Quảng Nam: Kinh nghiệm chuyển đổi cây trồng trên đất lúa ở Quảng Nam

Thứ sáu, 25/09/2015 17:11

(ĐCSVN) – Sau khi Quảng Nam đã chuyển đổi thành công từ sản xuất 3 vụ sang còn sản xuất 2 vụ lúa/năm (chuyển hoàn toàn sang 2 vụ từ năm 2002) và ngành nông nghiệp tỉnh có điều tra, đánh giá đề xuất các mô hình chuyển đổi cây trồng trên từng chân đất, trong đó có trên chân đất lúa thì công tác này dần được triển khai rõ nét hơn và nhân rộng trong những năm gần đây.

 

Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để việc chuyển đổi hiệu quả (Ảnh: HNV)


Theo thống kê, hiện, tỉnh Quảng Nam có hơn 41.000 ha đất chuyên trồng lúa nước (không kể hơn 5.000 ha đất lúa rẫy và lúa gieo không có nước tưới), trong đó đã bố trí luân canh lúa - màu gần 3.000 ha (chủ yếu vùng mặn, hạn). Trong nhiều năm qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Nam đã thường xuyên khuyến cáo nông dân chuyển đổi đất lúa bấp bênh về nước tưới sang cây trồng cạn khác có hiệu quả cao hơn và hướng lấy giá trị và hiệu quả sản xuất làm mục tiêu phấn đấu.

Tuy nhiên, các diện tích đất này lại gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất cây trồng cạn như: Đất ở các vùng trung du thưòng có địa hình bậc thang, manh mún khó cơ giới hoá, nhiều diện tích dễ bị úng ngập khi có mưa lớn, tầng canh tác đất mỏng và dạng đất sét nên rất khó để vận động chuyển đổi cây trồng có hiệu quả. Diện tích đã được chuyển đổi hoàn toàn từ cây lúa sang cây trồng cạn như ngô, đậu phụng còn rất ít, năm 2012 mới thực hiện được khoảng 300 ha. Đến nay, có trên 1.400 ha đất lúa được chuyển đổi sang cây trồng khác. Tại một số diện tích có điều kiện, nông dân đã thực hiện việc luân canh cây trồng đem lại hiệu quả cao. Diện tích luân canh cây trồng khoảng trên 5.000 ha.

Để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, tỉnh Quảng Nam đã ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” (Quyết định số 2577/QĐ-UBND ngày 20/8/2013). Theo đó, từ vụ Đông Xuân 2013-2014 đến nay, nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Nam đã hướng dẫn nông dân chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác hoặc thực hiện các công thức luân canh, xen canh để có hiệu quả cao hơn. Kết quả bước đầu cho thấy, cây trồng trong mô hình chuyển đổi đều cho năng suất cao và lợi nhuận đem lại cao hơn so với sản xuất lúa trong cùng thời vụ, trên cùng chân đất.

Thuận lợi, khó khăn trong công tác chuyển đổi cây trồng

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, việc tiến hành chuyển đổi cây trồng trên địa bàn tỉnh có nhiều thuận lợi, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp Bộ, Ngành Trung ương; sự lãnh đạo sâu sát của tỉnh (UBND tỉnh đã Ban hành chương trình hành động để thực hiện đề án tái cơ cấu ngành); sự đồng thuận và hưởng của các cấp các ngành từ tỉnh đến địa phương. Các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững nên mô hình được sự tập trung chỉ đạo của các cấp các ngành; sự phối hợp tích cực của Chính quyền địa phương và các đoàn thể.

Tuy nhiên, cũng vẫn còn nhiều khó khăn như: việc chuyển đổi đất lúa bấp bênh về nước tưới sang cây trồng cạn ngắn ngày gặp rất nhiều khó khăn: Thiếu nước tưới; đất ở những vùng trung du thường có địa hình bậc thang, lô thửa manh mún khó cơ giới hoá, đất có tầng canh tác mỏng và dạng đất sét nên rất khó vận động chuyển đổi cây trồng có hiệu quả.

