Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại hóa tàu khai thác xa bờ khu vực phía Nam

Thứ hai, 29/06/2015 16:31

(ĐCSVN) – Trong khuôn khổ Diễn đàn “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm hiện đại hóa đội tàu cá khai thác xa bờ khu vực phía Nam” diễn ra ngày 26/6 tại Kiên Giang, đa số đại biểu đều đồng tình cao với việc tăng cường ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong hiện đại hóa tàu cá.

Diễn đàn do Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức .

 

Cần đẩy mạnh, tăng cường ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để hiện đại hóa đội tàu cá trong nước (Ảnh: VT)


Diễn đàn đã tạo cơ hội để các đại biểu thảo luận về các chính sách, những kết quả ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong ngành khai thác hải sản xa bờ thời gian qua và định hướng, nghiên cứu khoa học lĩnh vực này thời gian tới. Nhiều tham luận của các nhà khoa học và địa phương chia sẻ về ứng dụng các thiết bị điện tử hàng hải trên đội tàu khai thác hải sản xa bờ; hiện đại hóa tàu cá và công tác dự báo ngư trường; ứng dụng kỹ thuật và công nghệ mới để bảo quản sản phẩm trên tàu; hiệu quả sử dụng đèn LED cho nghề lưới vây xa bờ; ứng dụng kỹ thuật khai thác hải sản bằng lồng bẫy cải tiến… Bên cạnh đó, các ngành chức năng của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và tỉnh Kiên Giang trả lời, giải đáp những thắc mắc của ngư dân trong khai thác đánh bắt thủy sản trên ngư trường về vùng biển, lắp đặt thiết bị trên tàu, bảo quản sản phẩm hải sản, thông tin liên lạc, đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ…

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, hiện nay, cả nước có trên 128.000 tàu cá, trong đó tàu đánh bắt hải sản xa bờ (công suất trên 90CV) trên 24.000 chiếc. Cùng với sự phát triển của số lượng tàu thuyền, công nghệ khai thác của nước ta cũng có một số vượt bậc như đưa các thiết bị hàng hải trên tàu cá, sử dụng vật liệu mới bảo quản sau thu hoạch.

Dự kiến, số lượng khai thác hải sản xa bờ đóng mới bổ sung là 2.079 chiếc, trong đó: Đông Nam bộ là 426 chiếc và Tây Nam bộ là 185 chiếc. Số lượng tàu dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản xa bờ đóng mới bổ sung là 205 chiếc, trong đó Đông Nam bộ là 37 chiếc và Tây Nam bộ là 20 chiếc.

Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Vụ Phó Vụ khai thác thủy sản, Tổng cục thủy sản, những chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển ngành khai thác hải sản của Chính phủ đã tạo được đoàn tàu cá đánh bắt xa bờ cả nước hiện nay hơn 24.000 chiếc với công suất 90 CV/tàu trở lên, góp phần chuyển dịch cơ cấu nghề nghiệp khai thác, giảm áp lực khai thác đối với vùng biển ven bờ, tạo thêm việc làm và cải thiện đời sống ngư dân. Ngư dân khắc phục khó khăn bám biển sản xuất, góp phần giữ vững quốc phòng - an ninh trên các vùng biển, đảm bảo ổn định nguồn thực phẩm, nguồn nguyên liệu cho chế biến phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nhiều mô hình bảo quản sản phẩm tiên tiến đã được ngư dân áp dụng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Cà Mau… nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm khai thác, giảm tổn thất sau thu hoạch.

Thực tế, nhiều năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ như: hỗ trợ tín dụng đóng mới tàu cá, hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch, hỗ trợ khắc phục rủi ro thiên tai trên biển, hỗ trợ trang thiết bị thông tin và giám sát hoạt động tàu cá trên biển… Nghề đánh bắt thủy sản hiện đang tạo công ăn việc làm cho hơn 400.000 lao động trên biển và hàng triệu nhân khẩu kèm theo. Hàng năm, lực lượng lao động này cung cấp trên 2,5 triệu tấn thực phẩm cho người tiêu dung trong nước. Tuy nhiên, hiện nay, hơn 99% tàu cá Việt Nam vẫn là tàu gỗ, thiết kế dân gian, không gắn kết với các công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chưa tiếp cận được với các công nghệ, các thiết bị tin học, viễn thông hiện đại. Mặt khác, đội ngũ nhân lực hoạt động trong lĩnh vực khai thác thủy sản còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, nhất là nghề đánh bắt xa bờ.

Bởi thế, để nâng cao hiệu quả nghề khai thác trong thời gian tới, ngành nông nghiệp đã đề xuất chính phủ trang bị các máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp thiết bị định vị đối với tàu cá xa bờ, hỗ trợ đóng mới tàu cá vỏ gỗ, thép, vật liệu mới, đẩy mạnh hỗ trợ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khai thác và bảo quản thủy sản. Bên cạnh đó, chuyển giao các công nghệ khai thác hải sản tiên tiến cho cộng đồng ngư dân ven biển.

Hiện nay, 14/28 tỉnh, thành phố ven biển đã trang bị các trạm bờ và máy thông tin liên lạc trên tàu phục vụ giám sát các hoạt động của tàu cá trên biển và công tác phòng chống lụt bão giảm nhẹ ảnh hưởng của thiên tai. Hoàn thành giai đoạn thí điểm lắp đặt 7.000 máy thu trực canh trên tàu cá cho ngư dân cập nhật các thông tin dự báo thời tiết, bão, áp thấp nhiệt đới, thời tiết nguy hiểm, hướng dẫn tìm nơi neo đậu an toàn và những thông tin chuyên ngành khác giúp ngư dân chủ động phòng tránh thiên tai. Hỗ trợ thiết bị giám sát tàu cá theo dự án MOVIMAR cho 3.000 tàu cá của ngư dân thu tín hiệu từ vệ tinh. Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp khai thác, điều chỉnh cơ cấu các nghề khai thác thủy sản tự nhiên phù hợp với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản... (Nguồn: Tổng Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT)

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực