(ĐCSVN) – Phát triển ngành chè gắn với bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trong trồng và chế biến được xem giải pháp hiệu quả, giúp ngành hàng chè Việt phát triển bền vững và hiệu quả.
Hiện nay, chè đang là một trong những nhóm hàng quan trọng của nông sản Việt Nam nhưng năng suất và hiệu quả kinh tế của loại cây này rất thấp, nguyên nhân chính là do sản xuất manh mún, thiếu liên kết với thị trường, an toàn thực phẩm chưa quản lý tận gốc...
|
Cây chè được trồng nhiều ở Thái Nguyên, Hà Giang, Yên Bái, Lâm Đồng... (Ảnh: HNV) |
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), năm 2014, xuất khẩu chè chính ngạch của nước ta đạt 133.000 tấn, thu về 230 triệu USD và là nước đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu chè (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Kenya và Sri Lanka). Mặc dù lượng xuất khẩu lớn như vậy, nhưng do chè Việt Nam chủ yếu xuất thô nên kim ngạch xuất khẩu chưa cao, giá chè xuất khẩu của nước ta lại chỉ bằng một nửa so với giá chè bình quân trên thế giới. 6 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu chè ước đạt 54 nghìn tấn với giá trị đạt 90 triệu USD, giảm 6,7% về khối lượng và giảm 4,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Thống kê cũng cho thấy, Lâm Đồng là tỉnh có diện tích trồng chè lớn nhất với 21.900 ha. Tiếp đó là Thái Nguyên với 20.800 ha, Hà Giang 20.500 ha, Phú Thọ 16.300 ha, Yên Bái 11.500 ha. Năng suất chè cả nước bình quân đạt 83,4 tạ búp tươi/ha, tăng 7,9% so với năm 2011. Sản lượng chè búp tươi đạt 926.600 tấn, lượng chè chế biến đạt trên 200.000 tấn chè khô.
Tuy nhiên, những năm gần đây, sản xuất chè hiện nay vẫn năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Phân tích nguyên nhân của thực trạng này, các nhà quản lý và chuyên gia cho rằng, đó là do sản xuất còn manh mún, tổ chức sản xuất chè chưa tốt, thiếu liên kết với thị trường; người dân thiếu kiến thức; quản lý thuốc BVTV còn nhiều bất cập; tổ chức theo dõi và kiểm tra đánh giá ATTP còn lỏng lẻo, không quản lý tận gốc.
Bởi thế, để phát triển ngành chè một cách bền vững và hiệu quả, phải kiên quyết thay đổi cách thức sản xuất để cây chè đạt tiêu chuẩn ATTP phục vụ tiêu dùng trong nước và đáp ứng xuất khẩu. Theo đó, cần tiếp tục tuyên truyền về kỹ thuật sản xuất và vấn đề ATTP cho chè bằng nhiều hình thức; quy hoạch vùng trồng chè và phân vùng nguyên liệu chè cho doanh nghiệp. Song song là tổ chức lại sản xuất, trước hết phát huy vai trò của doanh nghiệp, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng chè an toàn; thực hiện tốt các chính sách khuyến khích sản xuất chè an toàn; đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương hiệu tại các địa phương, doanh nghiệp.
Về phía Bộ NN&PTNT, sẽ chấn chỉnh quản lý Nhà nước, đặc biệt về quản lý BVTV, phân bón, tăng cường thanh tra giám sát để tránh hàng giả, hàng kém chất lượng; tăng cường hệ thống BVTV cấp xã kết hợp với phát huy vai trò của các hiệp hội, đoàn thể tại địa phương để tạo ra thói quen sản xuất an toàn cho cây trồng nói chung và sản xuất chè nói riêng. Trong đó, một trong những biện pháp thiết thực nhất được tính tới là Bộ NN&PTNT sẽ cấp mã số cho vùng chè nguyên liệu để truy xuất nguồn gốc trong thời gian tới. Đây là cách thức có thể vực dậy ngành chè theo hướng chuyên nghiệp hóa sản xuất, xây dựng thương hiệu và thu hút doanh nghiệp cùng chung tay phát triển thương hiệu chè Việt Nam./.