Trong khi các vườn nhãn của nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đang phải lao đao vì bệnh chổi rồng hoành hành, thậm chí nhiều nhà vườn phải chặt bỏ vì cây nhãn không thể phục hồi phát triển thì vườn nhãn của ông Nguyễn Thanh Tâm (còn gọi là Ba Xê) ở ấp Phú Tây, xã An Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng lại phát triển rất tốt, không hề có dấu hiệu của bệnh chổi rồng tấn công. Thành quả này là nhờ ông Ba Xê phát hiện ra giống nhãn mới, có khả năng kháng bệnh chổi rồng.
|
Chùm và trái nhãn. (Nguồn: nongnghiep.vn) |
Ông Ba Xê cho biết, giống nhãn lạ này được ông phát hiện từ năm 2012, ban đầu ông trồng 2 cây, sau một thời gian không thấy bị lây nhiễm bệnh chổi rồng dù được trồng sát với các cây đã bị nhiễm bệnh chổi rồng nặng. Để cho “chắc ăn”, ông quyết định thử nghiệm ghép giống nhãn này với các gốc nhãn da bò của gia đình cũng đang bị nhiễm bệnh chổi rồng. Sau thời gian theo dõi, kết quả giống nhãn này tiếp tục phát triển tốt và không hề có dấu hiệu bị lây nhiễm. Trong khi đó các nhánh, chồi mọc ra từ gốc nhãn da bò thì tiếp tục bị bệnh tấn công.
Theo ông Ba Xê, giống nhãn này có khả năng kháng bệnh rất mạnh với gần 100% cây kháng được bệnh chổi rồng. Đặc tính của loại nhãn này giống như nhãn da bò, thích nghi với cả vùng đất kém màu mỡ, năng suất tương đương, giá bán cao hơn. Vụ nhãn năm nay, trong khi giá nhãn da bò là 8.200 đồng/kg, nhãn này bán buôn cho các mối ở chợ là 20.000 đồng/kg, cao hơn gấp 2 lần nhãn da bò. "Mình làm vườn mà bán được giá và được thị trường chấp nhận là vui lắm" - Ông Ba Xê nói.
Từ đặc tính kháng được bệnh chổi rồng của giống nhãn mới này, ông Ba Xê quyết định nhân rộng ra trên gần 60 gốc nhãn đang bị bệnh chổi rồng. Sau 3 năm trồng, đến nay nhãn tiếp tục phát triển xanh tốt. Ông cũng đã thử nghiệm cho 10 cây đều cho ra quả nhiều, trái lớn, hạt nhỏ, cơm dày và vị rất thơm ngon, được người tiêu dùng chấp nhận. Hiện, các gốc ghép còn lại cũng đang được ông tích cực chăm sóc, chuẩn bị cho trái.
Giống nhãn này hiện được gia đình ông Ba Xê cùng ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Viện cây ăn quả miền Nam kiểm định và xác định tên tuổi. Đồng thời tiếp tục theo dõi về tính ổn định trong sinh trưởng, năng suất và lượng quả; khảo sát thêm các đặc điểm hình thái, sinh học, tính chống chịu sâu bệnh của giống nhãn này, đặc biệt là bệnh chổi rồng trước khi giới thiệu đến các nhà vườn khác.
Tin lành đồn xa, nhiều nhà vườn xung quanh biết được ưu điểm của giống nhãn này đã tìm đến nhà ông Ba Xê tham quan và đặt mua giống về trồng thử. Với việc bệnh chổi rồng tiếp tục tàn phá vườn nhãn chưa cho thấy dấu hiệu dừng lại, đồng thời các biện pháp phòng trừ, khắc phục chưa mang lại hiệu quả cao thì việc phát hiện giống nhãn mới có khả năng kháng tốt loại bệnh này sẽ là dấu hiện tích cực để các nhà vườn trồng nhãn chọn để phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Theo ông Vũ Bá Quan, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Kế Sách thì Phòng Nông nghiệp sẽ phối hợp với ông Ba Xê và các cơ quan liên quan thực hiện khảo nghiệm thêm giống nhãn này. Khi có kết quả tích cực ngành sẽ tổ chức hội thảo để giới thiệu đến bà con nhà vườn hiện đang trồng nhãn tiêu da bò bị bệnh chổi rồng không có khả năng phục hồi được sẽ chuyển trồng giống nhãn mới có tính chống chịu tốt các bệnh này./.