(ĐCSVN) - Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, qua 2 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, kinh tế nông nghiệp của tỉnh liên tục phát triển ở mức cao và tương đối ổn định, trong đó tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2011-2015 bình quân đạt 3,8%/năm.
|
Mô hình nuôi hàu treo dây tại Quảng Ninh. (Ảnh: BT) |
Kết quả cụ thể, cơ cấu cây trồng chuyển đổi theo hướng tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực gắn với khai thác lợi thế so sánh theo từng địa phương và vùng sinh thái, góp phần nâng cao sản phẩm và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, tỉnh đã hình thành được nhiều vùng trồng lúa với diện tích rộng, các vùng trồng rau, hoa, cây ăn quả tập trung.
Về chăn nuôi, đã hình thành các vùng chăn nuôi lợn tập trung với hình thức chăn nuôi trang trại, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung với diện tích gần 2.000ha gắn với các khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Về lâm nghiệp, tổng diện tích đất có rừng của tỉnh đạt 355.767ha, độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 53,5% năm 2014; sản lượng khai thác hàng năm đạt 429.750m3 gỗ rừng trồng, chế biến gỗ 6.545m3. Các sản phẩm lâm sản của Quảng Ninh đã được xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Về thủy sản, Quảng Ninh có bờ biển dài 250km, diện tích mặt biển trên 6.000 km2, có diện tích rừng ngập mặn và bãi triều có lợi thế nuôi nhiều giống hải sản có giá trị kinh tế cao. Trong đó, ngành đã quy hoạch được vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, phát triển các đối tượng nuôi chủ lực có giá trị kinh tế như: tôm chân trắng, cá rô phi, tu hài, cá song, cua biển. Bên cạnh đó, việc chuyển dịch các lĩnh vực trong nội ngành tích cực, số tàu nhỏ giảm, số tàu có công suất 90CV trở lên hoạt động xa bờ tăng nhanh, tăng diện tích thâm canh, năng lực sản xuất giống thủy sản tăng cao so với những năm trước. Đồng thời, ngành thủy sản đã xây dựng được các sản phẩm có thương, tạo việc làm tăng thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo trật tự an toàn xã hội ở vùng nông thôn, đặc biệt là vùng biển đảo. Với những kết quả đạt được, kinh tế thủy sản tiếp tục khẳng định là ngành quan trọng trong kinh tế nông nghiệp, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao.
Nhìn chung, sau 2 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Quảng Ninh đã đạt được những kết quả khá toàn diện. Nông nghiệp tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng khá, đạt 4% năm 2014 theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; một số mặt hàng xuất khẩu có vị thế trên thị trường thế giới. Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề, các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được đổi mới; kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được tăng cường, bộ mặt vùng nông thôn ngày càng được cải thiện.
Bên cạnh đó, chương trình xây dựng thương hiệu nông sản, chương trình mỗi xã phường một sản phẩm đang được triển khai quyết liệt là cầu nối trong việc tiêu thụ sản phẩm cho nông dân và tạo ra các sản phẩm có thương hiệu đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Các vùng sản xuất tập trung bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực cho sản xuất, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Công tác đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật được quan tâm, chú trọng; công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm được tăng cường, việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản được đẩy mạnh.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh vẫn còn một số hạn chế, tồn tại. Trong đó, ngành nông nghiệp phát triển vẫn còn chưa bền vững, tốc độ tăng trưởng giảm dần, sức cạnh tranh thấp, chưa phát huy tốt nguồn lực cho phát triển sản xuất. Quy mô sản xuất nhỏ phân tán, kinh tế hợp tác yếu, liên kết chuỗi mới hình thành và chưa phát triển ổn định, đồng bộ; năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng hàng nông sản thấp. Ngành nông nghiệp trong thời gian qua chủ yếu tăng trưởng theo chiều rộng thông qua tăng diện tích, tăng vụ,…Do vậy, cũng bộc lộ những yếu kém nội tại như đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn còn thấp, môi trường ô nhiễm, tài nguyên và đa dạng sinh học suy giảm, năng lực thích ứng, đối phó với thiên tai còn nhiều hạn chế.
Nhằm thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015-2020, UBND tỉnh Quảng Ninh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) ban hành quy định chức danh, biên chế số lượng thuyền viên tối thiểu trên tàu cá cho phù hợp với từng loại tàu, loại nghề; ban hành quy định về quản lý chất lượng lồng bè nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, Bộ NN&PTNT sớm phê duyệt Chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030 làm cơ sở để các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường cho các vùng nuôi, đặc biệt là các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Hỗ trợ tỉnh xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản. Sớm xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy việc phát triển các hình thức liên kết trong sản xuất, quan tâm nhiều hơn nữa đến cơ chế chính sách đối với Hợp tác xã nông nghiệp và doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, hỗ trợ ngân sách cho địa phương để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư trọng điểm, tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông thôn./.