|
Ảnh minh họa (Ảnh: BT) |
Hiện, các giống lúa nhiễm đạo ôn, nhiễm rầy, sâu cuốn lá nhỏ vẫn đang được gieo trồng phổ biến trên đồng ruộng; đồng thời, thời tiết đầu vụ ấm và theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, thuận lợi cho dịch hại phát sinh gây hại trên cây trồng. Tuy thành phần dịch hại lúa khả năng không thay đổi so cùng vụ những năm trước, nhưng phát sinh sớm hơn và một số dịch hại chính phát sinh cao hơn so trung bình nhiều năm gần đây. Dự báo dịch hại trên lúa Đông Xuân 2014-2015 về sâu cuốn lá nhỏ, trong vụ diện tích nhiễm cộng dồn khoảng 330 nghìn ha, cao hơn trung bình những năm gần đây và tương đương vụ Đông Xuân 2010. Sâu tập trung tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và một số tỉnh phía Bắc khu 4.
Cụ thể, tại các tỉnh khu 4, lứa 1 phát sinh mật độ thấp, diện tích hẹp từ cuối tháng 2 đến hạ tuần tháng 3/2015 trên lúa cuối đẻ nhánh đến đứng cái tập trung tại Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình. Lứa 2 sâu non gây hại từ đầu đến giữa tháng 4/2015 trên lúa giai đoạn đòng trỗ. Mật độ và diện tích cao hơn nhiều so với lứa 1 và khả năng ảnh hưởng đến năng suất tại các tỉnh trong vùng, đặc biệt là trên lúa Xuân muộn tại các huyện miền núi.
Tại các tỉnh Bắc bộ, lứa 1 sâu non hại diện tích hẹp từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 4 trên lúa sớm giai đoạn đẻ rộ. Khả năng gây hại thấp nhưng có ý nghĩa tích lũy số lượng cho lứa sau. Lứa 2, sâu non phát sinh gây hại diện rộng, mật độ cao từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 5/2015 trên lúa giai đoạn đứng cái đến làm đòng, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lúa. Các tỉnh đồng bằng sông Hồng, nhất là các tỉnh ven biển như Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh, Nam Định có mật độ sâu cao. Lứa 3 sâu non hại diện hẹp, mật độ thấp vào giữa tháng 5 đến cuối tháng 5/2015 trên trà lúa muộn giai đoạn đòng – trỗ, xanh tốt, thừa đạm.
Về bệnh rầy nâu, rầy lưng trắng, rầy xanh, trong vụ, diện tích nhiễm cộng dồn khoảng 260 nghìn ha, trong đó nhiễm nặng 55 nghìn ha, cao hơn trung bình những năm gần đây. Rầy phân bố rộng và gây cháy cục bộ trên lúa chắc xanh – đỏ đuôi, nhất là những diện tích gieo sạ dày, bón nhiều đạm, những diện tích bị hạn,…
Về bệnh đạo ôn, bệnh đạo ôn lá, phát sinh, gây hại trên lúa đẻ nhánh rộ đến đứng cái và cuối tháng 2, cao điểm gây hại nặng từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 4/2015. Các tỉnh Bắc Trung bộ, Tây Bắc bộ bệnh phát sinh trước, tiếp đến các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Bệnh hại nặng các ruộng gieo trồng giống nhiễm nặng, bón thừa đạm, bón muộn, vùng bị thiếu nước, nhất gặp điều kiện trời âm u, mưa, ẩm.
Bên cạnh đó, bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh, gây hại trên lúa trỗ đến chắc xanh tại những vùng đã bị nhiễm đạo ôn lá chưa được phòng trừ, hoặc phòng trừ chưa tốt. Ngoài ra, cần tập trung theo dõi và phòng chống tích cực do chuột phát sinh và gây hại tăng ngay từ đầu vụ, đặc biệt đối với vùng gieo sạ và trên lúa giai đoạn đẻ nhánh – làm đòng, khả năng cao hơn cùng vụ năm 2014.
Nhằm thực hiện công tác phòng trừ sâu bệnh gây hại trên lúa, theo Cục Bảo vệ Thực vật, các tỉnh cần tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ. Trong đó, tiến hành tổ chức tập huấn, hướng dẫn đến hộ nông dân thực hiện bón phân cân đối, bón sớm, tập trung theo nhu cầu sinh trưởng của cây, không bón thừa đạm, tưới nước hợp lý,…Chủ động nhận định, dự báo tình hình phát sinh dịch hại cho từng vùng, từng thời gian; xây dựng kế hoạch và phương án xử lý kịp thời thông báo, tham mưu với chính quyền các cấp chỉ đạo phòng trừ hiệu quả, không để lây lan trên diện rộng.
Mặt khác, tiếp tục tăng cường phòng trừ chuột, bảo vệ mùa màng. Trong đó, tổ chức, phát động cộng đồng đồng loạt ra quân diệt chuột vào giai đoạn chuyển tiếp giữa 2 vụ gieo trồng và 2-3 đợt/vụ. Tăng cường công tác điều tra giám sát, nắm chắc diễn biến tình hình dịch hại trên đồng ruộng; nâng cao hiệu quả của hệ thống bẫy đèn, từ đó, dự tính dự báo chính xác thời gian phát sinh, mức độ gây hại, vùng phân bố của các đối tượng dịch hại trên địa bàn.
Thêm vào đó, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, đặc biệt là cơ quan thông tin đại chúng nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân kỹ thuật phòng trừ dịch. Nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ của Chi cục Bảo vệ Thực vật các tỉnh; tham mưu kịp thời với các cấp chính quyền về tổ chức chỉ đạo và thực hiện phòng trừ dịch hại, nhất là ở các tỉnh đã có dịch phát sinh gây hại. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm dịch nội địa; ngăn chặn kịp thời dịch hại, kiểm dịch thực vật từ nước ngoài vào./.