Ứng dụng mô hình tưới nước công nghệ cao tại Hòa Bình

Thứ hai, 12/01/2015 19:11
(ĐCSVN)Những năm gần đây, cơ cấu cây trồng của tỉnh Hòa Bình có xu hướng phát triển các cây ăn quả có múi như cam, buởi…Mặc dù nguồn nước tưới không ổn định nhưng nhờ việc ứng dụng các mô hình nước tưới công nghệ cao nên các sản phẩm tại đây được đánh giá có chất lượng ổn định và được thị trường ưa chuộng.


Là tỉnh có địa hình tương đối cao, độ dốc lớn, thổ nhưỡng thuận lợi để trồng các loại cây có múi. Tuy nhiên nguồn nước tưới lại chủ yếu dựa vào lượng nước trữ tại các hồ chứa nên các mô hình tưới nước công nghệ cao, tiết kiệm nước được áp dụng khá rộng rãi tại các vùng trồng cây nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Theo thống kê của Tổng Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại tỉnh Hòa Bình hiện có khoảng 22 mô hình áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, tập trung tại huyện Lạc Thủy (09 mô hình tưới phun mưa); huyện Yên Thủy (03 mô hình tưới phun mưa); huyện Lương Sơn (05 mô hình tưới phun mưa); huyện Cao Phong (05 mô hình gồm: 01 mô hình tưới phun mưa, 04 mô hình tưới nhỏ giọt).

 

Nhờ áp dụng các mô hình tưới nước công nghệ cao nên chất lượng
 hoa quả tại Hòa Bình khá ổn định, hình thức đồng đều. (Ảnh: VT)

Trong đó, những mô hình tưới nước tiết kiệm bằng ống mềm và tưới nước bằng công nghệ nhỏ giọt đem lại hiệu quả đáng kể và đang được áp dụng khá phổ biến, đặc biệt là với cây cam tại huyện Cao Phong. Đối với hệ thống tưới nước bằng ống mềm, kinh phí đầu tư thấp, chỉ khoảng 35 -40 triệu đồng/ha nhưng lại dễ sử dụng, tiết kiệm nước được khoảng 70-75% so với tưới bình thường, thời gian tưới mỗi lần chỉ khoảng 60 phút nên khá phù hợp với các doanh nghiệp và hộ nông dân nhỏ lẻ

Đối với hệ thống tưới nước nhỏ giọt, mặc dù chi phí đầu tư cao hơn, khoảng 55 - 60 triệu đồng/ha nhưng bù lại ưu điểm có thể thực hiện được trên những vùng đất dốc, địa hình phức tạp, chiếm ít diện tích đất và áp dụng được trên các loại đất khác nhau. Đồng thời, đảm bảo cho cây trồng có năng suất và chất lượng cao mà tiết kiệm được nước, phân bón và công lao động, cho phép tưới chính xác diện tích cần tưới, đúng lưu lượng nước.

Về nguyên lý hoạt động, các phương pháp tưới nước công nghệ cao đều lợi dụng các sườn đồi dốc, thu giữ nước để tạo nguồn tưới chủ động. Đồng thời có thể kết hợp bón phân và thuốc phòng trừ sâu bệnh, giúp việc quản lý chất dinh dưỡng cho cây trồng chủ động và hiệu quả. Nhờ vậy mà những năm gần dây, diện tích cam Cao Phong không ngừng được phát triển, hiện diện tích trồng cam trong vùng vào khoảng 1.200 ha, tốc độ mở rộng diện tích trung bình từ 10 – 15%/năm và đạt sản lượng 16 nghìn tấn/năm.

Bên cạnh đó, các giải pháp ứng dụng công nghệ tưới nước công nghệ cao cũng góp phần giúp giảm lượng nước tưới từ 40 – 60% lượng nước từ các hồ chứa và nguồn nước khai thác tự nhiên. Đảm bảo chất lượng tốt cho hoa quả, hình thức đồng đều và không để tồn dư nhiều lượng chất bảo vệ thực vật trong quá trình chăm bón.

Theo TS. Trần Chí Trung, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, mặc dù việc áp dụng công nghệ tưới nước công nghệ cao đối với cây ăn quả và các vùng trồng cây thương mại hứa hẹn tiềm năng phát triển lớn. Tuy nhiên, lợi ích và các khía cạnh kinh tế của các công nghệ tưới này còn phụ thuộc lớn vào điều kiện cụ thể của từng vùng, nhất là điều kiện về kinh tế.

Đối với tỉnh Hòa Bình, do các khu vực bố trí mô hình tưới thường ở xa nguồn nước, trữ lượng nước tại các hồ chứa lại tăng giảm theo mùa nên việc lấy nước tưới khá khó khăn. Việc bảo quản thiết bị, máy móc cũng bị ảnh hưởng do phải thường xuyên di chuyển. Trong khi đó việc áp dụng các mô hình này cũng chưa thể nhân rộng.

Sở dĩ việc nhân rộng gặp nhiều khó khăn là do đại đa số hộ gia đình vẫn sử dụng phương thức tưới truyền thống. Việc đưa vào sử dụng công nghệ này đòi hỏi chi phí và kỹ thuật phức tạp hơn, trong khi đó lại chưa có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các hộ sản xuất.

Do đó để mở rộng được các mô hình tưới tiết kiệm nước cho cây trồng cạn ở Hòa Bình, theo Tổng Cục Thủy lợi cần phải có quy hoạch tổng thể để tập trung các khu vực trồng cây ăn quả và nguồn nước phục vụ. Bên cạnh đó, xây dựng chính sách hỗ trợ cụ thể và mở rộng các mô hình tưới tiết kiệm đối với các loại cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời kiến nghị Nhà nước đầu tư nâng cấp các hồ chứa để ổn định các nguồn nước phục vụ tưới./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực