Tích cực triển khai các giải pháp sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2015-2016 trong điều kiện thời tiết ấm

Thứ tư, 27/01/2016 14:44
(ĐCSVN) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đang khẩn trương chỉ đạo các địa phương và các cấp ngành nông nghiệp cơ sở tích cực, chủ động triển khai các giải pháp sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2015-2016 trong điều kiện thời tiết ấm.

Như khẳng định của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh tại hội nghị bàn giải pháp triển khai sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2015-2016 trong điều kiện thời tiết ấm tại các tỉnh phía Bắc diễn ra ngày 21/1, tại Hà Nội, đối với trà lúa Xuân sớm, gieo mạ sớm đề nghị các địa phương khẩn trương thành lập các đoàn cán bộ kỹ thuật, cán bộ khuyến nông kiểm tra, đánh giá cụ thể tình hình mạ. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nông dân kiên quyết loại bỏ mạ già quá 6 lá, thay thế bằng nhóm giống lúa ngắn ngày.

Thời tiết ấm, khả năng khô hạn và thiếu nước cục bộ gây trở ngại cho sản xuất

Chủ động đối phó với thời tiết ấm trong vụ Đông Xuân 2015-2016

Theo Dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương: nhiệt độ trung bình trong các tháng nửa đầu năm 2016 trên phạm vi các tỉnh miền Bắc có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,5-1 độ C, rét đậm rét hại có thể xuất hiện khoảng 2-3 đợt trong thời gian từ nửa cuối tháng 1 và trong tháng 2/2016, thời gian ảnh hưởng của mỗi đợt rét kéo dài khoảng 4-7 ngày. Trong những tháng đầu mùa hè, nắng nóng có khả năng xuất hiện sớm hơn so với TBNN ở khu vực Tây Bắc và Trung bộ.

Thực tế cho thấy, những năm thời tiết vụ Đông Xuân ấm ngay từ đầu vụ đã làm cho mạ gieo sớm bị già, khi cấy lúa sẽ đẻ nhánh kém, trỗ sớm và có nguy cơ gặp rét cao khi lúa phân hóa đòng và trỗ, làm tăng tỷ lệ hạt lép, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng lúa.

Cùng với nền nhiệt độ ấm, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương còn dự báo lượng mưa các tháng 1 - 5/2016 ở Bắc bộ có khả năng ở mức cao hơn một ít so với TBNN, tháng 6/2016 ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn TBNN cùng thời kỳ. Mưa trái mùa có khả năng xuất hiện trong các tháng vụ Đông xuân ở các tỉnh Bắc bộ. Khu vực từ Bắc và Trung Trung bộ từ tháng 1-5/2016 phổ biến thiếu hụt so với TBNN. Khả năng khô hạn sẽ duy trì khá gay gắt, đặc biệt tại các tỉnh  Trung Trung Bộ trong những tháng đầu năm 2016.

Như vậy, diễn biến thời tiết trong những tháng tiếp theo của vụ Đông Xuân 2015-2016 ở các tỉnh miền Bắc nền nhiệt độ tiếp tục ở mức cao hơn TBNN, có khả năng bị khô hạn và thiếu nước cục bộ ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và Bắc Trung bộ.

Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT đánh giá, tính đến thời điểm này, có thể khẳng định vụ Đông Xuân 2015 -2016 tiếp tục là vụ đông xuân ấm và hạn, do vậy một số diện tích gieo trước thời vụ có nguy cơ trỗ sớm và có thể gặp rét cuối vụ gây ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa. Một số diện tích lúa đang giai đoạn bắt đầu đẻ nhánh có nguy cơ bị thiếu nước làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và khả năng đẻ nhánh của lúa. Sâu bệnh sẽ có những diễn biến phức tạp do nền nhiệt cao, qua đông ngắn, nguồn thức ăn phong phú, vòng đời nhanh

Trong tháng 1/2016, Cục trưởng Cục trồng trọt đã có công văn chỉ đạo sản xuất số 42/TT-CLT ngày 12/01/2016 gửi các Sở NN&PTNT các tỉnh phía Bắc về việc chỉ đạo công tác chăm sóc, thu hoạch vụ Đông 2015 và sản xuất vụ Đông Xuân 2015-2016. Phối hợp tốt với Tổng cục Thủy lợi, Cục BVTV chỉ đạo điều hành công tác lấy nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2015-2016. Các địa phương đã chủ động sớm xây dựng đề án, kế hoạch sản xuất vụ ĐX 2015-2016 với các biện pháp chỉ đạo cụ thể, phù hợp về thời vụ, cơ cấu giống, bón phân, công tác thủy lợi, bảo vệ thực vật.

Đặc biệt, công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo một vụ xuân ấm đã được các cơ quan truyền thông phối hợp và thực hiện tích cực.

Đồng bộ các giải pháp hạn chế tối đa ảnh hưởng của thời tiết ấm làm giảm năng suất, sản lượng

Để hạn chế tối đa ảnh hưởng của điều kiện vụ đông xuân ấm làm thụt giảm năng suất, sản lượng lúa, Cục Trồng trọt đề nghị các tỉnh phía Bắc khẩn trương triển khai các giải pháp:

Đối với trà lúa Xuân sớm, gieo mạ trước ngày 15/12/2015 đến thời điểm này mạ đã được khoảng xung quanh 6 lá, một số chân mạ hẩu, gieo sớm đạt 6,5-7 lá. Đề nghị các địa phương khẩn trương thành lập các đoàn cán bộ kỹ thuật, cán bộ khuyến nông tiến hành kiểm tra, đánh giá cụ thể tình hình mạ, số lá trên mạ đã gieo, tuyên truyền, vận động bà con nông dân kiên quyết loại bỏ mạ già quá 6 lá, thay thế bằng nhóm giống lúa ngắn ngày, Xuân muộn, gieo mạ nền hoặc gieo sạ, trà lúa Xuân muộn thời vụ còn rất rộng. Với ruộng chân vàn thấp, trũng bà con đã cấy một số giống lúa dài ngày, lúa chiêm ngoi, giống lúa địa phương: Thường xuyên theo dõi đồng ruộng sau khi cấy; bón tăng lượng đạm khoảng 10-15%, bón rải sau cấy để kéo dài sinh trưởng và khả năng đẻ nhánh; theo dõi chặt chẽ sâu bệnh và biểu hiện sinh trưởng của lúa để xử lý sớm và kịp thời;

Đối với trà Xuân muộn, tuyên truyền, vận động nông dân sử dụng các giống lúa lai, lúa thuần, lúa Japonica ngắn ngày (thời gian sinh trưởng dưới 135 ngày), năng suất, chất lượng. Bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp, gieo mạ nền, mạ khay (cấy máy) xung quanh tiết Lập Xuân, vùng thuận lợi gieo sau Lập Xuân, cấy trong tháng 2 để lúa trỗ từ 1-20/5 (trỗ tập trung từ 5-15/5). Mở rộng tối đa diện tích lúa gieo thẳng trên chân đất vàn và vàn cao, chủ động tưới tiêu, thời vụ gieo 10-20/2/2016 (sau Tết Nguyên đán). Hướng dẫn nông dân thực hiện nghiêm túc lịch thời vụ đã được khuyến cáo, tăng cường tập huấn và thông tin tuyên truyền kỹ thuật ngâm ủ, làm mạ nền cứng, kỹ thuật gieo mạ dược, dầy xúc, đảm bảo đủ mạ có chất lượng cho việc gieo cấy vụ Đông Xuân.

Đồng thời, theo sát lịch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2015-2016 vùng Trung du và Đồng bằng Bắc bộ tại Thông báo số 10191/TB-BNN-TCTL  ngày 16/12/2015 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT (Đợt 1 từ 0 giờ ngày 21/01/2016 đến 24 giờ ngày 26/01/2016; đợt 2 từ 0 giờ ngày 03/02/2016 đến 24 giờ ngày 06/02/2016; đợt 3 từ 0 giờ ngày 16/02/2016 đến 24 giờ ngày 23/02/2016). Chỉ đạo chuẩn bị tốt kế hoạch và mọi điều kiện để lấy nước đổ ải thau chua, rửa mặn ở vùng ven biển, tích và giữ nước kịp thời hiệu quả, đảm đủ nước gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất, giữ nước cho tưới dưỡng giai đoạn lúa đẻ nhánh, làm đòng; tránh làm thiệt hại và ảnh hưởng đến vùng trồng cây vụ Đông.

Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động bà con nông dân chủ động làm đất nhanh, gọn, kịp thời không để mạ chờ ruộng. Cục Trồng trọt cũng khuyến cáo sử dụng phân bón chuyên dùng và các loại phân bón N.P.K có thương hiệu của các nhà sản xuất lớn có uy tín.

Đối với các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, cần chỉ đạo gói kỹ thuật phù hợp, cần đảm bảo đủ nước, bón thúc kịp thời cho lúa để lúa sinh trưởng tốt, theo dõi chặt chẽ tình hình sâu bệnh hại, nhất là trong điều kiện ấm, ẩm.

Đặc biệt, tăng cường chuyển đổi theo hướng các địa phương cần chủ động rà soát lại diện tích gieo cấy lúa ở những vùng không chủ động tưới, tiêu; có nguy cơ không đủ nước tưới cho lúa cả vụ; sản xuất lúa kém hiệu quả cần chuyển đổi sang các loại cây rau màu khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Việc chuyển đổi lúa sang các cây trồng cạn phải có sự chỉ đạo thành vùng, hướng dẫn lựa chọn cây trồng, cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng, gói kỹ thuật thâm canh để đảm bảo được hiệu quả hơn cấy lúa.

Các Sở NN&PTNT đề xuất với UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ giống, tập huấn, khuyến nông, hỗ trợ liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng thích hợp trong điều kiện khô hạn, thiếu nước và vụ Đông Xuân nghiêng ấm.

Các địa phương tăng cường tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc trên các phương tiện thông tin, khuyến nông ở địa phương để nông dân biết và áp dụng. Đặc biệt phổ biến sâu và liên tục kỹ thuật chăm sóc với các trường hợp gieo cấy sớm.

Chỉ đạo các đơn vị trong ngành bám sát và thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, xử lý nhanh và kịp thời những phát sinh đột xuất; có biện pháp tích cực phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh và chuột hại trên lúa và rau màu, chú trọng kiểm tra và xử lý các vi phạm trong kinh doanh giống cây trồng, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường; đồng thời chuẩn bị đủ lượng giống dự phòng để chủ động ứng phó khi thời tiết bất thường xảy ra..

Về phía Tổng cục Thủy lợi, để bảo đảm nước tưới cung cấp cho sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2015-2016, đơn vị này đề nghị:

Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố chấp hành nghiêm chỉnh các chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Đối với các tỉnh, thành phố khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ cần tập trung lấy nước từ nguồn nước sông Hồng đang được bổ sung: Hoàn thành việc khơi thông dòng chảy, giải toả các ách tắc, phương tiện thi công nạo vét trên hệ thống dẫn nước, đặc biệt ở kênh dẫn các cửa lấy nước; kiểm tra hệ thống máy bơm, phương tiện lấy nước để sẵn sàng vận hành khi nguồn nước bảo đảm; Theo dõi chặt chẽ các thông tin liên quan đến nguồn nước, tổ chức vận hành ngay các cửa lấy nước, trạm bơm để trữ nước vào hệ thống kênh trục, ao, đầm, các vùng trũng và đưa nước lên ruộng để phục vụ làm đất và gieo cấy, đặc biệt ưu tiên cấp nước cho các vùng khó khăn về nguồn nước; Tăng cường lực lượng túc trực tại công trình đầu mối; bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra các bờ vùng, bờ thửa để quản lý chặt chẽ nguồn nước, không để rò rỉ gây lãng phí; Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch cây vụ Đông, dồn điền, đổi thửa để tạo mặt bằng gieo cấy lúa, tuyệt đối không để phát sinh nhu cầu về bổ sung nguồn nước ngoài các đợt xả đã thống nhất.

Lê Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực