(ĐCSVN) – Cần đồng bộ các giải pháp để phát triển chăn nuôi vịt an toàn sinh học (ATSH) vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), góp phần tái cơ cấu ngành chăn nuôi vùng hiệu quả. Theo đó, ưu tiên áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đây là những ý kiến được đông đảo đại biểu nhất trí tại Diễn đàn khuyến nông@ Nông nghiệp diễn ra các ngày 26&27/10 tại Vĩnh Long. Diễn đàn do Trung tâm khuyến nông quốc gia (TTKNQG) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Vĩnh Long tổ chức.
Các vấn đề về quản lý và cơ chế chính sách phát triển chăn nuôi vịt ATSH
Báo cáo về thực trạng, giải pháp phát triển chăn nuôi vịt ATSH, cơ hội thách thức của ngành chăn nuôi vịt trong thời gian tới, Cục chăn nuôi cho biết, hầu hết các tỉnh ĐBSCL khi xây dựng Đề án tái cơ cấu chăn nuôi đều chọn vịt là vật nuôi chính đứng sau con heo (lợn), trước con trâu, bò. Các tỉnh chăn nuôi vịt phát triển như: Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang, có tổng đàn vịt mỗi tỉnh trên 3 triệu con, Long An, Vĩnh Long, Hậu Giang có trên 2 triệu con đã là nguồn cung cấp thịt cho khu vực, cho Thành phố Hồ Chí Minh và nguồn trứng cho xuất khẩu. Theo số liệu thống kê 01/10/2014 sản lượng trứng vịt tại ĐBSCL là 1,04/3,56 triệu quả.
Thực tế, Nhà nước đã quan tâm đến phát triển chăn nuôi vịt ở ĐBSCL, từ việc triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tới việc các địa phương trong vùng đã và đang xúc tiến các bước nhằm quản lý Nhà nước đối với các giống vật nuôi trong đó, con vịt sẽ là vật nuôi được ưu tiên phát triển vùng này.
|
Đẩy mạnh chăn nuôi vịt theo hướng ATSH (Ảnh: HNV) |
Tuy nhiên, Cục chăn nuôi cũng cảnh báo một số thách thức đối với phát triển chăn nuôi vịt tại ĐBSCL, trong đó lưu ý tới tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của các đập thủy điện thượng nguồn sông Cửu Long, sự phát triển của công nghệ sản xuất và thu hoạch lúa làm cho chăn nuôi vịt khó khăn hơn, sản phẩm chăn nuôi vịt thả đồng kém an toàn hơn trước. Cộng với tập quán chăn nuôi và chăn nuôi không an toàn do vẫn mang bản chất là chăn nuôi truyền thống, theo thói quen. Đồng thời là sự gia tăng cạnh tranh khi mở cửa hội nhập, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đàm phán và ký kết Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)…
TS. Nguyễn Văn Bắc, Văn phòng Thường trực tại Nam Bộ TTKNQG, khẳng định, ở ĐBSCL, nghề chăn nuôi gia cầm, thủy cầm, đặc biệt là nghề chăn nuôi vịt là nghề chăn nuôi truyền thống và là nguồn thu nhập quan trọng của phần lớn nông dân. Tuy nhiên, chăn nuôi vịt chạy đồng kiểm soát không chặt chẽ là nguy cơ làm lây lan, phát tán mầm bệnh ra môi trường. Nhận thức được điều này, liên tục từ năm 2007 đến 2009, tại các tỉnh ĐBSCL, TTKNQG đã cùng với Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, Viện Chăn Nuôi tổ chức triển khai nhiều mô hình chăn nuôi vịt ATSH tại 22 huyện của 5 tỉnh đó là Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến tre và An Giang với hàng trăm mô hình nuôi vịt thịt và và vịt sinh sản. Đặc biệt dự án “Phát triển chăn nuôi thủy cầm an toàn sinh học” giai đoạn 2011 – 2013 đã được thực hiện tại 9 tỉnh ĐBSCL (Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cà mau, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang) với 185 hộ tham gia, qui mô 52.320 con vịt bao gồm vịt giống hướng thịt, vịt đẻ hướng trứng và vịt thịt. Kết quả cho thấy tất cả các mô hình đều đảm bảo an toàn dịch bệnh, đặc biệt là dịch cúm gia cầm H5N. Chương trình chăn nuôi vịt an toàn sinh học ở các Tỉnh ĐBSCL đã và đang góp phần tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành hàng này tại các tỉnh Đồng bằng sông cửu long.
Trong khi đó, đề cập tới thực trạng và giải pháp phát triển chăn nuôi vịt theo hướng an toàn, bền vững trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, ThS. Nguyễn Thanh Giang, Sở NN&PTNT Vĩnh Long cho rằng, chăn nuôi vịt ở tỉnh Vĩnh Long đã có từ lâu đời, góp phần làm tăng thu nhập cho những hộ chăn nuôi nhỏ và đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp nguồn protein là thịt và trứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Tổng đàn vịt thịt của tỉnh có chiều hướng tăng qua các năm, mặc dù trong năm 2012 và 2013 tổng đàn có giảm do tình hình dịch bệnh gia tăng và tâm lý không mạnh dạn tái đàn của người nuôi. Về quy mô chăn nuôi, toàn tỉnh hiện nay có 04 cơ sở chăn nuôi vịt quy mô từ 3.000 - 5.000 con với tổng đàn 20.000 con; có 524 hộ chăn nuôi vịt quy mô từ 500 - 3.000 con với tổng đàn 425.000 con. Nhìn chung, hộ chăn nuôi vịt với quy mô nhỏ lẻ chiếm đa số và phân bố rãi rác trên địa bàn các huyện trong tỉnh.
Theo ThS Giang, với lợi thế về điều kiện tự nhiên của tỉnh, việc tiếp tục duy trì và phát triển ngành chăn nuôi vịt là hết sức cần thiết. Đặc biệt, chăn nuôi vịt có thể tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên, sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản sẽ góp phần tạo công ăn việc làm, tạo nguồn thực phẩm cho thị trường của nhiều hộ nông dân ở vùng nông thôn trong tỉnh. Tuy nhiên, yêu cầu về sản xuất thực phẩm an toàn và môi trường sinh thái không có nguy cơ dịch bệnh, không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người là một thách thức không nhỏ cho ngành chăn nuôi của tỉnh.
Được biết, thông qua các dự án, ngành nông nghiệp đã từng bước xây dựng các mô hình nuôi vịt theo hướng an toàn, bền vững; tích cực chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến người nuôi, từng bước nâng cao nhận thức nhận thức và tay nghề của người nuôi vịt, góp phần chuyển đổi phương thức chăn nuôi truyền thống, nhỏ lẻ sang chăn nuôi gia trại, bán công nghiệp và công nghiệp quy mô lớn có kiểm soát, hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; góp phần tạo sản phẩm sạch, an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, các điểm tư vấn khuyến nông bước đầu cũng đã phát huy huieeju quả và tạo được niềm tin với người dân.
Các giải pháp khoa học, kỹ thuật, liên kết sản xuất phát triển chăn nuôi vịt ATSH
|
Lễ ký kết bao tiêu sản phẩm chăn nuôi ATSH tại Diễn đàn (Ảnh: Thanh Phong) |
Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc tại Việt Nam (FAO), hiện nay, việc chuyển giao mô hình và một số tiến bộ kỹ thuật tại ĐBSCL cũng như việc triển khai các biện pháp quản lý vịt chạy đồng trong vùng đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Theo đó, FAO cũng khuyến nghị, việc chăn nuôi đàn gia cầm hiệu quả bao gồm việc phòng ngừa dịch bệnh đòi hỏi người chăn nuôi phải thực hiện các thực hành chăn nuôi và quy trình chăm sóc sức khỏe động vật tốt. Việc thực hành quản lý phân gia cầm tốt có vai trò quan trọng bởi vì việc này giúp nâng cao sản lượng, giảm việc bùng phát dịch bệnh tại trang trại cũng như việc lây lan dịch bệnh giữa các trang trại, đồng thời giảm thiểu việc ô nhiễm môi trường và giúp gia tăng giá trị của phân gia cầm qua việc tạo ra phân bón sạch có chất lượng cao. Trong đó, cần tuân thủ tốt các hướng dẫn về việc thu gom và xử lý phân gia cầm một cách phù hợp và các biện pháp thích hợp để ủ phân để tạo ra phân bón sạch và thông qua quá trình này trung lập hóa các mầm bệnh có khả năng gây hại.
ThS Nguyễn Thanh Giang, Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long cho hay, để nghề chăn nuôi vịt phát triển theo hướng an toàn, bền vững, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, từ quản lý vĩ mô đến giải pháp kỹ thuật cụ thể. Theo đó, hướng tới quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung; Nâng cao chất lượng con giống và cơ sở nhân giống; Chuyển đổi mạnh mẽ từ chăn nuôi truyền thống, quy mô nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, bán thâm canh, chăn nuôi công nghiệp, trang trại quy mô lớn, chăn nuôi an toàn sinh học. Giảm dần chăn nuôi vịt chạy đồng xa, khuyến khích chăn nuôi thả đồng gần, chủ động kiểm soát, khống chế dịch bệnh. Đặc biệt, tích cực thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, chủ động tiêm phòng, tuân thủ quy trình chăn nuôi ATSH, điều kiện vệ sinh thú y, nhanh chóng khai báo khi có dịch bệnh xảy ra. Chú ý thực hiện tích cực đề án tái cơ cấu của ngành, của tỉnh, thông qua dự án xây dựng các mô hình điểm chăn nuôi vịt theo hướng ATSH, an toàn dịch bệnh để người dân có thể áp dụng và nhân rộng mô hình, từng bước thay đổi tập quán chăn nuôi của người dân và tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng; Góp phần giảm thiểu sự phát sinh và lây lan dịch bệnh. Đồng thời, phải liên kết phát triển ngành chăn nuôi theo mô hình chuỗi giá trị.
Đồng quan điểm này, Cục chăn nuôi, Bộ NN&PTNT đề xuất, đồng bộ các giải pháp: quản lý nhà nước lĩnh vực chăn nuôi, về quy hoạch, về giống, về khoa học kỹ thuật và khuyến nông, về phòng chống dịch bệnh, về sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, về cơ chế, chính sách để có những điều chỉnh, hỗ trợ phát triển chăn nuôi 2015-2020 phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của Tái cơ cấu ngành, phân kỳ theo từng giai đoạn cũng như khuyến khích phát triển chăn nuôi của địa phương, trong đó đặc biệt là ưu tiên tham gia hình thành các mối liên kết trong sản xuất chăn nuôi.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu cũng chứng kiến lễ ký kết với hai doanh nghiệp (DN) gồm: DN tư nhân Vĩnh Nghiệp và cơ sở kinh doanh giống gia cầm Hoàng Tuấn trong cam kết thực hệin chăn nuôi vịt ATSH.
Trước đó, ngày 26/10, đoàn đại biểu đã tham quan mô hình “Nuôi vịt chuyên trứng áp dụng đệm lót sinh học tại xã Hiếu Phụng, huyện Vũng Liêm” cùng mô hình “Nuôi vịt siêu thịt áp dụng đệm lót sinh học tại xã An Phước, huyện Mang Thít”.