Ảnh minh họa (Ảnh: BT)
Là một tỉnh miền núi phía Bắc, Tuyên Quang có gần 447.000 ha đất lâm nghiệp, chiếm 76% diện tích tự nhiên. Diện tích rừng hiện có trên 415.000ha là điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển lâm nghiệp.
Thực hiện Kết hoạch bảo vệ và phát triển rừng 5 năm 2011-2015, tỉnh Tuyên Quang đã đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể, trồng rừng tập trung được 71.030ha, đạt 106% kế hoạch do Bộ NN&PTNT giao. Trong đó, trồng rừng phòng hộ, đặc dụng 4.280ha, đạt 123% kế hoạch; trồng rừng sản xuất 66.750ha, đạt 106% kế hoạch, trồng rừng thay thế đạt 187ha, chăm sóc rừng trồng 153.810 lượt ha, trồng được 3,09 triệu cây phân tán các loại, đạt 134,3% kế hoạch. Kết quả trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, khai thác hợp lý gỗ rừng trồng đã góp phần duy trì tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh luôn đạt trên 64%. Bên cạnh đó, thu nhập từ sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp và trồng rừng đã góp phần xóa đói giảm nghèo, giá trị sản xuất lâm nghiệp của tỉnh tăng bình quân 1,69%/năm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành lâm nghiệp tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp cho kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh thấp hơn so với chỉ tiêu nhiệm vụ được giao. Ngân sách của tỉnh còn khó khăn nên một số chính sách đầu tư cho kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng chưa được thực hiện. Nguồn vốn và phần vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng hàng năm chỉ đáp ứng được 20-30% tổng nhu cầu của tỉnh.
Mặt khác, năng suất, chất lượng rừng trồng còn thấp do hệ thống nguồn giống và hạ tầng kỹ thuật sản xuất giống chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất giống công nghệ cao. Việc đầu tư thâm canh, bón phân cho cây trồng và áp dụng biện pháp kỹ thuật tiến bộ trong sản xuất lâm nghiệp còn hạn chế do thiếu nguồn lực. 80% diện tích rừng trồng hàng năm do cá nhân, hộ gia đình tự bỏ vốn đầu tư, nhưng chưa được tiếp cận vốn vay ưu đãi. Mặt khác, đời sống của đại đa số người trồng rừng còn gặp nhiều khó khăn, do đó trồng rừng với mục đích kinh doanh rừng gỗ nhỏ chiếm tỷ lệ lớn.
Thêm vào đó, đời sống của một bộ phận người dân sống gần rừng, liền rừng có nơi còn khó khăn, còn thiếu đất sản xuất nông nghiệp, ngành nghề kinh doanh chế biến gỗ chưa là ngành kinh doanh có điều kiện thuận lợi. Các tổ chức kinh tế lâm nghiệp còn yếu, chưa phát huy được vai trò đầu tàu trong phát triển lâm nghiệp do các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn về tài chính.
Để tiếp tục thực hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Sở NN&PTNT Tuyên Quang kiến nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đề xuất với Chính phủ mở rộng đối tượng được thụ hưởng các chính sách phát triển rừng sản xuất, đặc biệt là chính sách hỗ trợ giống cây trồng rừng chất lượng tốt cho các tổ chức hộ gia đình thực hiện trồng rừng gỗ lớn từ đầu chu kỳ. Bên cạnh đó, đề xuất với Chính phủ có cơ chế hỗ trợ phát triển thị trường các sản phẩm lợi thế, tiềm năng của vùng Đông Bắc nói chung và Tuyên Quang nói riêng về gỗ và sản phẩm đồ gỗ rừng trồng, trồng và chế biến cây dược liệu, dự án hợp tác quốc tế bảo tồn đa dạng sinh học,…/.