(ĐCSVN) - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Thái Bình, qua thời gian thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần giảm sức lao động cho người nông dân, giảm giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác áp dụng cơ giới hóa tại địa phương vẫn còn nhiều khó khăn.
|
Áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất tại Thái Bình (Ảnh: baothaibinh.com.vn) |
Thái Bình là tỉnh đồng bằng ven biển, có diện tích đất tự nhiên 154.594ha, trong đó diện tích sản xuất nông nghiệp 95.830ha, có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp. Năm 2011, trong tổng diện tích đất tự nhiên 157 nghìn ha, đất sử dụng nông nghiệp đạt 97,2 nghìn ha và thu hút gần 60% lao động làm trong nông nghiệp. Cây nông nghiệp chính của Thái Bình là lúa, sản lượng đạt trên 1 triệu tấn mỗi năm.
Trong giai đoạn từ năm 2009-2014, Thái Bình thực hiện chính sách hỗ trợ cho nông dân tiền mua máy phục vụ sản xuất với số tiền 150 tỷ đồng. Nông dân Thái Bình đã đầu tư trang bị được trên 10.000 máy phục vụ sản xuất nông nghiệp các loại, trong đó chủ yếu là máy gặt đập liên hợp, làm đất đa năng, máy cấy, kho lạnh. Nhiều khâu được trang bị về cơ giới hóa đạt tỷ lệ gần 100% như khâu làm đất, tưới nước, xay sát, làm đồ mộc,… Thông qua việc áp dụng máy móc đã giúp giảm nhẹ sức lao động, đảm bảo duy trì được sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả, sản phẩm lương thực, thực phẩm ngày càng tăng. Đồng thời, góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản thực phẩm; lợi nhuận trên một đơn vị diện tích sản xuất đất nông nghiệp tăng nhiều lần so với thủ công. Trong đó, áp dụng cơ giới hóa đã giúp khâu gặt giảm từ 2.160.000 - 2.700.000 đồng/ha; khâu gieo sạ giảm được 2.700.000 - 3.240.000 đồng/ha; khâu làm đất giảm được 1.260.000 - 2.160.000 đồng/ha.
Hiện nay, nhu cầu các khâu cần áp dụng cơ giới hóa của tỉnh Thái Bình gồm khâu thu hoạch, gieo trồng, thu hồi phế phẩm, sơ chế bảo quản nông sản đối với trồng trọt và các khâu chế biến thức ăn, chăm sóc, thu dọn vệ sinh, vắt sữa đối với chăn nuôi. Đồng thời, các loại máy cần thiết cho sản xuất như máy thu hoạch, máy cấy, máy quấn ép rơm rạ, máy băm thức ăn chăn nuôi, máy giết mổ gia súc, gia cầm, máy sục khí tạo oxy.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, với diện tích đất nông nghiệp lớn và phần đông dân cư tham gia vào sản xuất nông nhiệp, cùng với xu hướng cơ giới hóa, việc đưa máy móc ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp thay thế dần lao động thủ công, tăng năng suất lao động nông nghiệp, giảm tổn thất sau thu hoạch là điều cần thiết. Tuy nhiên, ngành cơ khí chế tạo máy nông nghiệp của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, sức cạnh tranh còn thấp và chỉ chiếm được một thị phần khiêm tốn. Đến nay, phần lớn các máy nông nghiệp bán trên thị trường của tỉnh đều phải nhập khẩu từ nước ngoài và của các tỉnh khác.
Thêm vào đó, việc thực hiện Quyết định 68/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại trên địa bàn Thái Bình đã cho nông dân vay trên 300 tỷ đồng để mua máy phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, dẫn đến việc giải ngân vốn tín dụng, thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất…vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống.
Song song với đó, ruộng đất sản xuất một số nơi còn phân tán, nhỏ lẻ, không tập trung, do đó, việc đầu tư và áp dụng các khâu cơ giới hóa (gieo trồng, thu hoạch, bảo quản, chế biến,…) trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Phần lớn người dân vẫn làm theo phương pháp thủ công dẫn đến tổn thất trong và sau thu hoạch nông sản và thủy sản còn khá lớn.
Nhằm tiếp tục áp dụng cơ giới hóa hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, theo Sở NN&PTNT Thái Bình, Nhà nước cần giành nhiều kinh phí phục vụ công tác đào tạo tập huấn cho người nông dân về kỹ thuật an toàn lao động trong sử dụng máy để tránh cho người nông dân những tai nạn đáng tiếc; tập huấn kỹ thuật sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng và sửa chửa các loại máy nông nghiệp để giúp cho người nông dân sử dụng hiệu quả thiết bị, máy móc.
Mặt khác, đi đôi với việc đẩy mạnh cơ giới hóa, cần có biện pháp phát triển mạnh các làng nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ để thu hút lao động, tăng thu nhập cho người nông dân. Đồng thời, để Quyết định 68/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách giảm tổn thất trong nông nghiệp thực sự phát huy hiệu quả, Nhà nước cần có giải pháp thông thoáng hơn cho nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay của ngân hàng./.