Tiềm năng phát triển nông nghiệp CNC
Sản xuất hoa Đà Lạt nổi tiếng về độ chuyên nghiệp (Ảnh: Đình Tăng)
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có 43.084 ha sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao (CNC), chiếm 16,4% diện tích đất canh tác. Rau, hoa và cây đặc sản có 15.184,2 ha (chiếm khoảng 35% tổng diện tích ứng dụng CNC toàn tỉnh). Trong đó cây rau 12.655,2 ha, cây hoa 2.424 ha và cây đặc sản 105 ha.
Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp CNC đạt 30% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; năng suất giá trị sản phẩm cây trồng, vật nuôi khi áp dụng CNC tăng 25 - 30%, giúp tăng lợi nhuận trên 30% so với doanh thu; tỷ trọng giá trị nông sản xuất khẩu chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác của toàn tỉnh năm 2014 là 130 triệu đồng/ha; diện tích sản xuất nông nghiệp CNC doanh thu đạt gấp hơn 2 lần giá trị sản xuất bình quân toàn tỉnh, sản xuất rau cao cấp đạt bình quân 450 – 500 triệu đồng/ha, sản xuất hoa cao cấp đạt bình quân 800 – 1.200 triệu đồng/ha.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 05 doanh nghiệp được Bộ NN&PTNT công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp CNC. Bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp sản xuất rau, hoa mặc dù chưa được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp CNC nhưng đã áp dụng công nghệ trong sản xuất, mang lại hiệu quả cao. Các doanh nghiệp này đã đầu tư áp dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ hiện đại, tiên tiến cho doanh thu rất cao từ 01 - 03 tỷ đồng/ha/năm.
Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật theo hướng nông nghiệp CNC được thực hiện rộng rãi đến quy mô hộ gia đình, một trong những tiến bộ khoa học công nghệ có tác động mạnh mẽ tới việc ứng dụng CNC trong sản xuất rau, hoa là kỹ thuật sản xuất trong nhà kính, kết hợp tưới, châm phân tự động,... đã góp phần đưa năng suất chất lượng rau, hoa Đà Lạt ngày càng tăng đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, sản xuất rau theo hướng an toàn, có chứng nhận cũng được chú trọng áp dụng tại Lâm Đồng. Theo số liệu thống kê của chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản năm 2015 thì hiện nay trên toàn tỉnh có 33 cơ sở sản xuất rau được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm với tổng diện tích là 201,89 ha; sản lượng 7.162 tấn/năm; 82 cơ sở sản xuất rau được cấp giấy chứng nhận sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP với tổng diện tích là 678,624 ha; sản lượng 630.732,2 tấn/năm; 05 cơ sở sản xuất quả các loại được cấp giấy chứng nhận sản xuất quả các loại an toàn theo hướng VietGAP với tổng diện tích là 42,93 ha; sản lượng 1.263 tấn/năm; 05 cơ sở sản xuất rau an toàn theo hướng GlobalGAP; Organic với tổng diện tích là 22 ha; sản lượng: 543 tấn/năm.
Đà Lạt (Lâm Đồng) đang trở thành vùng sản xuất hoa CNC hàng đầu của cả nước (Ảnh: Đình Tăng)
Về ứng dụng CNC trong công tác sản xuất giống, Lâm Đồng có khoảng trên 50 cơ sở ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô thực vật. Hàng năm, các cơ sở này cung cấp cho thị trường khoảng 30 triệu cây giống cấy mô các loại như giống khoai tây, dâu tây, cúc, cẩm chướng, đồng tiền, hoa lan, salem, baby,… Đây là nguồn cây giống gốc ban đầu phục vụ cho các vườn ươm tiếp tục nhân giống cho sản xuất. Hơn nữa, một số cơ sở đã có các hợp đồng xuất khẩu cây giống in vitro sang các nước Châu Âu với số lượng khoảng 10 triệu cây giống in vitro mỗi năm như công ty Công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt (FBIO), công ty Công nghệ sinh học Bảo Nông, Vườn ươm PH và một số cơ sở và một số cơ sở tư nhân khác.
Định hướng phát triển sản xuất rau, hoa theo hướng ứng dụng CNC
Thực tế, rau, hoa là một trong những cây trồng chủ lực được ưu tiên đầu tư phát triển ứng dụng CNC trong sản xuất của Lâm Đồng. Cùng với chương trình phát triển chung, các mục tiêu, định hướng phát triển rau hoa theo hướng ứng dụng công nghệ cao cũng được Sở NN&PTNT Lâm Đồng quan tâm, cụ thể: Rà soát quy họach tổng thể, quy hoạch chi tiết phát triển rau, hoa trên địa bàn tỉnh để tập trung thu hút đầu tư, sản xuất hàng hóa có lợi thế của từng vùng đảm bảo năng suất, giá trị tăng cao; Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC với sự tham gia của đa ngành, đa lĩnh vực để hướng tới mục tiêu hạ giá thành sản xuất, phát triển thương hiệu nông sản gắn với công nghệ bảo quản sau thu hoạch, tăng cường liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị nông sản góp phần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiệu quả và hiện đại. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi cho người sản xuất phát huy năng lực, khai thác các tiềm năng, lợi thế sẵn có ở địa phương. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, hệ thống thủy lợi, điện) cho những vùng trọng điểm sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi ứng dụng công nghệ cao.
Rau, quả Đà Lạt sản xuất theo mô hình ứng dụng CNC (Ảnh: Bùi Thủy)
Theo Sở NN&PTNT tỉnh, Lâm Đồng sẽ tập trung phát triển sản xuất rau, hoa, cây đặc sản và dược liệu ứng dụng CNC với tổng diện tích 18.668 ha; trong đó cây rau 15.433 ha; cây hoa 2.720 ha; cây đặc sản và cây dược liệu 515 ha. Đẩy mạnh ứng dụng đồng bộ công nghệ cao trong sản xuất: công nghệ thông tin điều khiển tự động, bán tự động trong nhà kính; hệ thống tưới thông minh; thủy canh; công nghệ canh tác đảm bảo an toàn thực phẩm, có chứng nhận,… và công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.
Bên cạnh đó, tiến hành xây dựng hình thành và phát triển 05 – 07 vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao, trong đó thành phố Đà Lạt có từ 01 – 02 vùng, huyện Lạc Dương 01 vùng, huyện Đơn Dương 02 – 03 vùng và huyện Đức Trọng 01 – 02 vùng. Xây dựng 03 vùng sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao tại Đà Lạt (Thái Phiên, Vạn Thành, Hà Đông).
Ngoài ra, nâng cấp các cơ sở sản xuất kinh doanh giống rau, hoa bằng phương pháp nuôi cấy mô thực vật, tạo ra những bước phát triển đột phá với những ưu thế trong sản xuất như các giống mới được tạo ra với những ưu thế về năng suất, chất lượng kháng sâu bệnh, chịu hạn,… mang lại hiệu quả cao trong sản xuất.
Đặc biệt, sẽ tập trung phát triển các phương pháp canh tác hữu cơ, an toàn vệ sinh thực phẩm, kỹ thuật canh tác trong nhà kính (có hệ thống điều khiển tự động hoặc bán tự động đối với các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, phân bón, nước tưới…); thủy canh… giảm bớt sự lệ thuộc vào điều kiện tự nhiên. Đồng thời ứng dụng công nghệ tự động hoá, cơ giới hoá trong thu hoạch, bảo quản, chế biến nông sản. Song song với áp dụng một cách hợp lý các kỹ thuật tiên tiến nhất trong chọn tạo giống mới, chăm sóc nuôi dưỡng cây giống và ứng dụng trong sản xuất.
Cùng với đó, triển khai xây dựng và phát triển các các trang trại với quy mô lớn đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hoá, tập trung, chuyên canh cao; tổ chức liên kết sản xuất (các hợp tác xã kiểu mới)… nhằm hình thành các vùng chuyên canh, tập trung để sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp mang tính hàng hóa chất lượng cao.
Chú ý đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá về du lịch làng nghề trồng rau, hoa truyền thống qua các hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế, giới thiệu thông tin chi tiết về các sản phẩm làng nghề trên tạp chí, các phương tiện thông tin đại chúng, ấn phẩm mà du khách thường quan tâm theo dõi./.