Theo ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, nhằm phát huy hiệu quả dự án ngọt hóa Gò Công, vừa khắc phục được hậu quả biến đổi khí hậu, Tiền Giang đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để tái cơ cấu lại cây trồng và mùa vụ thích hợp.
Các giải pháp tái cơ cấu sản xuất dựa trên nguyên tắc không làm xáo trộn đặc tính đất đai vùng ngọt hóa, đảm bảo hiệu quả, hình thành vùng sản xuất tập trung có doanh nghiệp đầu tư bao tiêu sản phẩm theo mô hình “cánh đồng lớn”, vừa ứng dụng đồng bộ các giải pháp khoa học kỹ thuật thâm canh tăng năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản hàng hóa.
|
Ảnh minh họa. (Nguồn: tintucmientay.com.vn) |
Trước mắt, Tiền Giang coi trọng công tác quy hoạch lại các vùng sản xuất phù hợp theo hướng chỉ sản xuất 3 vụ lúa năm ở những địa bàn thuận lợi về nguồn nước, 2 vụ lúa/năm kết hợp với luân canh màu trên ruộng đối với những địa bàn sản xuất khó khăn, thường xuyên thiếu nước vào mùa khô hạn… Trên cơ sở đó, đầu tư kiện toàn mạng lưới thủy lợi kết hợp giao thông đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đồng thời tăng cường khuyến nông chuyển giao kỹ thuật và thay đổi cơ cấu giống lúa phù hợp hướng đến xuất khẩu. Đối với vùng quy hoạch 2 vụ lúa - 1 vụ màu/năm, khuyến cáo các giống màu phù hợp, cho năng suất cao, thị trường ưa chuộng, đồng thời khuyến khích hình thành các tổ hợp tác và hợp tác xã sản xuất gắn kết với doanh nghiệp bao tiêu theo mô hình chuỗi sản xuất…
Cũng theo ông Cao Văn Hóa, để phục vụ kịp thời yêu cầu tái cơ cấu cây trồng và mùa vụ sản xuất trong nội đồng dự án ngọt hóa Gò Công, Tiền Giang đang đầu tư 47,6 tỷ đồng nạo vét kênh 14 đảm bảo đưa nước từ cống Xuân Hòa về cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho các xã ven biển Gò Công. Ngoài ra, tỉnh còn có kế hoạch nâng cấp mạng lưới đê bao ngăn mặn dọc sông Tra, sông Vàm Cỏ, sông Cửa Tiểu và kênh Chợ Gạo, đồng thời hoàn thiện mạng lưới kênh mương trong nội đồng, sửa chữa và nâng cấp các cống đập đã bị xuống cấp, xây mới 37 trạm bơm vừa và nhỏ phục vụ bơm tưới tiêu với tổng kinh phí trên 40 tỷ đồng…
Theo báo cáo của các địa phương trong vùng dự án, diện tích chuyển đổi sản xuất theo mô hình luân canh lúa - màu đạt gần 2.000 ha. Những cây màu chủ lực đưa xuống trồng trên chân ruộng như dưa hấu, bắp, dưa lê, rau các loại… đều mang lại hiệu quả gấp 2 - 3 lần trồng lúa 3 vụ/năm. Đây là tiền đề thuận lợi khuyến khích bà con đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhân rộng những mô hình sản xuất hiệu quả trong nội đồng vùng dự án ngọt hóa Gò Công nhằm bảo đảm lợi nhuận kinh tế vừa thích ứng với biến đổi khí hậu.
Vùng dự án ngọt hóa Gò Công (tỉnh Tiền Giang) có diện tích tự nhiên trên 54.000 ha; trong đó có trên 41.000 ha đất nông nghiệp. Tại đây, tỉnh đã thi công 168 km đê bao; trong đó, có 21 km đê biển, 68 cống đập đầu mối nhằm ngăn mặn, giữ ngọt, cải tạo đất đai, phục vụ chuyển đổi từ trồng lúa 1 vụ bấp bênh sang 2, 3 vụ/năm ăn chắc. Từ khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đến nay đã phát huy tốt hiệu quả, giúp người dân phát huy thế mạnh sản xuất nông nghiệp để giảm nghèo nông thôn.
Tuy nhiên, gần đây biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt. Hạn hán và xâm nhập mặn mỗi năm thêm gay gắt gây sạt lở đê biển, thiếu nước sản xuất cục bộ vào mùa khô và ngập úng vào mùa mưa bão, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của nhân dân trong vùng. Theo thống kê của địa phương, hiện có gần 3.300 ha đất trồng lúa của 20 xã và 1 thị trấn trong vùng bị ảnh hưởng, thiếu nước bơm tát do hạn hán gay gắt hàng năm./.