Phấn đấu 90% số HTX nông nghiệp tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX 2012 trong giai đoạn 2015-2020

Thứ tư, 26/08/2015 15:41

(ĐCSVN) - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trong giai đoạn 2011-2015, tình hình phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, hoạt động của nhiều Hợp tác xã (HTX), Tổ hợp tác (THT) đạt hiệu quả chưa cao.

Hiện nay, số lượng các HTX, THT hoạt động hiệu quả vẫn còn khá hạn chế (Ảnh: BT)

Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2015, về THT lĩnh vực dịch vụ và sản xuất nông nghiệp, hiện có 47.006 tổ dịch vụ và sản xuất nông nghiệp, chiếm 75%. Hoạt động của các THT chủ yếu là giúp đỡ nhau trong sản xuất như hỗ trợ về giống, kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ công lao động lẫn nhau, hợp tác trong tiêu thụ sản phẩm, làm đất. Thông qua đó giúp cho các thành viên tăng năng lực sản xuất, sử dụng hiệu quả hơn về lao động, đất đai, vật tư, tiến bộ kỹ thuật.

Trên lĩnh vực thủy lợi, cả nước hiện có 8.341 THT dùng nước làm dịch vụ tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các THT dùng nước chủ yếu phát triển ở các tỉnh miền núi phía Bắc 40%, và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 39%. Trên lĩnh vực thủy sản, cả nước hiện có 3.381 tổ, đội sản xuất trên các vùng biển xa bờ với trên 20.776 tàu thuyền tham gia, quy mô 3-10 tàu/tổ. Các địa phương được hình thành được nhiều tổ đội như Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định, Bến Tre, Đà Nẵng.

Trên lĩnh vực lâm nghiệp, hiện có 1.048 THT, hoạt động hợp tác chủ yếu trong trồng và bảo vệ rừng; thuê máy móc, thiết bị trong việc khai thác, vận chuyển lâm sản. Ngoài ra, qua Dự án hỗ trợ giao đất lâm nghiệp cho cộng đồng dưới sự phối hợp của chính quyền địa phương đã hỗ trợ hình thành các tổ lâm nghiệp cộng đồng. Hầu hết các hoạt động của THT này là quản lý bảo vệ rừng và trồng mới rừng. Về HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp, trên cả nước hiện có 7.753 HTX, chiếm 74,2% tổng số các loại hình HTX. Hầu hết các HTX trong nông nghiệp là hoạt động dịch vụ. Trong đó, 97% số HTX làm dịch vụ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; dịch vụ thủy lợi 80%, dịch vụ giống cây trồng 53%.

Hầu hết các HTX nông nghiệp, lâm nghiệp tổng hợp có các hoạt động chủ yếu là sản xuất, cung ứng giống cây trồng lâm nghiệp, thu mua và chế biến lâm sản. Số lượng HTX lâm nghiệp thành lập trong những năm qua ít, hoạt động kém hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Về HTX trên lĩnh vực thủy sản, theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, năm 2014 có 526 HTX, trong đó tập trung chủ yếu tại ĐBSCL với 220 HTX, vùng Đông Bắc 108 HTX và Bắc Trung bộ 68 HTX.

Nhìn chung về hoạt động của kinh tế tập thể, các THT quy mô còn nhỏ, bình quân từ 10-30 thành viên 1 tổ. Nội dung hợp tác giữa các thành viên chủ yếu là chuyển giao kỹ thuật, áp dụng giống mới, chuyển giao kỹ thuật, dịch vụ thủy lợi. Ít tổ hợp tác hoạt động kinh doanh; liên kết sản xuất giữa các THT với các doanh nghiệp rất hạn chế. Thành viên ban điều hành THT hầu hết chưa qua đào tạo bồi dưỡng kiến thức nên việc quản lý tổ chức hoạt động hiệu quả không cao.

Phần lớn các HTX thời gian qua hoạt động khó khăn, số lượng HTX hoạt động hiệu quả tốt ước tính chỉ đạt khoảng 10%. Giá trị sản xuất kinh doanh có quy mô nhỏ bé, bình quân đạt trên dưới 1 tỷ đồng/HTX. Số lượng HTX chuyên ngành, đặc biệt là các HTX chuyên ngành ứng dụng sản xuất công nghệ cao, hoạt động có hiệu quả rất ít. Cơ sở vật chất phục vụ cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ của HTX còn nghèo nàn. Trình độ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế.

Nguyên nhân của những hạn chế trên do nhận thức về vai trò của kinh tế hợp tác của các cấp, các ngành nhìn chung chuyển biến còn chậm, đặc biệt là các địa phương nên kết quả về phát triển kinh tế hợp tác mới chỉ chuyển biến rõ nét ở một số lĩnh vực nhất định. Các quy định pháp lý chưa phù hợp với đặc thù riêng về tổ chức bộ máy, sản xuất kinh doanh dịch vụ của các HTX nông nghiệp.

Đồng thời, các cơ chế chính sách chưa được ban hành đồng bộ nên quá trình tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn. Hệ thống các cơ quan quản lý Nhà nước về kinh tế hợp tác còn nhiều hạn chế về tổ chức và kinh nghiệm hoạt động. Cán bộ chuyên trách quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác ít được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành. Trình độ và năng lực quản lý của cán bộ tổ hợp tác, HTX còn rất hạn chế, quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu động lực để tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong HTX và THT nhằm liên kết sản xuất mở rộng quy mô, phát triển bền vững.

Theo Bộ NN&PTNT, mục tiêu giai đoạn 2015-2020 sẽ phấn đấu 90% số HTX nông nghiệp thực hiện tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX 2012. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX hiện nay đạt tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia NTM từ 10% lên 20% vào năm 2015 và đạt trên 50% vào năm 2020. Bên cạnh đó khuyến khích thành lập và phát triển các liên hiệp HTX nông nghiệp; thúc đẩy thành lập mới 2.000 HTX theo hướng ưu tiên các HTX sản xuất theo lĩnh vực chuyên ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.

Mặt khác, nâng số lượng THT tăng lên khoảng trên 100.000 (tăng 1,5 lần so với hiện nay) nhằm tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các THT ở những địa bàn HTX chưa phát triển để thực hiện lại sản xuất và làm cơ sở phát triển các HTX khi có điều kiện trong giai đoạn tới đây.

Nhằm đạt được các mục tiêu trên, các giải pháp phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn tới gồm: tổ chức tuyên truyền, học tập quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế hợp tác. Tổ chức các Hội nghị triển khai các văn bản hướng dẫn thực hiện của các Bộ, ngành Trung ương về phát triển HTX nông nghiệp; sơ kết, tổng kết thực hiện kế hoạch đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp của Bộ NN&PTNT cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của ngành nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương.

Đồng thời, tổ chức Hội nghị biểu dương các HTX, THT tiêu biểu trong cả nước. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng Trung ương và địa phương thường xuyên tuyên truyền và nâng cao nhận thức, phát động phong trào ở nông thôn. Xây dựng các tài liệu tuyên truyền: sổ tay, tờ rơi, sách giới thiệu các mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới để tuyên truyền phổ biến rộng rãi tới nông dân.

Thêm vào đó, hoàn thiện các thể chế, cơ chế chính sách để tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế HTX phát triển. Trong đó, ban hành Nghị định về HTX nông nghiệp; Quyết định về chính sách liên kết trong lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, hải sản, muối. Thông tư hướng dẫn điều kiện và tiêu chí thụ hưởng về hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng đối với HTX nông, lâm, ngư, diêm nghiệp theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015-2020.

Mặt khác, xây dựng các mô hình liên kết bền vững trên cơ sở nguyên tắc tự nguyện và đảm bảo hài hòa lợi ích chính đáng của các thành viên tham gia trong mô hình liên kết theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013. Chú trọng vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia vào mô hình liên kết đa dạng, đảm bảo chuỗi giá trị hàng hóa từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, xây dựng mô hình thí điểm các dạng mô hình HTX nông nghiệp gắn với một số ngành hàng chủ lực: chè, cà phê, thủy sản, trái cây,… nhằm mục tiêu tổ chức lại sản xuất tại các vùng sản xuất hàng hóa lớn phục vụ Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; trên cơ sở đó tuyên truyền phổ biến và nhân rộng nhiều loại hình HTX kiểu mới trên toàn quốc./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực