(ĐCSVN) - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Thanh Hóa, ngành chăn nuôi gia cầm của tỉnh những năm qua đã đạt nhiều bước phát triển, tăng trưởng về số lượng, chất lượng, góp phần đáng kể vào việc tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi gia cầm vẫn tồn tại dưới hình thức chăn nuôi hộ là chủ yếu; chăn nuôi trang trại, gia trại sản xuất hàng hóa vẫn chưa nhiều.
|
Ảnh minh họa. (Ảnh: NY) |
Cụ thể, tình hình chăn nuôi gia cầm tỉnh trong giai đoạn từ 2010 đến nay có bước phát triển đáng kể. Năm 2010, đàn gia cầm toàn tỉnh có 12,585 triệu con, năm 2013 với 18,1 triệu con, tính đến 1/4/2015 là 16,218 triệu con. Tuy nhiên, trên thực tế, ngành chăn nuôi gia cầm của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Trong đó, chăn nuôi vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, cac trang trại quy mô lớn vẫn chưa nhiều, chưa ổn định. Nguyên nhân chủ yếu do dịch bệnh, giá cả thị trường chưa được điều tiết, chưa đánh giá được nhu cầu sản phẩm chăn nuôi trong từng giai đoạn nên có thời điểm cung vượt quá cầu của người tiêu dùng.
Về tình hình liên kết chuỗi giá trị trong chăn nuôi gia cầm, trong công tác con giống, trên địa bàn tỉnh hiện có một số cơ sở sản xuất giống, sản xuất được khoảng 15% nhu cầu giống, còn lại tồn tại các cơ sở sản xuất ấp nở giống tự do từ các nguồn trứng không rõ ràng, nguồn giống nhập về chủ yếu từ các huyện ngoại thành Hà Nội khoảng 25%. Một số giống đảm bảo tiêu chuẩn nhưng đa phần là giống không có tem nhãn, không có nguồn gốc rõ ràng và bán tự do ở các đại lý cung cấp con giống, rất khó kiểm soát.
Về thức ăn, các nhà máy thức ăn chăn nuôi trong tỉnh chưa chiếm được thị phần thức ăn chăn nuôi của tỉnh, mặt khác, chưa tạo được thương hiệu mạnh cạnh tranh với các công ty có thương hiệu lớn ngoài tỉnh. Về công tác chế biến, giết mổ - thị trường tiêu thụ sản phẩm, hiện nay, hầu hết gia cầm được giết mổ bằng thủ công, phân tán, chủ yếu là mổ ở ngoài chợ, mổ ở các hộ gia đình và tiêu thụ dưới dạng gia cầm sống, ít qua kiểm dịch. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm chưa bảo đảm yêu cầu. Bên cạnh đó, hơn 90% sản phẩm thịt gia cầm được tiêu thụ ở dạng tươi sống, đây là một trở ngại lớn cho việc tiêu thụ sản phẩm gia cầm của tỉnh.
Đến nay, thị trường đầu ra của sản phẩm gia cầm chưa thực sự được hình thành đúng nghĩa của quá trình chăn nuôi chuyên nghiệp và bền vững. Sản phẩm gia cầm hiện nay vẫn tiêu thụ nội địa, nơi kinh doanh, buôn bán, giết mổ vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ. Chăn nuôi gà sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với gà ngoại, kể cả gà thịt và gà đẻ trứng. Việc nhập khầu thịt gà trên địa bàn tỉnh dự kiến sẽ tăng trong những năm tới.
Theo Sở NN&PTNT Thanh Hóa, đến năm 2020, sẽ phát triển ngành chăn nuôi gia cầm tại tất cả các vùng trên địa bàn tỉnh, áp dụng biện pháp chăn nuôi thâm canh tập trung, tăng số lứa gia cầm xuất chuồng. Phấn đấu đến năm 2020 tổng đàn gia cầm đạt khoảng 23 triệu con, sản lượng thịt hơi 47,4 nghìn tấn, sản lượng trứng khoảng 250 triệu quả.
Các sản phẩm gia cầm được kiểm tra, giám sát chất lượng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi đưa ra thị trường; chất lượng sản phẩm có thể cạnh tranh vào các siêu thị và định hướng xuất khẩu. Các trang trại chủ động được nguồn đầu vào, có các đối tác đầu ra nhằm ổn định được số lượng gia cầm chăn nuôi, kiểm soát được dịch bệnh trong khu chăn nuôi, tránh bùng phát dịch bệnh.
Nhằm đạt được những mục tiêu đề ra, khắc phục những hạn chế còn tồn tại, thời gian tới, ngành gia cầm tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ những giải pháp thiết thực. Trong đó, tăng cường tuyên truyền cho các doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và nông dân biết về ý nghĩa, lợi ích và tác động của hội nhập kinh tế quốc tế thông qua cuộc vận động học tập lớn, sâu rộng trong xã hội. Tuyên truyền, vận động triệt để về cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, sản phẩm của ngành chăn nuôi.
Quy hoạch tổng thể chăn nuôi toàn tỉnh, chọn các vùng có diện tích đất rộng phù hợp để quy hoạch chăn nuôi, các vùng chăn nuôi trọng điểm và phát triển chăn nuôi theo quy mô lớn; vùng chăn nuôi thuận tiện về giao thông, gần với các vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất chăn nuôi, có thể gắn với khâu tiêu thụ, chế biến.
Định hướng thay đổi phương thức từ chăn nuôi nhỏ lẻ, thả đồng tiến tới chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn và cách ly với các khu dân cư sinh sống, các khu công nghiệp khác. Quá trình chăn nuôi công nghiệp phải đảm bảo đúng quy trình và có kiểm soát, con giống đầu vào phải đủ tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ, phù hợp với đối tượng cần chăn nuôi.
Về giống, khuyến khích các doanh nghiệp chăn nuôi đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất, nhập các giống ông bà, để chủ động được con giống trong tỉnh, tạo nên các giống có thương hiệu và cung cấp ra các tỉnh lân cận. Tăng cường kiểm dịch động vật, tuyệt đối không cho vận chuyển con giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ du nhập vào tỉnh. Tăng cường khuyến cáo các trang trại chăn nuôi dùng con giống có thương hiệu trên thị trường, có nguồn gốc rõ ràng và đầy đủ giấy kiểm dịch.
Bên cạnh đó, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong chăn nuôi, thực hiện chính sách vừa hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ, vừa tăng cường phát triển chăn nuôi quy mô lớn, trang trại chăn nuôi tập trung. Không ngừng áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào chăn nuôi. Hỗ trợ doanh nghiệp để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, hệ thống giao thông liên quan đến vận chuyển, giao lưu hàng hóa giữa các trang trại và từ trang trại đến nơi tiêu thụ. Chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ thông qua đầu tư máy móc, trang thiết bị chăn nuôi như chuồng trại khép kín, có hệ thống làm mát, điều hòa ẩm độ; đưa tỷ lệ cơ giới hóa, tự động hóa vào chăn nuôi; giúp vật nuôi phát triển nhanh, ít bệnh tật, giảm thời gian nuôi, tăng hệ số quay vòng, giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm và có khả năng cạnh tranh.
Nâng cấp các chợ đầu mối để thúc đẩy quá trình trao đổi các sản phẩm gia cầm, đồng thời đưa các sản phẩm gia cầm sạch vào các nhà hàng cao cấp, các siêu thị lớn trong nước và định hướng xuất khẩu. Trong công tác thú y và phòng chống dịch bệnh, các trang trại chăn nuôi gia cầm cần tuân thủ đúng quy trình vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại, đường lối đi lại, công nhân cần khử trùng và mặc quần áo lao động trước khi vào làm việc trong khu chuồng nuôi. Tuân thủ đúng quy trình tiêm phòng vắc xin để phòng các dịch bệnh có khả năng lây lan cao./.