Phát triển sản xuất hồ tiêu bền vững

Thứ hai, 20/07/2015 14:52

(ĐCSVN) - Những năm qua, diện tích hồ tiêu nước ta tăng nhanh, năm 2000 cả nước có 27,9 ngàn ha, đến năm 2012 là 57,38 ngàn ha và năm 2014 là 85,591 ngàn ha, trong đó vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ 78,225 ngàn ha chiếm trên 91,39% diện tích cả nước (Tây Nguyên 43,939 ngàn ha, chiếm 51,34%; Đông Nam bộ 34,286 ngàn ha, chiếm 40,06%).

Năm 2014, diện tích hồ tiêu tăng 16,699 ngàn ha so với năm 2013, vượt 35,591 ngàn ha so với quy hoạch, hiện nay diện tích hồ tiêu tiếp tục xu hướng tăng, thực tế diện tích hồ tiêu cao hơn nhiều so với số liệu tổng hợp từ báo cáo của các tỉnh do cấp xã chưa thống kê hết diện tích.

 

 Cây hồ tiêu đòi hỏi chăm sóc kỹ về giống, phân bón và cách tưới (Ảnh: KV)


Theo thống kê của Cục Trồng trọt, năng suất hồ tiêu không ngừng tăng, những năm 1960 năng suất khoảng 10 -13 tạ/ha đến năm 2014 năng suất đạt 25,9 tạ/ha. Các tỉnh vùng Tây Nguyên có năng suất hồ tiêu cao nhất nước, bình quân đạt 31,4 tạ/ha, tỉnh Gia Lai có năng suất 39,4 tạ/ha, Đắk Lắk 30,7 tạ/ha, Bình Phước 28,7 tạ/ha, Tây Ninh 25,3 tạ/ha.

Năm 2014, sản lượng hồ tiêu cả nước đạt 151,761 ngàn tấn, trong đó các tỉnh vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ chiếm 94,97% sản lượng của cả nước (Tây Nguyên 83,076 ngàn tấn, Đông Nam bộ 61,048 ngàn tấn). Tỉnh có sản lượng hồ tiêu lớn là Gia Lai 39,650 ngàn tấn, Bình Phước 25,918 ngàn tấn, Đắk Lắk 24,695 ngàn tấn, Đồng Nai 18,518 ngàn tấn, Đắk Nông 17,682 ngàn tấn, Bà Rịa - Vũng Tàu 14,794 ngàn tấn.

Một số khó khăn sản xuất tiêu cần khắc phục

Cũng theo Cục Trồng trọt, hiện nay, công tác nghiên cứu giống hồ tiêu chưa tương xứng với tình hình phát triển của ngành, Trung tâm nghiên cứu Hồ tiêu mới được thành lập; công tác tuyển chọn, nhập nội, khảo nghiệm giống năng suất cao, chất lượng hạt tốt, chống chịu dịch hại chưa được triển khai có hệ thống.

Công tác quản lý chất lượng cây giống chưa được quan tâm, chưa có vườn cây đầu dòng, chưa hình thành được hệ thống sản xuất giống, nông dân tự tuyển chọn do vậy sự phát triển hồ tiêu nước ta chưa thật sự bền vững.

Thêm nữa, nhiều hộ canh tác hồ tiêu chưa hợp lý như bón phân không cân đối, bón thừa đạm, chưa quan tâm đến phân hữu cơ; nhiều vườn bón phân không phù hợp với yêu cầu theo giai đoạn của cây; không quan tâm đến hệ thống thoát nước mưa trong vườn, gây úng cục bộ; không chủ động áp dụng tổng hợp các biện pháp phòng ngừa dịch hại IPM, chủ yếu sử dụng hóa chất khi cây đã bị bệnh, việc sử dụng hóa chất đến mức cảnh báo và có nguy cơ phương hại đến thị trường xuất khẩu; chưa áp dụng biện pháp che phủ đất bằng cây họ đậu để nâng cao độ phì cho đất; tỷ lệ hộ áp dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm còn khiêm tốn.

Bên cạnh đó, dịch hại là yếu tố gây hại quan trọng nhất đối với cây hồ tiêu hiện nay, nhiều vườn hồ tiêu dịch hại nặng phải nhổ bỏ. Hiện tượng cây hồ tiêu chết hàng loạt xảy ra ở nhiều vùng là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành hồ tiêu. Một số bệnh gây hại chủ yếu trên cây hồ tiêu: Bệnh chết nhanh do nấm Phytophthora capsici Leonian; Bệnh héo vàng (chết chậm) do nấm Fusarium solani (Martius) Saccardo; Bệnh xoăn lá - ngọn (tiêu điên); Bệnh thán thư; Bệnh do vi rút, tuyến trùng hại rễ (Meloidogyne incognita)...

Tập trung canh tác theo hướng an toàn

Từ năm 2012 đến nay, ngành hồ tiêu nước ta có những chuyển biến tích cực sản xuất theo hướng an toàn, bền vững. Đơn cử như: tại tỉnh Đắk Lắk, thực hiện dự án “Phát triển chuỗi cung ứng hồ tiêu bền vững” tại xã Quảng Tiến - huyện Cư M’gar, xã Ea Tân - huyện Krông Năng, phường Thống Nhất - thị xã Buôn Hồ, đã tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác mới, phương pháp thu hoạch, phơi sấy, bảo quản cho nông dân. Dự án này đã triển khai trên 411 ha, 500 hộ, niên vụ 2013-2014 sản xuất được 777 tấn, trong đó 336 tấn đạt tiêu chuẩn chứng nhận của Rainforest Alliance.

Hay như tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đã triển khai Dự án “Hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững”, giao cho Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) và Công ty Olam Việt Nam triển khai thực hiện tại xã Quảng Thành, huyện Châu Đức. Rồi các tỉnh Phú Yên, Bình Phước đang triển khai sản xuất hồ tiêu an toàn…

Mặc dầu vậy, diện tích thực hiện canh tác tiêu theo hướng an toàn còn ít, chưa đáp ứng kỳ vọng của nhà nhập khẩu và người tiêu dùng. Hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó châu Á 36%, châu Âu chiếm 34%, châu Mỹ 20%, châu Phi 10%. 14 năm liên tục (từ năm 2000 đến nay), Việt Nam sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu đứng hàng đầu thế giới, chiếm 50% sản lượng xuất khẩu của thế giới; khối lượng xuất khẩu chiếm 95% sản lượng, trong đó tiêu đen chiếm 85,7%, tiêu trắng 14,3%; Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam chiếm 80%, trong đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) chiếm 30%. Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), có 15 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu chiếm 50% thị phần xuất khẩu, đóng vai trò chi phối thị trường, giá cả hồ tiêu. (Nguồn: Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT)

Một số giải pháp chủ yếu để sản xuất tiêu bền vững

Trước thực trạng phát triển tiêu hiện nay, Cục Trồng trọt đã đề xuất một số giải pháp để phát triển bền vững. Theo đó, về công tác quy hoạch: Căn cứ vào Quy hoạch chung của Bộ, các tỉnh khẩn trương tiến hành rà soát quy hoạch sản xuất hồ tiêu trên địa bàn, xác định vùng trồng và có kế hoạch từng bước giảm diện tích những vùng ít thích hợp và không thích hợp để phát triển ổn định và bền vững; Hình thành vùng sản xuất hồ tiêu tập trung để có điều kiện đầu tư cơ sở hạ tầng về thủy lợi, giao thông; xây dựng cơ sở thu mua, chế biến từng bước tiến tới sản xuất hồ tiêu an toàn, có thương hiệu.

Về tổ chức lại sản xuất: tiến hành theo hướng liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã để chia sẻ kinh nghiệm, áp dụng kỹ thuật canh tác an toàn, có biện pháp phòng ngừa dịch hại phát sinh phát trên toàn vùng, không để dịch lây lan trên diện rộng và có tiếng nói mạnh hơn đối với nhà thu mua, chế biến, xuất khẩu; Các doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp lớn phối hợp, liên minh, liên kết chặt chẽ chung quanh hiệp hội đóng vai trò chi phối thị trường, thống nhất tiêu chuẩn, chất lượng theo hướng có lợi cho nông dân và danh tiếng hồ tiêu Việt Nam. Tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ chế biến, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành hồ tiêu nước ta.

Đặc biệt, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam chủ trì chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên liên kết với nông dân, tổ chức nông dân xây dựng vùng nguyên liệu theo quyết định 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn, để ổn định khối lượng hàng hóa, kiểm soát tốt chất lượng đầu vào.

Về nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật: Nghiên cứu có hệ thống và đồng bộ các giải pháp đối với cây hồ tiêu từ chọn tạo giống, quy trình canh tác, quy trình thực hành sản xuất tốt GAP, sơ chế biến, bảo quản.

Xây dựng và thực hiện chương trình giống hồ tiêu từ Trung ương đến địa phương, xây dựng và quản lý vườn cây đầu dòng, vườn nhân giống, đẩy mạnh sản xuất đủ giống hồ tiêu tốt, năng suất cao, chất lượng tốt, thích nghi với điều kiện sinh thái để phục vụ trồng mới và tái canh.

Xây dựng và thực hiện chương trình khuyến nông trên các mặt sản xuất an toàn GAP, thiết kế vườn, thoát thủy, phòng trừ dịch hại theo IPM, bón phân, tỉa cành tạo tán, sử dụng trụ; ưu tiên triển khai ở vùng quy hoạch, trồng tập trung. Đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới đến nông dân những biện pháp phòng ngừa dịch hại và hạn chế đến mức thấp nhất mức độ lây lan, gây hại. Khuyến khích trồng cây họ cúc xung quanh vườn, trên các lối đi để dẫn dụ côn trùng gây hại, trồng cây họ đậu như là giải pháp duy trì độ phì đất.

Các tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh giống hồ tiêu trên địa bàn; kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Về chế biến: Các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gắn liền với vùng nguyên liệu, áp dụng công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng theo yêu cầu của thị trường góp phần nâng cao giá trị hồ tiêu; Nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các sản phẩm mới như tiêu đỏ, tiêu xanh khô, tiêu muối.

Về xúc tiến thương mại: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại hồ tiêu ở các thị trường lớn, khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản; tìm kiếm và mở rộng thêm thị trường tiềm năng ở Trung Đông và Châu Phi.

Tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với nông dân, hình thành mạng lưới thu mua trực tiếp tại các vùng trồng hồ tiêu; thường xuyên thông tin tình hình thị trường, giá cả. Giảm dần xuất khẩu hạt thô, qua nhiều trung gian; tăng cường xuất khẩu trực tiếp cho các nhà chế biến, bán lẻ.

Tích cực xây dựng “chỉ dẫn địa lý hồ tiêu” như "thương hiệu hồ tiêu Chư Sê" tại các vùng trồng tiêu có tiếng để tăng hiệu quả sản xuất. Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí và tạo điều kiện cho các địa hương, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm hồ tiêu xuất khẩu.

Tăng cường công tác dự báo thị trường, thông qua các kênh thông tin theo dõi tình hình, kết quả sản xuất, mùa vụ thu hoạch, sản lượng v.v…ở các nước sản xuất hồ tiêu lớn trên thế giới; dự báo cung cầu, thị trường, giá cả, kế hoạch thu mua, chế biến và xuất khẩu.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực