Sơ kết tình hình sản xuất hạt giống lúa lai F1 vụ Đông Xuân 2015-2016

Thứ hai, 13/06/2016 14:45
(ĐCSVN) - Ngày 11/6, tại Nam Định, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) đã tổ chức Hội nghị đầu bờ và sơ kết các Dự án sản xuất hạt giống lúa lai F1 và duy trì, nhân dòng bố mẹ lúa lai vụ đông xuân 2015 - 2016.

Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (PTNT) Lê Quốc Doanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan; lãnh đạo các cục, vụ, viện, các nhà khoa học đầu ngành, các cơ quan liên quan thuộc Bộ NN&PTNT; đại diện lãnh đạo và chuyên viên Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố Nam Định, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An; đại diện Chi cục Bảo vệ Thực vật, Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Nam Định; lãnh đạo UBND, phòng NN&PTNT, Trạm Khuyến nông các huyện Trực Ninh, Xuân Trường, Hải Hậu; đại diện lãnh đạo UBND các xã Trực Hùng, Trực Thái, Trực Đại, Trực Phú, Xuân Ninh, Trung Đông, Xuân Thượng và đại diện các hộ nông dân tiêu biểu tham gia Dự  án sản xuất hạt lai F1 và nhân dòng bố mẹ lúa lai.

Thăm mô hình trình diễn tại xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định (Ảnh: Việt Oanh)

Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ, năm 2015, Dự án đã triển khai 920 ha tại 11 tỉnh, thành phố: Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Nam, Đắc Lắc, Hậu Giang và Cần Thơ. Tổng lượng hạt lai F1 đạt được 2.450 tấn, đạt 102,5% kế hoạch năm 2015, tăng 7,8% so với năm 2014 và đạt 37,7% so với tổng sản lượng kế hoạch 3 năm của Dự án. Trong năm này, đã tổ chức 91 lớp tập huấn đào tạo được 5216 lượt nông dân, 3 hội thảo vùng với 500 người tham dự, phát hành 10.000 tờ gấp phổ biến kỹ thuật, 30 phút phóng sự, 12 tin bài trên các báo, trang tin khuyến nông. Kết quả, giống F1 được dự án sản xuất ra đều tiêu thụ hết, giá bình quân từ 48.000-  55.000 đồng/kg, giảm 8.000- 15.000 đồng/kg (12- 20%) so với giống cùng loại nhập khẩu. Thu nhập bình quân của người sản xuất giống F1 đạt 40- 60 triệu đồng/ha, gấp 2- 3 lần so với sản xuất lúa thuần. Với tổng sản lượng giống F1 của Dự án là 2.450 tấn, chỉ tính bình quân giá bán thấp hơn giá nhập khẩu 10.000 đồng/kg, đã tiết kiệm được khoảng 24,5 tỷ đồng. Đồng thời, với 2450 tấn giống F1, dự kiến gieo cấy khoảng 80.000 ha thóc thương phẩm. Ước tăng năng suất bình quân 10 tạ/ha, sản lượng tăng khoảng 80.000 tấn thóc, tương đương 480- 500 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Cục Trồng trọt, kết quả của Dự án đã góp phần nâng khả năng cạnh tranh của hạt giống F1 sản xuất trong nước so với hạt giống nhập khẩu, do chất lượng không thấp hơn nhưng giá thành và giá bán thấp hơn từ 15- 20%. Trên thực tế, tổng lượng và giá nhiều loại lúa lai F1 nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm khoảng 20- 30%.

Từ thành công của các mô hình trong Dự án năm 2015, vụ Đông Xuân 2015- 2016, trên địa bàn cả nước có 12 đơn vị tham gia sản xuất hạt giống lúa lai F1 tại 11 tỉnh, thành phố với quy mô tổng số 1464,5 ha. Trong vùng dự án có 9 đơn vị tham gia thực hiện tại 8 tỉnh Lào Cai, Hà Nam, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Nam, Đăk Lăk, Cần Thơ và Hậu Giang với tổng diện tích 720 ha, chiếm 49,2% tổng diện tích sản xuất hạt F1 và đạt 66,7% kế hoạch năm 2016 của Dự án. Bên cạnh đó, 9 đơn vị còn mở rộng thêm diện tích sản xuất hạt giống F1 với tổng diện tích 744,5ha.

Các tổ hợp lúa lai F1 chủ yếu được gieo cấy gồm: Các tổ hợp lúa lai 3 dòng LC 25, CT16, Nhị ưu 838, Bác ưu 903, Bác ưu 903 KBL, HR182, Nam ưu 209 gieo cấy với quy mô 630 ha chiếm 87,5%; Các tổ hợp lúa lai 2 dòng: Th3-5, VL20 với quy mô sản xuất 90 ha chiếm 12,5%.

Nguồn giống bố mẹ do Việt Nam nhân trong nước từ Dự án “Duy trì và nhân dòng bố, mẹ lúa lai năm 2015” gieo cấy được 460 ha chiếm 63,9% tổng diện tích của Dự án sản xuất hạt giống F1 và nguồn giống bố, mẹ nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ chiếm 36,1% diện tích. Tất cả các đơn vị sản xuất hạt giống lúa lai F1 đều tuân thủ các yêu cầu kiểm soát chất lượng theo tiêu chuẩn của ngành. Các lô giống bố, mẹ đều được kiểm nghiệm trước khi gieo.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đã ghi nhận và biểu dương kết quả của Dự án, đồng thời cũng đánh giá cao sự cố gắng của các doanh nghiệp tham gia dự án. Thời gian tới, Thứ trưởng mong muốn: TTKNQG chủ trì, cùng với các cục, vụ, viện, địa phương đánh giá sâu sắc quá trình sản xuất hạt lai F1; tổng kết, đúc rút kinh nghiệm trên tất cả các mặt từ kinh nghiệm chỉ đạo, tổ chức sản xuất, các vấn đề về kỹ thuật đến vấn đề về lực lượng, con người. Bên cạnh đó, cần xác định rõ hơn các tổ hợp lợi thế trong sản xuất thương phẩm; xác định vùng sản xuất cho lúa lai F1 để giảm rủi ro, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời, nên có sự liên kết, lồng ghép các chương trình , dự án của Bộ để các chương trình, dự án này phát huy tối đa lợi thế, có được hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng cho biết thêm, Bộ luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư và phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp. Bộ sẽ sửa đổi cơ chế chính sách, để các doanh nghiệp có cơ hội thuận lợi hơn trong thời gian tới.

Nhân dịp này, các đại biểu đã thăm mô hình trình diễn thuộc Dự án trên diện tích 35 ha, tổ hợp nhị ưu 838 do Công ty TNHH Cường Tân triển khai tại xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

HA.NV
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực