùng trồng chè với những kiến thức trồng chè đặc biệt kỹ thuật sản xuất an toàn, từ đó, nhân rộng nhiều mô hình liên kết sản xuất xây dựng thương hiệu như mô hình của chè Tân Cương (Thái Nguyên) đồng thời tổ chức cho nông dân tham quan và trao đổi kinh nghiệm nhiều hơn.
PV: Hội nhập có nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức, nhất là tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) với chuyển dịch lao động và sản phẩm, khuyến nông với tư cách là đơn vị chủ yếu giúp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, ông có khuyến cáo thế nào?
TS Phan Huy Thông: Sản xuất nông nghiệp lợi nhuận thấp, rủi ro cao, đặc biệt sẽ chịu sự cạnh tranh khốc liệt khi hội nhập sâu. Muốn cạnh tranh phải nâng cao năng suất lao động, giá thành hạ xuống, chất lượng trong đó yêu tố an toàn được đưa lên hàng đầu. Hơn nữa, các nước trong khu vực và thế giới – những nước nhập khẩu có hàng rào kỹ thuật với nhiều tiêu chí cao, tiêu chuẩn khắt khe nên nếu không khéo, chúng ta có thể sẽ bị thua ngày trên sân nhà.
Vì vậy, với nông sản nói chung và sản phẩm chè nói riêng, cần chú trọng kỹ thuật: tưới, bón phân an toàn, tăng cường sản xuất an toàn theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (VietGap), giảm giá thành.
Ngoài ra, cùng cần chú trọng chế biến ra các sản phẩm tốt, nhất là các giải pháp sau chế biến, các giải pháp thương mại để hướng tới việc giảm dần, thậm chí không bán các sản phẩm thô, chỉ bán các sản phẩm tinh. Làm như vậy, chúng ta mới có giá trị cao, khả năng cạnh tranh cao.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!