Việc chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác cũng gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm (giá thị trường không ổn định). Do vậy, công tác chuyển đổi còn ở diện hẹp, mức thăm dò, manh mún. Có ít các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ, sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm nên thị trường tiêu thụ không ổn định; nhất là nhóm rau quả thực phẩm giá bán biến động thường xuyên theo cung cầu là yếu tố chi phối lớn nhất.

Thêm nữa, nông dân nhiều địa phương chưa thực sự muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vì nhiều lý do như: Quen với việc trồng lúa, cây lúa dễ làm hơn (cây lúa hiện nay đã cơ giới hóa ở nhiều khâu sản xuất), thiếu lao động trẻ - khoẻ, hiệu quả một số cây trồng chuyển đổi khác biệt với cây lúa không nhiều (so sánh trên 01 ha là lớn nhưng trên diện tích canh tác của từng hộ lại không lớn, vì trung bình chỉ vài sào/hộ). Đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật công nghệ, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, cơ chế chính sách hỗ trợ để khuyến khích phát triển cây trồng cạn hiệu quả, bền vững còn chưa được chú trọng so với lúa.

Một số bài học kinh nghiệm trong công tác chuyển đổi cây trồng

Một là, việc chuyển đổi thành công từ sản xuất 3 vụ sang chỉ sản xuất 2 vụ lúa/năm là một tiền đề, một cơ sở quan trọng cho công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng nói chung, trong đó có trên chính chân đất lúa. Bên cạnh đó, tỉnh có các chủ trương đúng đắn và kịp thời như: Phát triển thủy lợi hóa đất màu, kiên cố hóa kênh mương, giao thông nội đồng, khuyến khích phát triển cơ gới hóa...tạo điều kiện cho công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt được những kết quả nhất định.

Hai là, công tác quy hoạch phải được triển khai thật chi tiết, cụ thể cho từng cánh đồng, gắn với quy hoạch sản xuất theo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chuyển đổi phải thực hiện cho cả một cánh đồng, tránh tình trạng da beo (xen giữa sản xuất cây trồng cạn với sản xuất lúa).

Ba là, từng địa phương phải có đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng cụ thể, trong đó từng chân đất khuyến cáo mô hình canh tác phù hợp (cả điều kiện canh tác với thị trường tiêu thụ). Nhà nước có chính sách hỗ trợ công tác chuyển đổi (từ nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật công nghệ, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất đến hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất...).

Bốn là, ưu tiên mở rộng những mô hình canh tác mà trong đó các cây trồng có đầu ra ổn định như: ngô, lạc (đậu phụng), đậu xanh, đậu cove. Các cây rau quả, thực phẩm nên hạn chế với quy mô nhất định, mở rộng phải theo nhu cầu thị trường.

Năm là, gắn kết chặt chẽ 4 nhà, trong đó mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân là rất quan trọng, giúp giảm bớt các khâu trung gian trong chuỗi giá trị sản phẩm nông sản, nâng cao giá trị gia tăng và sản xuất bền vững hơn.

Từ thực tế và kinh nghiệm triển khai, Quảng Nam cũng xác định: các mô hình chuyển đổi phải tập trung thực hiện các mục tiêu của tái cơ cấu ngành trồng trọt theo Quyết định số 2577/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Nam về việc triển khai thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”; gắn chặt với thị trường, lấy các yêu cầu của thị trường và từng bước tạo ra mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp với nông dân, giữa sản xuất với tiêu thụ nông sản.

Đồng thời, các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải trên cơ sở tình hình thực trạng của từng địa phương, gắn với quy hoạch nông thôn mới. Các mô hình phải đáp ứng yêu cầu nâng cao thu nhập cho nhân dân, tạo ra việc làm tại chỗ có thu nhập cao, góp phần ổn định chính trị - xã hội.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực