Theo ông Phạm Khánh Ly, Phó vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản - Tổng cục Thủy sản, giai đoạn 2016 - 2020 sẽ triển khai thực hiện nhiều dự án, đề tài... nhằm khai thác bền vững, hiệu quả mô hình kinh tế sản xuất tôm - lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
|
Thu hoạch tôm nuôi trên đất lúa. (Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN) |
Các dự án, đề án gồm: điều tra, đánh giá và thiết kế lại đồng ruộng, trong đó có cả hệ thống thủy lợi, hạ tầng giao thông vùng nuôi tôm lúa; khuyến nông về nhân rộng mô hình tôm - lúa hiệu quả vùng ĐBSCL; xây dựng và áp dụng quy phạm VietGAP cho tổ hợp tác, hợp tác xã vùng sản xuất tôm - lúa; xây dựng mô hình đồng quản lý trong nuôi tôm - lúa tại những vùng nuôi tập trung thông qua hình thức tổ chức nông dân; nâng cao năng lực cán bộ kỹ thuật và nông dân thực hiện đề án phát triển nuôi tôm - lúa vùng ĐBSCL; xây dựng cơ chế chính sách phát triển ngành sản xuất tôm - lúa theo chuỗi.
Tiếp đến, các Viện, Trường chuyên ngành nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất tôm - lúa tại các vùng sinh thái khác nhau; nghiên cứu công nghệ sản xuất giống và canh tác lúa chịu mặn chất lượng cao phục vụ xuất khẩu; nghiên cứu nhóm thuốc bảo vệ thực vật gốc sinh học cho canh tác lúa - tôm để hạn chế tác động đến vụ tôm. Bên cạnh đó, sản xuất thử nghiệm trên cơ sở hoàn thiện quy trình công nghệ nuôi tôm - lúa năng suất cao giảm thiểu được dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái. Sản xuất thức ăn cho nuôi thương phẩm tôm sú - lúa phù hợp các giai đoạn phát triển.
Tổng cục Thủy sản phối hợp với ngành chức năng và các địa phương xúc tiến thương mại, quảng bá, xây dựng thương hiệu quốc gia sản phẩm tôm - lúa và chương trình chứng nhận sản phẩm tôm sinh thái. Thiết lập hệ thống thông tin thương mại quốc gia về sản phẩm tôm - lúa. Đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi, ao đầm, vật tư, thiết bị đầu vào và thu hoạch, chế biến sản phẩm tôm, lúa. Đầu tư cơ sở sản xuất giống, cơ sở chế biến tôm, lúa xuất khẩu.
Với việc triển khai thực hiện những dự án, đề tài, đề án này và kết hợp nhiều cách làm, giải pháp hữu hiệu khác trong nuôi tôm - lúa, ĐBSCL phấn đấu hàng năm tăng năng suất tôm nuôi từ 500 kg/ha/vụ trở lên; năm 2020 đạt diện tích tôm - lúa 200.000 ha, sản lượng tôm 100.000 - 120.000 tấn/năm và năm 2030 là 250.000 ha, sản lượng tôm 125.000 - 150.000 tấn/năm.
So với trồng lúa, nuôi tôm truyền thống, sản xuất tôm - lúa là nghề mới, phát triển trong hơn 15 năm qua đã góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân nhiều vùng ven biển vùng ĐBSCL. Năm 2015, diện tích sản xuất luân canh 1 vụ tôm - 1 vụ lúa toàn vùng khoảng 160.000 ha, năng suất bình quân đạt 300 - 500 kg/ha, phần lớn tập trung tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Tiền Giang, Bến Tre… Mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao so với độc canh cây lúa trên cùng diện tích, năng suất tôm, lúa nâng lên qua từng năm do nông dân có nhiều kinh nghiệm kết hợp áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, sản xuất tôm - lúa là mô hình kinh tế duy chỉ có ở ĐBSCL, chưa nơi nào trên cả nước cũng như các nước trong khu vực và thế giới có mô hình canh tác thể hiện tính bền vững này. Lợi ích của nuôi tôm - lúa là tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất; giảm chi phí đối với vụ làm lúa về làm đất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tạo sản phẩm lúa và tôm an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, mô hình sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường. Vào mùa khô, nước ngoài sông, rạch mặn thì lấy vào nuôi tôm, khi mùa mưa xuống có nước ngọt rửa mặn đồng ruộng để trồng lúa giúp nông dân thu về hai nguồn lợi có giá trị kinh tế là tôm và lúa./.