Là một trong những khu vực cung ứng nguồn tôm chủ yếu cho cả nước, các tỉnh ven biển Trung
đang tập trung kiểm soát, quản lý ATTP với mặt hàng này (Ảnh: thuysanvietnam.com.vn).
Phát huy vai trò của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản trong kiểm tra, giám sát ATTP với tôm
Theo Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), hiện nay, theo quy định của Luật ATTP, Nghị định số 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ và các thông tư, văn bản hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, việc kiểm tra, giám sát ATTP đối với các sản phẩm thủy sản nói chung và sản phẩm tôm nói riêng được thực hiện trong toàn bộ chuỗi sản xuất kinh doanh, bao gồm quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất ban đầu: Nuôi trồng, đánh bắt và quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, thu gom, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, kinh doanh.
Với công đoạn nuôi trồng, theo quy định hiện hành, Tổng cục Thủy sản kiểm tra, chứng nhận ATTP đối với cơ sở nuôi, quản lý thức ăn thủy sản, chất xử lý cải tạo môi trường; Cục Thú y kiểm tra, giám sát điều kiện vệ sinh thú y, quản lý thuốc thú y dùng trong nuôi trồng thủy sản và thực hiện giám sát dịch bệnh trong quá trình nuôi; Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản thực hiện chương trình giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật thủy sản nuôi.
Còn với công đoạn thu gom, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu: Cục quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản tổ chức kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm.
Trên cơ sở phân công quản lý nhiệm vụ, trong thời gian qua, Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản đã triển khai nhiều chương trình, kiểm tra giám sát ATTP với mặt hàng tôm khu vực miền Trung. Đó là chương trình giám sát dư lượng các chất độc hại trong tôm nuôi tại khu vực miền Trung
Theo đó, ở khu vực miền Trung, 59 vùng nuôi thuộc địa bàn 12 tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận được giám sát. Tôm sú, tôm thẻ chân trắng tại các cơ sở nuôi hoặc tại đại lý thu mua nguyên liệu, hoặc tại công đoạn tiếp nhận nguyên liệu của cơ sở chế biến thủy sản; tỷ lệ lấy mẫu giám sát đối với tôm sú là 100 tấn/mẫu, đối với tôm thẻ chân trắng là 150 tấn/mẫu. Các chỉ tiêu giám sát bao gồm hóa chất kháng sinh cấm, kháng sinh hạn chế sử dụng, thuốc diệt giun sán và ký sinh trùng, thuốc trừ sâu, kim loại nặng và thuốc nhộm.
Liên quan tới hoạt động kiểm tra, giám sát điều kiện đảm bảo ATTP đối với các cơ sở sản xuất, chế biến tôm khu vực miền Trung; kiểm tra, chứng nhận lô hàng tôm xuất khẩu, các Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản các tỉnh khu vực miền Trung thực hiện theo quy định tại Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 03/12/2014 của Bộ NN&PTNT. Kết quả kiểm tra, xếp loại (A, B, C) của các cơ sở được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và thủy sản cũng tiến hành kiểm tra điều kiện đảm bảo ATTP của các cơ sở chế biến xuất khẩu tôm được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 48/2013/TT-BNNPTNT ngày 12/11/2013 của Bộ.
Thống kê của Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản cho thấy, hiện tại, trên địa bàn khu vực Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận đã có tổng cộng 46 nhà máy chế biến thủy sản được Cục kiểm tra chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP để sản xuất các sản phẩm tôm xuất khẩu, trong đó có 11 cơ sở xếp hạng 1, 30 cơ sở xếp hạng 2 và 05 cơ sở xếp hạng 3, không có cơ sở xếp hạng 4.
Cần đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý ATTP với tôm
Quây lưới trên khu vực nuôi tôm (Ảnh: HNV).
Thực tiễn công tác kiểm tra, giám sát của Cục thời gian qua cũng cho thấy rõ là, trong toàn bộ chuỗi sản xuất kinh doanh thủy sản nói chung, tôm nói riêng, rủi ro về ATTP tập trung chủ yếu ở khâu nuôi trồng. Tình trạng lạm dụng hóa chất kháng sinh, chất cải tạo xử lý môi trường trong nuôi tôm tại khu vực miền Trung mặc dù đã giảm trong những năm gần đây nhưng vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt.
Do đó, Cục đề xuất triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP và Chỉ thị số 4361/CT-BNN-TY ngày 30/5/2016 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về việc tăng cường công tác thú y thủy sản bao gồm:
Thứ nhất, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm trong kinh doanh, sử dụng thức ăn thủy sản, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản. Đồng thời tổ chức thông tin tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản, sử dụng thuốc thú y để tránh tồn dư hóa chất, kháng sinh làm ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Thứ hai, Tổng cục Thủy sản và Cục Thú y tiếp tục tuyên truyền phổ biến để các cơ sở nuôi trồng thủy sản tuân thủ đúng các quy định về sử dụng thuốc thú y trong quá trình nuôi.
Thứ ba, Cục Thú y tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát và các cơ sở kinh doanh thuốc thú y và xử lý vi phạm theo quy định.
Thứ tư, Tổng cục Thủy sản phối hợp Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục tuyên truyền và hướng dẫn các địa phương quy trình nuôi thủy sản an toàn.
Thứ năm, các doanh nghiệp chế biến thủy sản tiếp tục tăng cường kiểm soát hóa chất kháng sinh đối với các lô nguyên liệu thủy sản để chế biến thông qua việc giám sát chặt chẽ hoạt động nuôi trồng thủy sản tại các cơ sở nuôi cung cấp nguyên liệu, đồng thời thường xuyên giám sát Chương trình quản lý chất lượng để đảm bảo biện pháp kiểm soát hóa chất kháng sinh phù hợp khi tiếp nhận nguyên liệu./.