Đây cũng là vùng cung cấp chủ yếu lượng gạo xuất khẩu của nước ta (hàng năm vùng ĐBSCL cung cấp khoảng 90% lượng gạo xuất khẩu) do vậy sản xuất lúa gạo vùng ĐBSCL có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực trong nước đồng thời cung cấp lương gạo xuất khẩu.
Xuất khẩu gạo không những đóng góp tăng trưởng kinh tế của nước ta mà còn góp phần phát triển hợp tác quốc tế và nâng cao vị thế chính trị của Việt Nam trên toàn thế giới. Sản xuất lúa gạo vùng ĐBSCL đã đảm bảo việc làm, thu nhập cho gần chục triệu lao động nông thôn ở vùng ĐBSCL, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh chính trị xã hội trong vùng.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, năm 2015 tổng diện tích gieo cấy toàn vùng đạt 4,3 triệu ha tăng khoảng 470 nghìn ha so với năm 2005. Năng suất lúa trung bình của toàn vùng liên tục tăng do áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới về giống, giải pháp kỹ thuật về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống tưới tiêu được cải thiện (năm 2015 năng suất lúa trung bình đạt 59,7 tạ/ha, tăng 9,3 tạ/ha so với năm 2005). Sản lượng lúa năm 2015 của toàn vùng ước đạt 25,7 triệu tấn tăng khoảng 6,4 triệu tấn so với năm 2005 đã góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong nước và tăng lượng gạo xuất khẩu. Thu nhập của người trồng lúa ngày càng được cải thiện.
Tuy đạt được những thành tựu to lớn nhưng ngành lúa gạo vùng ĐBSCL còn nhiều hạn chế cần phải giải quyết. Về chủ quan, quy mô sản xuất lúa nhỏ, chuỗi giá trị qua nhiều trung gian, thiếu liên kết, chi phí sản xuất còn cao (đặc biệt lượng giống gieo sạ còn quá cao trung bình lượng hạt giống gieo sạ khoảng 150 kg/ha, một số địa phương vẫn còn sử dụng đến 200 kg hạt giống lúa/ha) (trong khi đó lượng giống gieo sạ trung bình tại các tỉnh phí Bắc khoảng 40kg/ha, một số địa phương chỉ sử dụng khoảng 30 kg hạt giống/ha), tỷ lệ thất thoát cao, chế biến chưa tối ưu, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân trồng lúa, chất lượng gạo và khả năng cạnh tranh của ngành lúa gạo Việt Nam.
Gieo sạ bằng máy sạ hàng tại Tiền Giang (Ảnh: PV)
Do lượng giống gieo sạ trung bình của toàn vùng còn rất cao, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sử dụng giống lúa có phẩm cấp (xác nhận) trong vùng ĐBSCL thấp hơn so với tỷ lệ trung bình của cả nước
Về khách quan, bao gồm vấn đề cạnh tranh nguồn lực với các ngành sản xuất nông nghiệp – phi nông nghiệp khác, thị trường lúa gạo quốc tế cạnh tranh với sự tham gia của nhiều nhà xuất khẩu, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Chất lượng hạt giống lúa, cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác sẽ tác động đến chất lượng lúa gạo. Thói quen canh tác dựa vào kinh nghiệm, sử dụng quá nhiều lượng giống dẫn đến sử dụng quá nhiều phân bón, thuốc sâu đang hạn chế chất lượng gạo trong tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Tiến bộ kỹ thuật 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm đã chỉ rõ giảm lượng giống gieo sạ không những vẫn đảm bảo tăng năng suất lúa mà còn tiết kiệm được các chi phí đầu tư và đã được nhiều nông dân hưởng ứng thực hiện có hiệu quả.
Nếu toàn vùng đến năm 2020 giảm lượng giống gieo sạ trung bình còn 80kg/ha (theo định hướng tái cơ cấu ngành lúa gạo) sẽ tiết kiệm được khoảng 300 nghìn tấn hạt giống lúa (tương đương với 4.500 tỷ đồng), đây cũng là khâu đặc biệt quan trọng trong việc giảm chi phí đầu vào trong sản xuất lúa gạo, đồng thời làm cơ sở cho việc giảm các phí khác như thuốc BVTV, phân bón góp phần tăng hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập của người trồng lúa.
Trước tình hình đó, nhằm đẩy nhanh việc giảm lượng hạt giống gieo sạ/ha trong canh tác lúa, Bộ NN&PTNT đã chính thức phát động chương trình giảm lượng hạt giống lúa gieo sạ/ha, triển khai từ tháng 1/2016 đến hết 31/12/2020.
Theo đó, chương trình hướng tới mục tiêu: Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, người sản xuất lúa về giảm khối lượng hạt giống gieo sạ/ha trong canh tác lúa ở ĐBSCL; Tăng cường thực hiện các giải pháp kỹ thuật giảm khối lượng giống gieo sạ xuống còn 80kg /ha vào năm 2020, đồng thời quản lý và sử dụng giống lúa chất lượng cao cấp xác nhận tăng từ khoảng 40 % lên trên 75 % diện tích gieo trồng mỗi vụ; Góp phần tái cơ cấu về giống lúa trong sản xuất lúa hàng hóa xuất khẩu ở ĐBSCL.
Cụ thể, phấn đấu trong 2016, sẽ có 13 tỉnh, thành phố hoàn thành triển khai chương trình giảm khối lượng hạt giống gieo sạ/ha trong canh tác lúa; 13 tỉnh, thành phố có lượng hạt giống gieo sạ từ 80-100 kg/ha đạt trên 30% diện tích canh tác. Trong đó: có 7 tỉnh, thành phố có khối lượng hạt giống gieo sạ từ 80-100 kg/ha đạt trên 50% diện tích canh tác. Đến năm 2017, có 13 tỉnh, thành phố có lượng hạt giống gieo sạ từ 80-100 kg/ha đạt trên 50% diện tích canh tác. Trong đó: 7 tỉnh, thành phố có khối lượng hạt giống gieo sạ từ 80-100 kg/ha đạt trên 70% diện tích canh tác. Đến năm 2018, có 13 tỉnh, thành phố có lượng hạt giống gieo sạ từ 80-90 kg/ha đạt trên 70% diện tích canh tác. Trong đó: 8 tỉnh, thành phố có khối lượng hạt giống gieo sạ từ 80-90 kg/ha đạt trên 90% diện tích canh tác. Đến năm 2019, có 13 tỉnh, thành phố có lượng hạt giống gieo sạ từ 80-90 kg/ha đạt trên 85% diện tích canh tác. Trong đó: 8 tỉnh, thành phố có khối lượng hạt giống gieo sạ từ 80-90 kg/ha đạt trên 90% diện tích canh tác. Đến 2020, có 13 tỉnh, thành phố có lượng hạt giống gieo sạ trung bình 80kg/ha.
Từ các mục tiêu cụ thể, Bộ NN&PTNT xây dựng các nội dung thực hiện, tập trung vào đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bằng cách huy động các phương tiện thông tin, tuyên truyền của trung ương, địa phương, phối hợp các tổ chức đoàn thể để đẩy mạnh công tác tuyên truyền; Tăng cường công tác quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh giống lúa các cấp; Tăng cường công tác khuyến nông để đẩy mạnh áp dụng quy trình canh tác 3 giảm, 3 tăng; 1 phải 5 giảm, quy trình SRI và các kết quả về giảm khối lượng hạt giống gieo sạ trên ha.
Được biết, các hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã, các đơn vị tham gia chỉ đạo, thực hiện giảm lượng hạt giống lúa gieo sạ có hiệu quả với quy mô lớn, có sức ảnh hưởng đến phong trào giảm lượng giống gieo sạ của Bộ NN&PTNT đã đề ra sẽ được chọn lựa để tôn vinh, khen thưởng với hai hình thức: Tặng cờ thi đua xuất sắc của Bộ NN&PTNT cho các địa phương, đơn vị dẫn đầu; Tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố; tặng giấy khen của Sở NN&PTNT, Chủ tịch UBND huyện, thị xã cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
Bộ NN&PTNT cũng thông báo, định kỳ hàng vụ, năm, tổ chức họp sơ kết và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ; lần lượt tổ chức hội nghị sơ kết vào các năm 2016, 2017, 2018, 2019 và tổng kết phong trào thi đua vào năm 2020. Đồng thời, đề xuất khen thưởng hàng vụ, hàng năm đến các đơn vị liên quan trình tổng hợp, xem xét đề xuất các hình thức khen thưởng.
Bộ còn giao Cục Trồng trọt chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan chuẩn bị nội dung tổ chức Lễ phát động; xây dựng và ban hành tiêu chí chấm điểm thi đua; theo dõi, đôn đốc quá trình tổ chức thực hiện; tổng hợp đánh giá kết quả thực hiện; chuẩn bị tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết phong trào thi đua.
Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm tham gia tích cực cuộc phát động và hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo lĩnh vực được phân công.
Ngoài ra, Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề xuất, tham mưu với UBND tỉnh, thành phố đẩy mạnh phong trào thi đua tại địa phương; hàng năm tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện, đề xuất các hình thức khen thưởng về UBND tỉnh, thành phố, Bộ NN&PTNT./.