Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xây dựng Nông thôn mới tại Tân Phú Đông (Tiền Giang)

Thứ ba, 05/04/2016 14:16
(ĐCSVN) - Theo UBND huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang), qua 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) từ 2011-2015, địa phương đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, để các xã trên địa bàn đạt các tiêu chí NTM đề ra, địa phương vẫn còn nhiều khó khăn cần vượt qua.

Trồng cây mãng cầu xiêm là một trong những thế mạnh của Tân Phú Đông giúp tạo thêm thu nhập cho người dân (Ảnh: BT)

Cụ thể, qua 5 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, trên lĩnh vực tuyên truyền, huyện đã tích cực vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân. Qua đó tạo sự chuyển biến tích cực, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhận thức đầy đủ hơn về nội dung, ý nghĩa, vai trò, nhiệm vụ trong việc xây dựng NTM. Nhân dân hiểu rõ vai trò chủ thể, dần xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại.

Bên cạnh đó, cả hệ thống chính trị hưởng ứng tích cực phong trào xây dựng NTM. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tập trung tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng về xây dựng NTM, đảm bảo đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, xây dựng hoàn chỉnh các nội dung, chỉ tiêu phổ biến đến các đoàn viên, hội viên tham gia đăng ký thực hiện. Ban Chỉ đạo cấp huyện, xã đã xây dựng kế hoạch NTM hàng năm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM. Các phong trào thi đua được phát động sâu rộng và thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ trong xây dựng NTM đã góp phần lớn vào việc thay đổi nhận thức của người dân trong quá trình thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM.

Về kết quả chỉ đạo thực hiện đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng xã hội ở Nông thôn, huyện đã đạt được những kết quả ban đầu. Trong đó, về giao thông, đã đầu tư nâng cấp đường tỉnh 977B với tổng chiều dài 35,5km, mặt đường láng nhựa rộng 3,5m, 17 cầu và 1 cống, tổng kinh phí trên 150 tỷ đồng. Láng nhựa 3 tuyến đường huyện dài 5,68km; đầu tư, nâng cấp các bến đò, phà. Ngoài ra, còn xây dựng, nâng cấp 110 công trình với 182 km đường giao thông nông thôn, tổng vốn đầu tư 145 tỷ đồng, hiện có trên 75km đường giao thông nông thôn đạt chuẩn, chiếm 41,06%.

Về hệ thống thủy lợi, đã nạo vét 36/158 tuyến kênh, rạch, tổng chiều dài 58,887km, trong các tuyến kênh, rạch còn lại có 28 tuyến phục vụ tốt nhu cầu sản xuất. Qua đó, việc vận hành, điều tiết nước được chủ động hơn, phục vụ sản xuất và dân sinh được tốt hơn, đáp ứng 45% nhu cầu nước phục vụ sản xuất cho toàn huyện. Nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi đất lúa có năng suất thấp sang cây trồng khác như: cây dừa, cây ăn trái, cây rau màu các loại có hiệu quả kinh tế cao.

Về hệ thống điện, nhìn chung đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho người dân vùng nông thôn. Việc tu sửa, nâng cấp hệ thống điện cũng được quan tâm và đầu tư hàng năm. Trong đó, huyện đã đầu tư nâng cấp đường điện trung thế 11,5km và hạ thế 26,356km với tổng vốn 29,5 tỷ đồng. Mạng lưới điện được đầu tư phát triển đáp ứng 73% nhu cầu người dân sử dụng điện an toàn. Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện tăng dần theo từng năm. Đến nay, tỷ lệ hộ sử dụng điện đã đạt 100%.

Về công tác tổ chức lại sản xuất để phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Trên địa bàn huyện, đã tổ chức bố trí cơ cấu lại sản xuất tại từng tiểu vùng gồm: vùng trồng cây ăn trái xen canh kết hợp nuôi cá nước ngọt và chăn nuôi, vùng sản xuất lúa, rau màu; vùng nuôi thủy sản chuyên canh, vùng sản xuất kết hợp tôm – lúa theo hệ thống canh tác. Đồng thời, ngành nông nghiệp đang triển khai phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Thủy sản, Chi cục Thú y hỗ trợ, tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho hộ dân của một số mô hình như: trồng cây mãng cầu xiêm, sản xuất tôm lúa, nuôi gà an toàn sinh học, nuôi heo kết hợp với sử dụng chế phẩm sinh học, trồng lúa theo mô hình “ruộng lúa bờ hoa”, “1 phải 5 giảm”. Nhìn chung, việc đầu tư xây dựng các mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả, cùng với việc tăng cường đầu tư cho công tác đào tạo, chuyển giao công nghệ đã góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 32,5 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2015.

Thêm vào đó, công tác xóa đói giảm nghèo được chú trọng, triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp đã góp phần tạo điều kiện cho các hộ nghèo cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo. Giai đoạn 2011-2015, có 3.270 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 23,75%.

Nhìn chung, sau gần 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, chất lượng đời sống nhân dân trên địa bàn huyện được cải thiện rõ rệt, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, sửa chữa nâng cấp, bộ mặt nông thôn chuyển biến theo hướng tích cực. Lĩnh vực sản xuất nông, ngư, lâm nghiệp đạt giá trị 427,5 tỷ đồng. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp từng bước được phát triển, giá trị sản xuất đạt 4.153 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, từ 44,66% năm 2011 đến nay giảm còn 23,75%; công tác an sinh xã hội luôn được chú trọng.

Nông nghiệp phát triển ổn định, cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được tập trung chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả, hoạt động chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa trong nông nghiệp chuyển biến khá tích cực, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên một đơn vị diện tích tăng khá cao, các loại hình tổ chức sản xuất kinh tế tập thể được chú trọng phát triển.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng NTM trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể, vai trò, trách nhiệm của các thành viên Ban chỉ đạo huyện, xã chưa được phát huy, hoạt động còn mang tính hình thức, chưa đi vào việc làm cụ thể như được phân công. Mặt khác, công tác huy động nguồn lực trong nhân dân còn nhiều khó khăn do tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao nên đóng góp của nhân dân chủ yếu là đất đai, hoa màu, vật kiến trúc, dẫn tới không đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng các công trình theo đề án xây dựng NTM của các xã.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế, hệ thống đê sông chưa hoàn chỉnh, đê biển chưa có, chưa đáp ứng được yêu cầu phòng chống triều cường, phòng tránh thiên tai. Hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và dân sinh, hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn chưa đảm bảo, còn xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ vào mùa khô, việc huy động nguồn lực tại địa phương còn nhiều khó khăn trong khi vốn đầu tư của nhà nước còn thấp so với yêu cầu.

Nhằm tiếp tục khắc phục khó khăn, phát huy những kết quả đạt được, theo UBND huyện Tân Phú Đông, trong giai đoạn 2016-2020, chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện hướng tới mục tiêu tập trung đẩy mạnh sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Đến năm 2020, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn, trước mắt là hệ thống thủy lợi, đảm bảo chủ động tưới tiêu, ngăn mặn cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, đảm bảo giao thông thông suốt đến tất cả các xã, ấp. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; nông nghiệp kết hợp với công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, giải quyết 90% lao động nông thôn có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập bình quân đầu người đạt 44,6 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 10%, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo 70%, tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 91%.

Trong đó, để đạt được các mục tiêu trên, các giải pháp địa phương sẽ triển khai trong thời gian tới gồm: tiếp tục tổ chức lại các hình thức sản xuất có hiệu quả hơn, tạo điều kiện cho nông dân nắm bắt và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực trên địa bàn góp phần tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Điều chỉnh quy hoạch sản xuất theo vùng sản xuất chuyên canh, thâm canh bền vững gắn với quy hoạch tổng thể của huyện. Xây dựng các vùng sản xuất tập trung, đẩy mạnh triển khai ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao hàm lượng công nghệ trong sản phẩm, tạo mối liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

Thêm vào đó, bố trí nguồn vốn hợp lý, thi công các công trình có trọng điểm, ưu tiên cho các công trình cấp thiết để phục vụ sinh hoạt, sản xuất, đi lại và vận chuyển. Tránh tình trạng đầu tư dàn trải không có trọng tâm, trọng điểm làm thất thoát vốn đầu tư. Tiếp tục đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp, từng bước hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, nhất là các tuyến đê bao phục vụ phòng chống triều cường, biến đổi khí hậu.

Song song với đó, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trạm y tế, xã. Xây dựng đội ngũ cán bộ ngành y tế theo yêu cầu nâng cao chất lượng chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân và đối tượng chính sách. Ngoài ra, tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu và có giải pháp chủ động phòng ngừa, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng./.

BT
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực