Thâm canh cà phê hợp lý để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững

Thứ tư, 18/11/2015 15:48

(ĐCSVN) – Gần 300 đại biểu đại diện cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), cán bộ khuyến nông của các tỉnh Tây Nguyên, các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, chuyên gia trong ngành nông nghiệp và nông dân trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk đã cùng trao đổi, thảo luận tìm kiếm các giải pháp thâm canh cà phê hợp lý để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững.

Việc trao đổi thẳng thắn, chia sẻ nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn cũng như qua tổng kết nghiên cứu đã được thông tin đầy đủ, chi tiết tại Diễn đàn khuyến nông nông nghiệp với chủ đề “Một số giải pháp thâm canh cà-phê hợp lý để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững”. Diễn đàn được tổ chức ngày 17/11 vừa qua, tại TP Buôn Ma Thuột, do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở Nông NN&PTNT tỉnh Đăk Lăk tổ chức.

 

 TS. Phan Huy Thông phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh: Trần Đăng Lâm)

Thống kê của Bộ NN&PTNT nêu rõ, năm 2014, Việt Nam xuất khẩu được 1,73 triệu tấn cà phê nhân, kim ngạch đạt 3,62 tỷ USD, tăng 33,4% về khối lượng và tăng 32,2% về giá trị so với năm 2013, chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Trong khi đó, trong 9 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam chỉ đạt 1,96 tỷ USD, giảm 31,2% về khối lượng và 32,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Vì vậy, để ngành cà phê phát triển bền vững, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Đề án phát triển cà phê bền vững đến năm 2020 và Đề án tái canh cà phê bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020.

Theo đó, mục tiêu ổn định diện tích trồng cà phê trong cả nước khoảng 600.000 ha, với 80% diện tích áp dụng quy trình sản xuất bền vững (có chứng nhận như UTZ Certify, 4C, Rainforest Aliance, VietGap…) và 80% sản lượng cà phê quả tươi đạt tiêu chuẩn TCVN 9728-2012; năng suất đạt 2,7 tấn/ha. Định hướng xây dựng ngành cà phê Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, bền vững, có tính cạnh tranh cao với các sản phẩm đa dạng, có chất lượng, mang lại giá trị tăng cao, nâng cao thu nhập cho người sản xuất và doanh nghiệp.

Đối với các tỉnh vùng Tây Nguyên, nơi có điều kiện đất đai, khí hậu thích hợp cho phát triển cà phê, chiếm trên 90% diện tích và sản lượng cà phê của cả nước. Nhiều năm qua, cà phê không chỉ là cây kinh tế chủ lực của vùng, đem lại việc làm và thu nhập, tạo điều kiện xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho khoảng 500.000 hộ nông dân với hàng triệu lao động, phần lớn là nông dân ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Với nhiều địa phương trong vùng, cà phê còn là cơ sở, nền tảng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn qua phát triển chuỗi liên kết từ trồng trọt, thu mua, chế biến, xuất khẩu và tiêu thụ để nâng cao chất lượng, hiệu quả và giá trị của ngành hàng cà phê.

Tuy nhiên, những năm gần đây ngành cà phê Việt Nam nói chung, người trồng cà phê ở Tây Nguyên nói riêng đang gặp và đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

 

 Cà phê Việt Nam đang có nhiều lợi thế để phát triển (Ảnh: HNV)

Tiến sĩ Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết: Trong những năm qua, ngành sản xuất cà phê Việt Nam đang gặp phải nhiều bất cập và đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm cho thời tiết, sâu bệnh diễn biến bất thường, đặc biệt là tình trạng hạn hán kéo dài, mưa trái vụ, bão lũ, sâu bệnh… làm ảnh hưởng xấu tới sinh trưởng, phát triển và năng suất, chất lượng cà phê. Giá cả vật tư, lao động đầu vào và giá cà phê thế giới luôn biến động mạnh làm cho người trồng cà phê không yên tâm đầu tư. Trên 95% diện tích cà phê ở Việt Nam được sản xuất từ các nông trại, vườn gia đình với quy mô nhỏ, không những làm cho giá thành sản xuất cao mà thiếu sự đồng nhất về kỹ thuật canh tác giữa các nông hộ dẫn đến sự kém đồng đều về năng suất và chất lượng cà phê, làm giảm uy tín và sức cạnh tranh của cà phê trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, khi giá cà phê tăng cao nhiều hộ dân ồ ạt phát triển tự phát ngoài vùng quy hoạch và tăng cường thâm canh để đạt năng suất tối đa. Ngược lại, khi giá cà phê xuống thấp không chăm bón đủ, kịp thời làm cho vườn cà phê nhanh suy kiệt, diện tích cà phê năng suất và hiệu quả thấp ngày càng tăng lên. Nhiều hộ nông dân chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc, thu hái, điều kiện sơ chế, bảo quản còn kém nên chất lượng cà phê nhân chưa đồng đều, thất thoát về khối lượng và chất lượng còn cao. Thiếu sự liên kết giữa các hộ trồng cà phê và giữa người trồng và các đối tác liên quan trong toàn ngành, thiếu tính bình đẳng trong quan hệ thương mại, chi phí trung gian tăng cao, hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp và người trồng cà phê dễ gặp nhiều rủi ro…

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực