Nuôi cá lồng, bè là một trong những lợi thế của tỉnh Tuyên Quang (Ảnh: SN)
Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc, sở hữu mạng lưới sông, suối dày đặc với tiềm năng lợi thế trên 12.000 ha mặt nước, trong đó có trên 8.400 ha diện tích mặt nước hồ thủy điện, hàng nghìn ha hồ thủy lợi và hàng trăm km mặt sông có khả năng nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, Tuyên Quang có lợi thế về khu hệ cá trên sông với nhiều đối tượng phong phú và đa dạng, trong đó có các loài cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như: cá rầm xanh, cá anh vũ, cá chiên, cá lăng, cá bỗng..., vì vậy có thể đầu tư phát triển thủy sản hàng hóa.
Những năm gần đây, phát huy lợi thế, tiềm năng diện tích mặt nước ở hồ thủy lợi, hồ thủy điện, phong trào nuôi cá lồng của tỉnh phát triển mạnh và tập trung tại huyện Na Hang và Chiêm Hóa. Một số doanh nghiệp và Hợp tác xã đầu tư, phát triển nuôi cá lồng trên sông, hồ thủy điện đã góp phần nâng cao năng suất, sản lượng nuôi trồng thủy sản. Thực tế nuôi cá lồng bè ở Tuyên Quang đã cho nhiều kết quả nhất định, trong đó, một số đơn vị sản xuất thủy sản đã vinh dự nằm trong tốp 69 đơn vị dẫn đầu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố, công nhận “Địa chỉ xanh cung cấp thực phẩm sạch”.
Về tình hình nuôi cá lồng, bè trên địa bàn tỉnh hiện nay, theo Chi cục Thủy sản Tuyên Quang, trong 9 tháng năm 2016, số lượng lồng nuôi cá đạt 1.393 lồng, trong đó có 358 lồng nuôi cá đặc sản, cá có giá trị kinh tế. Riêng nuôi trên hồ thuỷ điện là 844 lồng, nuôi trên sông là 573 lồng. Cũng trong 9 tháng năm 2016, sản lượng nuôi cá lồng trên sông đạt 56 tấn; sản lượng cá đặc sản, cá có giá trị kinh tế cao đạt 51 tấn.
Cùng với những kết quả đạt được, theo Chi cục Thủy sản tỉnh Tuyên Quang, việc nuôi cá lồng, bè trên địa bàn tỉnh vẫn gặp khá nhiều khó khăn do chất lượng môi trường nuôi trồng thủy sản ngày càng suy giảm. Nguyên nhân do tác động của các nhà máy công nghiệp; tác động của việc bồi lắng tại các hồ chứa thủy lợi; tình trạng cạn kiệt dòng chảy tại các sông, suối làm ảnh hưởng nguồn nước cung cấp cho nuôi trồng thủy sản. Đây là nguy cơ rất lớn đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản. Nếu hiện tượng này kéo dài sẽ dẫn đến phát sinh dịch bệnh thủy sản trên diện rộng và diện tích nuôi trồng thủy sản có nguy cơ bị thu hẹp lại, một số vùng có nguy cơ mất diện tích mặt nước có thể thả lồng nuôi cá.
Bên cạnh đó, tuy công tác nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất giống cá đặc sản quý hiếm bằng phương pháp sinh sản nhân tạo bước đầu cho kết tốt nhưng số lượng con giống sản xuất được còn ít, chỉ mang tính chất nghiên cứu, chưa đưa vào sản xuất với quy mô lớn. Vì vậy, chưa đáp ứng đủ nhu cầu nuôi các loài cá đặc hữu của nhân dân địa phương.
Đáng chú ý là việc tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn do các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều kinh nghiệm và kinh phí triển khai thực hiện công tác quảng bá sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Kinh phí triển khai nhân rộng các mô hình nuôi cá lồng, đặc biệt là các mô hình nuôi cá đặc sản, quý hiếm và có giá trị kinh tế cao còn hạn chế.
Theo Chi cục Thủy sản Tuyên Quang, để phát huy thế mạnh nghề nuôi cá lồng bè tại tỉnh, ngành sẽ chú trọng phát triển theo hướng tăng diện tích nuôi và tỷ lệ lồng nuôi các loài cá bản địa quý hiếm (dầm xanh, anh vũ, chiên, lăng chấm, bỗng…); các loại có giá trị kinh tế cao ở vùng thích nghi với các loài cá đặc sản, có giá trị kinh tế, đang được thị trường ưa chuộng. Chú trọng khâu chế biến thức ăn để giảm chi phí, gia tăng giá trị nuôi thủy sản. Đồng thời đầu tư và nâng cao hiệu quả sản xuất của các cơ sở sản xuất giống tập trung, đảm bảo cung cấp đủ cá giống cho nhu cầu trong tỉnh và một số vùng lân cận.
Cùng với đó, tăng tỷ lệ lồng nuôi các loài cá có giá trị kinh tế cao từ 20% hiện nay lên 50% vào năm 2020, phấn đấu giá trị sản xuất lĩnh vực thủy sản đạt khoảng 300 tỷ đồng. Trong đó, tỷ trọng giá trị sản xuất cá đặc sản tăng từ 1,6% (năm 2014) lên 25%; cá thương phẩm thông thường từ 99,4% giảm xuống 75%.
Để đạt được các mục tiêu trên, theo Chi cục Thủy sản Tuyên Quang, ngành thủy sản của tỉnh sẽ tiếp tục duy trì số lượng lồng nuôi cá truyền thống cùng với việc khuyến khích phát triển nuôi lồng có thể tích lớn (kích thước 108m3), sử dụng vật liệu bền vững hơn để dần thay thế lồng nuôi sử dụng vật liệu truyền thống. Đồng thời, tăng cường công tác ứng dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất các loài cá đặc sản, cá có giá trị kinh tế cao. Tăng cường công tác đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn nguồn nhân lực; hàng năm tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh thủy sản cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tiếp tục hướng dẫn, triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách cho vay vốn có hỗ trợ lãi suất đối với các hộ nuôi cá đặc sản bằng lồng trên sông, hồ thủy lợi. Phát triển nuôi cá lồng bè theo hướng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, áp dụng quy trình thực hành nuôi trồng thủy sản tốt VietGAP, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung; thực hiện tốt cơ chế hỗ trợ kinh phí xây dựng nhãn hiệu và quảng bá sản phẩm; cơ chế hỗ trợ kinh phí đánh giá và cấp giấy chứng nhận VietGAP trong nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, tăng cường hoạt động quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản tập trung để có những khuyến cáo về môi trường, về dịch bệnh, có giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với các hộ sản xuất./.