(ĐCSVN) - Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, qua 2 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu trong công tác xây dựng cánh đồng mẫu lớn, phát triển các vật nuôi lợi thế… Tuy nhiên, hiện, quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn.
|
Áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tại Thanh Hóa (Ảnh: HT) |
Cụ thể, trên lĩnh vực trồng trọt, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với tiêu thụ sản phẩm như: vùng sản xuất mía trên 30.000 ha, sắn trên 15.000 ha, cói 3.000 ha; vùng sản xuất thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả cao 61.910 ha, sản xuất lúa giống thuần 2.000 ha, sản xuất giống lúa lai F1 trên 600 ha.
Bên cạnh đó, ngành đã chuyển đổi trên 4.500 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây có giá trị cao hơn, gồm rau các loại, ngô thâm canh, ớt,…Xây dựng cánh đồng mẫu lớn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với diện tích 5.120ha, các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường được phổ biến nhân rộng; công tác bảo vệ thực vật được tăng cường, chủ động dự báo các loại dịch hại và đề ra biện pháp phòng trừ hiệu quả.
Trên lĩnh vực chăn nuôi, đã chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ sang sản xuất quy mô lớn, tập trung, có quản lý dịch bệnh, an toàn, bền vững; từ năm 2014 đến nay, đã phát triển mới 128 trang trại chăn nuôi tập trung. Đồng thời, tổ chức lại hệ thống giết mổ, chế biến, tăng cường phòng chống dịch bệnh; chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, phát triển các sản phẩm lợi thế như đàn bò sữa, lợn hướng nạc, gà lông màu. Về lĩnh vực lâm nghiệp, phát triển liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm, bước đầu đã hình thành liên kết giữa người trồng rừng và các cơ sở chế biến, tiêu thụ. Từ năm 2014 đến nay, phát triển rừng gỗ lớn 24.500 ha, luồng thâm canh tập trung 14.100 ha, dược liệu dưới tán rừng 94.000 ha.
Trên lĩnh vực thủy sản, ngành đã tập trung chuyển dịch các đối tượng nuôi có giá trị cao và xuất khẩu; chuyển đổi mạnh cơ cấu khai thác thủy sản theo hướng giảm tàu cá khai thác vùng ven bờ, tăng tàu có công suất xa bờ. Đẩy mạnh áp dụng thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, nuôi trồng thủy sản có chứng nhận; phát triển các vùng nuôi thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường, phù hợp với yêu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, Chương trình xây dựng Nông thôn mới tiếp tục được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Đến nay, bình quân toàn tỉnh đạt 12,1 tiêu chí/xã, tăng 7,4 tiêu chí so với khi bắt đầu triển khai Chương trình; tăng 2,42 tiêu chí so với năm 2013.
Nhìn chung, kết quả bước đầu về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã góp phần quan trọng vào kết quả sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Năm 2014, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 4%, vượt mục tiêu đề ra (3,2%). 6 tháng đầu năm 2015, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 3,8%, đạt mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, kết quả tái cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh mới chỉ là bước đầu, chưa tạo ra được sự chuyển biến rõ rệt. Chất lượng tăng trưởng nông, lâm, thủy sản chưa cao và thiếu bền vững, vẫn chủ yếu dựa trên việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, chất lượng sản phẩm không đồng đều, vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế. Ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn vẫn còn tồn tại, vật tư nông nghiệp chất lượng kém vẫn còn lưu hành.
Thêm vào đó, thiếu sự gắn kết giữa sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nên hiệu quả chưa cao, sản phẩm có giá trị để trở thành hàng hóa còn ít, phần lớn nông sản đang được tiêu thụ và xuất khẩu ở dạng thô, sơ chế, giá trị gia tăng thấp, chưa có thương hiệu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn vẫn còn thấp so với yêu cầu, đặc biệt là đầu tư của các doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn, tham gia hội nhập kinh tế quốc tế của nông nghiệp tỉnh chưa nhiều.
Nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, theo UBND tỉnh Thanh Hóa, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ, cụ thể. Trong đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đến từng cán bộ, đảng viên, các tổ chức đảng, chính quyền, các cơ quan, doanh nghiệp, người dân về tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với quy hoạch nông nghiệp. Phê duyệt và triển khai thực hiện 8 quy hoạch sản phẩm tỉnh có tiềm năng và lợi thế phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp.
Song song với đó, ban hành cơ chế, chính sách, khuyến khích thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2016-2020; cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất giống cây trồng vật nuôi, khuyến khích xây dựng Nông thôn mới. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, phát triển các sản phẩm có lợi thế của tỉnh như lúa chất lượng, ngô thâm canh, bò sữa, lợn hướng nạc, rừng gỗ lớn, luồng thâm canh, tôm chân trắng, cá rô phi xuất khẩu. Tăng cường đầu tư, ưu tiên bố trí vốn ngân sách cho phát triển công nghiệp và thu hút các nguồn lực khác đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là nguồn lực của các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, tạo môi trường thuận lợi thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Phấn đấu năm 2015 có thêm 41 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân chung toàn tỉnh đạt 13,5 tiêu chí/xã; đối với từng xã đã hoàn thành tiêu chí xây dựng Nông thôn mới, phấn đấu xây dựng thành xã kiểu mẫu./.