Ảnh minh họa (Ảnh: BT)
Nuôi tôm nước lợ được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của Sóc Trăng với hai đối tượng chủ lực là tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh liên tục gia tăng từ năm 1996 với 24.000ha lên 41.000ha năm 2000 và đến thời điểm hiện nay ổn định ở mức 45.000ha. Riêng năm 2016, toàn tỉnh đã thả nuôi 46.520ha diện tích tôm nước lợ, vượt 3,4% so với kế hoạch. Trong đó, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 26.224ha, tăng 1,1 lần so với cùng kỳ năm 2015.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện khá nhiều mô hình nuôi tôm luân canh, nuôi ghép như: mô hình lúa – tôm thẻ chân trắng, tôm thẻ chân trắng - cá rô phi với mật độ thấp 20-40 con/m2. Thời gian nuôi ngắn, tôm đạt kích cỡ lớn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững cho người nông dân.
Dù vậy, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Sóc Trăng, với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, khuyến cáo các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng chỉ nên thả nuôi 2 vụ/năm, ngoài ra có thể áp dụng các mô hình lúa – tôm thẻ chân trắng, tôm thẻ chân trắng - cá rô phi với mật độ phù hợp với công trình ao nuôi và vốn đầu tư để hướng tới mô hình phát triển bền vững. Tuy nhiên, trên thực tế do lợi nhuận cao, nhiều hộ nuôi bất chấp sự khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, vẫn thả nuôi với mật độ dày (trên 100 con/m2), thả nhiều vụ/năm, không phù hợp với công trình ao nuôi, cơ sở hạ tầng, điện, vốn đầu tư, kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi. Từ đó, dẫn đến lượng thức ăn đưa vào ao tăng, áp lực môi trường lớn cùng với sự biến đổi thất thường của thời tiết làm mầm bệnh phát triển nhanh và dịch bệnh tôm tăng cao.
Mặt khác, một số hộ nuôi do thiếu vốn đầu tư do nhiều nguyên nhân nên công trình ao nuôi cải tạo chưa đạt yêu cầu kỹ thuật. Vì vậy, khi nắng nóng kéo dài, mực nước trong ao xuống thấp 0,6-0,8m và thiếu nước cấp vào ao nuôi, đồng thời dễ phát sinh dịch bệnh. Cùng với đó, hệ thống thủy lợi dù được đầu tư, tuy nhiên một số kênh nhanh bị bồi lắng dẫn đến một số vùng nuôi vẫn bị thiếu nước cung cấp và tiêu thoát. Công tác tổ chức sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ và manh mún, phương thức sản xuất hầu hết theo tập quán và kinh nghiệm dân gian, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế. Mối liên kết “bốn nhà” trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm thực hiện sâu rộng.
Nhằm tạo điều kiện thúc đẩy nghề nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh phát triển, Sở NN&PTNT Sóc Trăng kiến nghị Tổng cục Thủy sản tham mưu Bộ NN&PTNT xây dựng quy hoạch phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng quảng canh, quảng canh cải tiến tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; thực hiện chỉ đạo điểm, rà soát lại những vùng nuôi không hiệu quả và mạnh dạn chuyển đổi, đánh giá hiệu quả và nhân rộng. Tiếp tục tham mưu Bộ NN&PTNT để tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định về sản xuất, chế biến và tiêu thụ tôm nước lợ, đồng thời hỗ trợ tỉnh trong công tác xử lý số liệu, cảnh báo, dự báo môi trường vùng nuôi. Quản lý chặt chẽ chất lượng vật tư đầu vào, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; hình thành trung tâm giống quốc gia để duy trì nguồn giống sạch bệnh, kháng bệnh.
Kiến nghị Cục Thú y quản lý chặt chẽ vấn đề kiểm dịch và nguồn nhập khẩu tôm bố mẹ, đồng thời hỗ trợ các địa phương tổ chức các khóa tập huấn cho cán bộ địa phương thực hiện nhiệm vụ liên quan đến nuôi trồng thủy sản (nhất là các cán bộ thú y, xã, trưởng ban ấp,…), phương án nắm và báo cáo tình hình dịch bệnh kịp thời. Các Viện, trường tiếp tục quan tâm nghiên cứu mật độ nuôi tôm thẻ thích hợp với điều kiện từng vùng, mang lại hiệu quả kinh tế cao và nhân rộng đến bà con nông dân./.