(ĐCSVN) - Nhằm hướng tới giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng mô hình chăn nuôi xanh, bảo vệ môi trường, theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), ngành cần triển khai đồng bộ các giải pháp thiết thực. Trong đó, việc xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật cho xử lý chất thải rắn, lỏng đặc thù cho từng loại vật nuôi là nhiệm vụ quan trọng.
|
Nghiên cứu các giải pháp xử lý chất thải là nhiệm vụ quan trọng nhằm xây dựng mô hình chăn nuôi xanh, sản phẩm an toàn (Ảnh minh họa: BT) |
Theo Cục Chăn nuôi, những năm qua, chất thải rắn và lỏng từ vật nuôi được xử lý thông qua các biện pháp chủ yếu như ủ làm phân chuồng, xử lý bằng công nghệ khí sinh học, xử lý bằng các chế phẩm sinh học. Theo số liệu điều tra năm 2013 của Cục Chăn nuôi, tỷ lệ sử dụng biogas ở trang trại và nông hộ tương ứng là 31,79% và 4,08%; tỷ lệ trang trại và nông hộ sử dụng đệm lót sinh học tương ứng 6,37% và 1,08%; 6,28% số trang trại chưa áp dụng biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi, trong khi còn tới 37,28% số nông hộ chưa áp dụng bất kỳ biện pháp xử lý chất thải nào.
Bên cạnh đó, vùng có tỷ lệ áp dụng các biện pháp xử lý chất thải cao nhất là Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Hồng với gần 90% chất thải chăn nuôi được xử lý, tiếp đến là vùng Trung du miền núi phía Bắc (gần 70% chất thải được xử lý) và thấp nhất là vùng Tây Nguyên với 97,4% lượng chất thải chăn nuôi thải ra môi trường chưa qua các biện pháp xử lý.
Những năm qua, triển khai về nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, ngành đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, Cục Chăn nuôi đã phối hợp với Sở NN&PTNT các tỉnh tổ chức các hội thảo, hội nghị tập huấn phổ biến và triển khai thực hiện các văn bản quy định về môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi. Đồng thời tổ chức. kiểm tra công tác quản lý môi trường trong chăn nuôi tại nhiều địa phương, vì vậy việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong chăn nuôi tại các địa phương đã có những chuyển biến tích cực, tình hình ô nhiễm môi trường do chăn nuôi bước đầu được cải thiện. Theo kết quả khảo sát của Cục Chăn nuôi, tính đến tháng 11/2013, cả nước có 55/63 tỉnh, thành phố có các mô hình áp dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi ở 752 trang trại và 61.449 hộ gia đình, với tổng diện tích là 5,47 triệu m2 đệm lót sinh học.
Chương trình dự án khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam với vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hà Lan bắt đầu từ 2003 đến nay. Hiện tại, Dự án đã xây dựng được khoảng 147.000 công trình khí sinh học quy mô nhỏ với mức hỗ trợ 1,2 triệu đồng/công trình. Đến hết năm 2014, Dự án đã thu được trên 36 tỷ đồng từ nguồn này và tái đầu tư cho xây dựng mới các công trình khí sinh học ở quy mô nông hộ và các hoạt động khác của Dự án.
Về bảo vệ nguồn gen vật nuôi, một số năm gần đây, việc khai thác nguồn gen vật nuôi bản địa đã được quan tâm hơn, các giống vật nuôi hiếm của cộng đồng các dân tộc thiểu số được đầu tư cơ bản để phát triển. Song song với đó, công tác điều tra, tìm kiếm thu thập bổ sung nguồn gen được thực hiện thông qua các đề tài, dự án trong nước và quốc tế. Kết quả đã phát hiện ra 20 nguồn gen mới, bổ sung vào danh sách các đối tượng đã có như trâu Langbiang (Lâm Đồng), trâu Bảo Yên (Lai Châu), gà Liên Minh (Quảng Ngãi),…
Tuy nhiên, trong công tác bảo vệ môi trường ngành chăn nuôi vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế. Cụ thể, việc phát triển chăn nuôi chưa thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường, chưa có cơ chế chính sách khuyến khích hình thức giám sát môi trường tại cộng đồng và thiếu sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan liên quan. Phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu các công nghệ phù hợp nên có nhiều khó khăn cho xử lý chất thải chăn nuôi. Hầu hết các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn không có cán bộ chuyên trách lĩnh vực môi trường trong nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng, chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia dành riêng cho xử lý nước thải cho ngành chăn nuôi.
Bên cạnh đó, nhận thức về tính pháp lý, khoa học về bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn gien quý hiếm về giống vật nuôi bản địa của người dân còn hạn chế. Công tác bảo tồn và lưu giữ quỹ gen đối với các giống vật nuôi bản địa mới được quan tâm và đẩy mạnh trong thời gian gần đây, chưa phát triển đúng yêu cầu về nguồn lực. Công tác kiểm soát các loài động vật hoang dã gây nuôi, đặc biệt là các loài sinh vật ngoại lai xâm phạm trong thực tiễn sản xuất chăn nuôi còn nhiều bất cập.
Thêm nữa, nhận thức của người dân, người chăn nuôi đối với việc bảo tồn nguồn gen vật nuôi và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại còn chưa cao và bị chi phối nhiều bởi lợi ích kinh tế trước mắt. Việc đầu tư, xây dựng ngân hàng gen vật nuôi bản địa quý hiếm và ứng dụng công nghệ này trong chọn tạo giống vật nuôi còn chưa được quan tâm.
Nhằm thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường ngành chăn nuôi trong giai đoạn 2016-2020, theo Cục Chăn nuôi, cần chú trọng đến các giải pháp thiết thực. Trong đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường chăn nuôi, bảo vệ nguồn gen và đa dạng sinh học trong chăn nuôi. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện xử lý chất thải, bảo tồn nguồn gen, quản lý động vật ngoại lai và bảo vệ hệ sinh thái.
Rà soát, bổ sung, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình khảo kiểm nghiệm vật nuôi phục vụ cho công tác quản lý nhà nước chăn nuôi và môi trường chăn nuôi. Xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật cho xử lý chất thải rắn, lỏng đặc thù cho từng loại vật nuôi gắn với việc giảm phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh, sản phẩm xanh, mô hình chăn nuôi xanh và hướng tới sản phẩm an toàn, sinh học và sinh thái. Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn về xử lý chất thải và bảo vệ nguồn gen, quản lý động vật ngoại lai và phổ biến văn bản quy phạm pháp luật mới liên quan./.