Tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất chè

Thứ sáu, 18/09/2015 17:31

(ĐCSVN) – Việt Nam được nhìn nhận là quốc gia có tiềm năng phát triển của chè nhưng để nâng cao khả năng cạnh tranh cần tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất ngành hàng.

Theo Viện Khoa học Kỹ thuật (KHKT) Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, cơ giới hóa là xu hướng sản xuất chè hiện đại. Thực tế cũng cho thấy, hái chè bằng máy không những giúp năng suất búp chè tăng trên 10% mà nguyên liệu đó còn có thể chế biến được cả chè xanh. Hái chè bằng máy còn giảm việc dùng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) do thời gian giữa hai lứa chè kéo dài nên không có nhiều thức ăn cho sâu cộng quá trình hái chè máy hút đi đáng kể lượng sâu và trứng.

 

 Cơ giới hóa trong sản xuất chè góp phần gia tăng năng suất (Ảnh: H.N)


Đại diện TCty Chè Việt Nam khẳng định, nhược điểm của hái chè bằng máy sẽ được khắc phục triệt để nếu tuân thủ công tác kỹ thuật, hái đồng bộ và đúng quy trình, khi đó các doanh nghiệp (DN) chế biến chè hoàn toàn có thể chấp nhận chè hái máy. Thực tế tại Nghệ An cho thấy, chè tại đây có giá bán thấp hơn chè tại miền Bắc nhưng nhờ cơ giới hóa đồng bộ bằng máy nên lợi nhuận cao hơn chè miền Bắc từ 10 - 20%.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, trong ngành chế biến chè của nước ta là có quá nhiều DN không đáp ứng đủ điều kiện, quy chuẩn về nhà xưởng chế biến cũng như vùng nguyên liệu. Thực tế, trên 450 cơ sở chế biến chè hiện nay, tổng công suất theo thiết kế trên 4.600 tấn/ngày, năng lực chế biến gần 1,5 triệu tấn búp tươi/năm, song hàng năm chỉ chế biến được 600.000 tấn búp tươi, bằng 40% công suất.

Đáng báo động hơn, Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (NLTS&NM) tiến hành tổng hợp kiểm tra đánh giá, phân loại cơ sở chế biến chè tại 10 tỉnh có diện tích chè lớn nhất cho thấy, cơ sở đạt loại A (có nhà xưởng, thiết bị công nghệ tiên tiến, đảm bảo VSATTP) chỉ 14,2%, loại B 52% và loại C xấp xỉ 31%. Trong đó, loại C là các cơ sở không đủ điều kiện sản xuất (SX), loại B thuộc diện “vé vớt”, chiếu cố vì có nhiều yếu tố phải khắc phục.

 

Thu hái chè bằng máy (Ảnh: H.N)


TS. Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) cho rằng, cần phải có cuộc cách mạng cơ giới hóa đồng bộ trong chế biến, thu hoạch, tiêu thụ chè mới mong bắt kịp công nghệ, xu thế các nước có ngành sản xuất chè phát triển trong khu vực; tiến tới nâng giá chè VN sát hơn với giá chè thế giới để từ đó tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống người trồng chè.

Hiện, có rất nhiều mô hình cơ giới hóa, đủ đảm nhận tất cả mọi công đoạn trong SX chè. Đầu tiên là mô hình cơ giới hóa khâu xới cỏ chè. Đây là công việc khá nặng nhọc và tốn nhiều công lao động (chiếm 30 - 40% tổng số công). Trước đây, bà con phải dùng tay nhỏ cỏ 3 - 4 lần trong năm để đất tươi xốp và cỏ dại không tranh dinh dưỡng của chè. Nay nhờ các nhà khoa học và những DN cơ khí đã cải tiến, SX ra nhiều loại máy móc phục vụ công tác xới cỏ, giúp giảm 75% thời gian lao động. Kế đến là mô hình công nghệ tưới chè tiết kiệm phun mưa di động. Ưu điểm của mô hình này là chủ động được nước tưới theo đúng thời vụ, nâng cao hiệu quả phân bón, tiết kiệm nhân công gánh nước tưới chè và phun thuốc BVTV. Đặc biệt, công nghệ này khắc phục được điểm yếu của tưới bằng máy bơm hay tưới phun mưa cố định gây khó khăn cho làm cỏ và xói mòn đất.

Cùng với làm đất và tưới nước, công đoạn hái chè là khâu tốn nhiều nhân công và chi phí nhất. Theo tính toán của các hộ làm chè, công lao động hái chè chiếm 40 - 45% tổng chi phí cho nương chè và chiếm 25 - 30% giá bán chè búp tươi nên việc nghiên cứu thành công mô hình thu hoạch chè bằng máy có thể coi như cuộc cách mạng thay thế sức lao động quan trọng trong SX chè.

Tổng kết, đánh giá của các hộ tham gia mô hình hái chè bằng máy tại Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Nghệ An, Yên Bái, tuy chất lượng chè búp kém hơn so với hái thủ công, song hái bằng máy ưu điểm hơn hẳn về năng suất và sản lượng, rút ngắn thời gian giữa các lứa chè. Trung bình, một ngày thu hoạch chè bằng máy có thể đạt 500 - 600kg, tương đương 15 nhân công lao động thủ công.

Điển hình cho việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất chè phải kể đến là Thái Nguyên, trong vòng 5 năm trở lại đây (từ 2011), việc áp dụng cơ giới hóa đã góp phần đưa năng suất cây trồng tăng mạnh, cải thiện điều kiện lao động cũng như giảm đáng kể chi phí đầu tư đầu vào cho người nông dân. Một hộ trồng chè ở xóm Tiến Thành, xã Bình Thuận (Đại Từ) cho biết: Một bộ máy sao, vò chè khá cao (gần 3 triệu đồng), nhưng gia đình vẫn quyết định đầu tư. Trước đây, khi chưa có máy móc, thu hái chè về không kịp chế biến nên chè thường bị ôi, chất lượng không đảm bảo, giá bán thấp. Từ khi có máy sao, vò chè, chè hái về đến đâu, chế biến đến đó nên chất lượng chè được đảm bảo, giá bán ra cao hơn, cuộc sống của người trồng chè như gia đình vì thế cũng được nâng lên. Được biết, để khuyến khích người dân đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, tỉnh Thái Nguyên cũng đã đưa ra nhiều cơ chế hỗ trợ như: Tạo điều kiện cho nông dân được vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) với lãi suất ưu đãi; hỗ trợ một phần kinh phí mua một số máy móc, thiết bị như máy sao, vò chè…

Thiết nghĩ, để đẩy nhanh tốc độ cơ giới hóa nông nghiệp, cần thiết phải triển khai các bước theo quy hoạch phát triển cơ giới hóa, chế biến nông sản để nâng cao hiệu quả của sản xuất nông nghiệp; thực hiện chính sách vay vốn ưu đãi cho đầu tư công nghệ và trang thiết bị phục vụ sản xuất đến hộ dân; khuyến khích việc nghiên cứu, chế tạo, cải tiến các công cụ, thiết bị phục vụ sản xuất; quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi và giao thông nội đồng nhằm đáp ứng khả năng vận chuyển nông sản, giảm lao động thủ công. Thông qua các mô hình khuyến nông, giới thiệu, quảng bá các loại máy nông nghiệp phù hợp, các thiết bị cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nhằm cung cấp cho nông dân những kiến thức cần thiết để áp dụng…

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực