(ĐCSVN) - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Phú Thọ, thời gian qua, ngành chăn nuôi gia cầm của tỉnh đã đạt được những bước phát triển đáng kể về sản lượng, chất lượng vật nuôi. Tuy nhiên, để phát triển ngành chăn nuôi gia cầm, tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn cần triển khai tháo gỡ.
|
Ảnh minh họa (Ảnh: BT) |
Hiện nay, phương thức chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã và đang chuyển dịch theo hướng trang trại, gia trại có kiểm soát theo hướng an toàn dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng thức ăn công nghiệp. Theo số liệu thống kê nhanh đến tháng 4/2015, trên địa bàn tỉnh có khoảng 158,3 nghìn hộ chăn nuôi gia cầm quy mô đàn dưới 200 con; 3,5 nghìn hộ chăn nuôi gia cầm quy mô đàn từ 200-500 con; 500 hộ chăn nuôi gia cầm quy mô từ 500-1000 con và 70 cơ sở chăn nuôi gia cầm quy mô đàn trên 1.000 con. Trong đó, có trên 20 cơ sở chăn nuôi gia cầm giống và nuôi gia công quy mô trên 5.000 con.
Nhìn chung, công tác phát triển chăn nuôi gia cầm của tỉnh có nhiều thuận lợi do có diện tích đất đồi, rừng, vườn cây ăn quả khá lớn thuận lợi cho việc chăn nuôi gia cầm, đặc biệt là gà thả vườn đồi. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi gia cầm đã ứng dụng đưa nhanh các giống mới có năng suất, chất lượng tốt, các phương thức chăn nuôi tiên tiến vào sản xuất. Xây dựng, triển khai có hiệu quả một số mô hình chăn nuôi quy mô trang trại, tập trung an toàn vệ sinh thực phẩm, ứng dụng nhiều các tiến bộ kỹ thuật xử lý môi trường như: xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng công nghệ khí sinh học, sử dụng men vi sinh nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và địa phương ngày càng được tăng cường. Một bộ phận nhân dân đã thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào chăn nuôi, do đó, năng suất, chất lượng các sản phẩm chăn nuôi ngày một tăng lên.
Tuy nhiên, ngành chăn nuôi gia cầm tại tỉnh vẫn còn những khó khăn nhất định. Trong đó, cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi còn ít nên chưa thu hút được các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi. Hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán còn khá phổ biến, một bộ phận người dân còn chưa chú trọng đến công tác thú y phòng chống dịch bệnh, việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái nên thiếu bền vững, giá cả không ổn định; vẫn còn ít các mô hình sản xuất theo chuỗi sản xuất khép kín từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm.
Thêm vào đó, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có cơ sở chăn nuôi gia cầm giống gốc, con giống bố mẹ cơ bản nhập từ các tỉnh ngoài nên chất lượng đàn gia cầm giống khó kiểm soát, chưa chủ động, hiệu quả chăn nuôi chưa cao. Tình hình thời tiết diễn biến bất thường, rét đậm, rét hại, nắng nóng kéo dài,…gây bất lợi cho vật nuôi, các dịch bệnh nguy hiểm trên gia cầm vẫn xảy ra và luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát triên diện rộng gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất chăn nuôi. Cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật chăn nuôi các cấp còn thiếu, chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của sản xuất.
Theo Sở NN&PTNT Phú Thọ, trong thời gian tới, ngành chăn nuôi gia cầm của tỉnh sẽ tập trung phát triển theo hướng khai thác tiềm năng thế mạnh, phát triển chăn nuôi thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, đáp ứng nhu cầu cho tiêu dùng trong nước. Đẩy mạnh tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Phát triển trang trại tập trung, công nghệ cao, đồng bộ theo chuỗi giá trị gắn với thị trường trong tỉnh và khu vực lân cận. Trong đó, phấn đấu đến năm 2020, tổng đàn gia cầm đạt 13,2 triệu con, trong đó, gà thịt 11,88 triệu con; sản lượng gia cầm đến năm 2020 đạt 37,265 nghìn tấn.
Nhằm đạt được các mục tiêu trên, các giải pháp cần triển khai thực hiện gồm: xây dựng mới Quy hoạch phát triển trang trại tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, quy hoạch phát triển chăn nuôi tỉnh Phú Thọ đến năm 2020. Căn cứ mục tiêu chương trình của tỉnh, các địa phương chủ động triển khai quy hoạch lâu dài, ổn định các vùng chăn nuôi tập trung, trang trại đến tận huyện, xã. Khuyến khích chuyển đổi, chuyển nhượng, dồn điền, đổi thửa, tạo quỹ để giao đất, cho thuê đất đối với các tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư khả thi đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Về con giống và phương thức chăn nuôi, tiếp tục chuyển dịch phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo hướng gia trại, trang trại công nghiệp và chăn nuôi có kiểm soát, đảm bảo an toàn dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất giống, các chủ trang trại nhập khẩu giống tốt có năng suất và chất lượng cao đưa vào sản xuất nhằm rút ngắn thời gian chăm sóc và nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, sử dụng thức ăn công nghiệp đối với các trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn, sử dụng thức ăn tự phối trộn từ nguồn nguyên liệu của địa phương đối với chăn nuôi nông hộ.
Mặt khác, xây dựng những vùng nguyên liệu tập trung, chuyên canh tạo nguồn nguyên liệu phục vụ chăn nuôi; khuyến khích, ưu tiên dành quỹ đất xây dựng nhà máy cho các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn nhằm giảm chi phí vận chuyển, giảm giá thành thức ăn chăn nuôi. Ứng dụng, đưa nhanh các biện pháp kỹ thuật mới, tiên tiến vào chăn nuoi nhằm thúc đẩy chăn nuôi hàng hóa, nâng cao chất lượng đàn, chất lượng thịt, giảm chi phí thức ăn. Đẩy mạnh ứng dụng xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng đệm lót sinh học, sử dụng men vi sinh nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Về công tác phòng, chống dịch bệnh, thực hiện tiêm phòng định kỳ hàng năm để phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm, chú trọng công tác quản lý dịch bệnh, khử trùng, tiêu độc, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y, đặc biệt là đối với hạt động thanh, kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện vệ sinh thú y của các điểm, đại lý, cửa hàng kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi nhằm đảm bảo việc cung ứng ra thị trường các loại thuốc thú y, vắc xin tiêm phòng và thức ăn chăn nuôi đủ tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người chăn nuôi. Xây dựng hệ thống thông tin, giám sát dịch bệnh từ tỉnh đến cơ sở nhằm sớm phát hiện dịch bệnh, có biện pháp bao vây, xử lý ổ dịch kịp thời, không để lây lan rộng./.