“Phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng an toàn, bền vững vùng Trung du miền núi phía Bắc”

Thứ năm, 08/10/2015 17:24

(ĐCSVN) – Tại Diễn đàn “Phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng an toàn, bền vững vùng trung du và miền núi phía Bắc”, nhiều ý kiến cho rằng, cần tập trung nâng cao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăm sóc đại gia súc cũng như quy hoạch lại vùng chăn nuôi một cách hiệu quả, hợp lý.

 

 Diễn đàn diễn ra tại Yên Bái (Ảnh: PV)


Diễn đàn diễn ra ngày 6/10, tại Yên Bái do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Yên Bái tổ chức .

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc có nhiều đồng cỏ, chủ yếu trên các cao nguyên, các đồng cỏ tuy không lớn, nhưng ở đây có thể phát triển tốt cho chăn nuôi trâu, bò, ngựa, dê. Phương thức chăn nuôi chủ yếu vẫn là chăn nuôi quảng canh, nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng cao về cả số lượng và sản lượng, tỷ lệ trâu, bò, dê thả rông còn nhiều. Các giống gia súc được nuôi chủ yếu là giống sẵn có tại địa phương, một phần được mua từ các tỉnh vùng Đồng Bằng. Nguồn thức ăn chủ yếu là tận dụng thức ăn tại chỗ và chưa chủ động được nguồn thức ăn. Bước đầu hình thành chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, chăn nuôi trang trại vừa và nhỏ. Năm 2014, tổng số trang trại chăn nuôi trong toàn vùng là 1.860 trang trại chiếm 14,7% so với số trang trại chăn nuôi của cả nước; tổng đàn gia súc lớn (trâu, bò, dê, ngựa) chiếm 46,2% và sản lượng thịt xuất chuồng chiếm 31,3% so với cả nước. Trong khi đó, việc phát triển nông nghiệp của vùng dựa trên cơ sở khai thác tổng hợp các thế mạnh về nông nghiệp của vùng trung du, đồi núi. Vùng còn có nhiều đồng cỏ tự nhiên chủ yếu trên các cao nguyên là nguồn thức ăn xanh tự nhiên và tiềm năng đất đai có thể sử dụng để trồng cỏ, cây thức ăn cho gia súc nhai lại góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ trong vùng. Tuy nhiên, hiện nay, công tác quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi từ cấp tỉnh đến các huyện địa phương chưa được hoàn thiện; vấn đề chuyển đổi một phần diện tích đất canh tác nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ, cây thức ăn phục vụ chăn nuôi còn hạn chế.

 

 Quy hoạch chăn nuôi đại gia súc tập trung, hiệu quả (Ảnh: HNV)


Theo TS. Phan Huy Thông, Giám đốc TTKNQG, phát triển chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia súc ăn cỏ nói riêng vừa là thế mạnh, vừa là nghề chính để giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập và giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, phát triển chăn nuôi gia súc ở khu vực miền núi phía bắc hiện chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh. Phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ với tập quán lạc hậu, chăn thả tự do vẫn còn khá phổ biến ở các vùng núi cao, hiểu biết về kỹ thuật chăn nuôi của nông dân còn hạn chế nên năng suất và hiệu quả chăn nuôi chưa cao. Vì vậy, để thay đổi tập quán chăn nuôi từ phương thức lạc hậu, kém hiệu quả sang hướng thâm canh tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả, ngành nông nghiệp các tỉnh miền núi phía bắc cần thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ về giống, thức ăn, phòng trừ dịch hại và thị trường…

Báo cáo của TTKNQG về kết quả triển khai dự án khuyến nông trung ương “Xây dựng mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò thịt trong nông hộ” nêu rõ, dự án được triển khai tại các tỉnh có điều kiện tự nhiên phù hợp để phát triển chăn nuôi bò, đặc biệt là có quỹ đất lớn để trồng cỏ, dồi dào nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương và quy mô đàn bò lớn (Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ...) nên việc lựa chọn, bình tuyển đàn cái nền để thụ tinh nhân tạo và bò vỗ béo rất thuận lợi và đúng đối tượng. Mục tiêu của dự án nhằm áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, đổi mới quy trình công nghệ nhằm chuyển từ chăn nuôi bò quảng canh, tận dụng, phân tán sang chăn nuôi thâm canh tạo hàng hoá tăng năng suất và chất lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và bảo vệ môi trường.

Từ thực tiễn chăn nuôi đại gia súc trong vùng, Cục Chăn nuôi đã đưa ra giải pháp chính là quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc lớn theo hướng an toàn, bền vững, hiệu quả cao và sản phẩm có khả năng cạnh tranh; Ưu tiên phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ; Tổ chức tuyển chọn nhân giống, nhập giống để có được giống tốt cung ứng cho người chăn nuôi. Đẩy mạnh công tác lai tạo giống; củng cố, tăng cường và phát huy tối đa khả năng hoạt động của hệ thống thụ tinh nhân tạo trâu, bò và quản lý tốt đực giống trâu, bò phối giống trực tiếp trong các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Xây dựng, phê duyệt các chương trình giống tại các tỉnh trên cở sở phát huy lợi thế so sánh của từng tỉnh trong vùng và tính toán hiệu quả kinh tế. Tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi giúp người chăn nuôi nhận biết được những giống tốt, thức ăn tốt, kỹ thuật nuôi dưỡng tốt. Khuyến khích người chăn nuôi thực hiện Quy trình thực hành chăn nuôi tốt nhằm giúp họ chăn nuôi tốt hơn, phòng dịch hiệu quả hơn, năng suất cao hơn, sản phẩm đồng đều và an toàn hơn.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Hoàng Xuân Nguyên nhấn mạnh, diễn đàn là cơ hội tốt để nông dân các tỉnh được trao đổi với các nhà quản lý, khoa học, doanh nghiệp về chính sách, kinh nghiệm, các tiến bộ kỹ thuật và những vấn đề cần quan tâm trong phát triển chăn nuôi đại gia súc.

Theo ông Hoàng Xuân Nguyên, những năm qua, tỉnh Yên Bái đã ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ, các đề án, dự án thúc đẩy phát triển chăn nuôi đại gia súc như Đề án “Hỗ trợ chăn nuôi bò cho các hộ nghèo đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái giai đoạn 2005 - 2006”. Chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn tỉnh bước đầu đã mang lại kết quả tích cực, tổng đàn trâu hiện có 100.000 con, đàn bò 19.000 con. Những năm tới, Yên Bái tập trung chỉ đạo phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng an toàn, bền vững và tiếp tục có những chính sách hỗ trợ.

Cũng tại Diễn đàn, chuyên gia các cục, vụ, viện chuyên môn của Bộ NN&PTNT đã trình bày, giới thiệu một số tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công tác giống vật nuôi, giải pháp quản lý dịch bệnh và biện pháp phòng chống thiệt hại trong chăn nuôi đại gia súc; trồng và chế biến thức ăn gia súc phù hợp, kết quả bước đầu lai tạo giống bò BBB trên nền đàn bò lai Sind thành đàn bò lai F1 hướng thịt… Đồng thời, giải đáp các câu hỏi của nông dân liên quan đến cách chăm sóc, phòng bệnh cho đại gia súc, cách trồng cỏ và cây thức ăn gia súc phục vụ phát triển chăn nuôi.

Ngoài ra, Ban cố vấn đã giải đáp các câu hỏi của nông dân liên quan đến cách chăm sóc, phòng bệnh cho đại gia súc, cách trồng cỏ và cây thức ăn gia súc phục vụ phát triển chăn nuôi./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực