Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Thuận đã khái quát hiện trạng sản xuất nông nghiệp chung hiện nay, nhận định ngành nông nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là nước ta chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của đới khí hậu nhiệt đới gió mùa, chính vậy những tác động từ biển đổi khí hậu đã ảnh hưởng rõ nét đối với nền sản xuất nông nghiệp chúng ta. Trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp có hướng phát triển chưa thật sự bền vững, còn lệ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên; tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; năng suất lao động, năng suất cây trồng, vật nuôi còn thấp; một số nông sản chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sức cạnh tranh của nhiều loại nông sản trên thị trường hạn chế.
Thực tế, việc phát triển nông nghiệp xanh là xu hướng đúng nhằm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng đến phát triển bền vững, gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới hiện nay. Song song với đó là tăng cường ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để tạo ra sản phẩm an toàn, giá thành thấp, lại có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Sự kiện "Phát triển một số cây trồng chủ lực tại Nam Bộ theo hướng nông nghiệp xanh" diễn ra trong Khuôn khổ Hội chợ Triển lãm (Ảnh: NCB)
Tại Hội thảo, nhiều mô hình nông nghiệp xanh đã được giới thiệu tới bà con nông dân như: Mô hình xây dựng Cánh đồng lớn thâm canh lúa hữu cơ kết hợp cơ giới hóa đồng bộ do Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư đang thực hiện tại huyện Tánh Linh với quy mô 50 ha - đặc biệt không sử dụng phân vô cơ và các hoạt chất hóa học trong quá trình canh tác, hứa hẹn cho ra sản phẩm “Gạo hữu cơ” an toàn; Mô hình “Thâm canh lúa theo phương pháp SRI”- giảm mật độ gieo và tưới nước tiết kiệm, v.v..
Giải pháp phát triển một số cây trồng chủ lực theo hướng nông nghiệp xanh và thích ứng biến đổi khí hậu nằm trong đề tài nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, giới thiệu kết quả về giống mới được công nhận và có triển vọng như: Giống lúa thuần AN26-1 lai tạo và chọn lọc từ tổ hợp lai Thơm đen/ML2003//OM4498; ANS1 được lai tạo và chọn lọc từ phả hệ tổ hợp lai ba OM6916/ĐV108//OMCS98; hay giống Ngô lai LVN.61, LVN102, LVN111, VS71… do Viện nghiên cứu Ngô Việt Nam chọn tạo; Giống ớt cay chỉ thiên F1 BĐC.01; Giống đậu tương ĐTDH.10; Giống đậu xanh NTB.02.
Hội thảo cũng quan tâm và đi sâu vào các kết quả nghiên cứu mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất chuyên trồng lúa. Các mô hình về luân canh lúa – bắp, lúa – đậu tương, lúa – đậu phộng, lúa – bắp – đậu, mô hình 2 vụ lúa một vụ màu,… Các kết quả nghiên cứu về kỹ thuật canh tác có thể ứng dụng vào sản xuất theo hướng nông nghiệp xanh và thích ứng biến đổi khí hậu được giới thiệu tại Hội thảo.
Thông qua chủ đề hướng “Nông nghiệp xanh”, Hội thảo đã nhận được hơn 30 câu hỏi của bà con nông dân, các doanh nghiệp và chuyên gia. Ban tổ chức đã phối với Tổ tư vấn gồm các nhà quản lý, nhà khoa học, đơn vị chuyên môn để giải đáp các thắc mắc và giới thiệu nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới đến bà con nông dân.