Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm hiện đại đội tàu đánh bắt xa bờ khu vực miền Trung

Thứ hai, 03/08/2015 11:16

(ĐCSVN) - Thực tế hiện nay, ngành khai thác thủy sản nước ta mới chỉ tập trung đầu tư theo chiều rộng, thiếu đầu tư chiều sâu dẫn đến năng suất, chất lượng, hiệu quả thấp. Hiện đại đội tàu đánh bắt xa bờ để tăng hiệu quả khai thác, đánh bắt thủy hải sản được coi là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Điều này được đặc biệt nhấn mạnh tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm hiện đại hóa đội tàu cá khai thác xa bờ khu vực miền Trung” diễn ra ngày 31/7 vừa qua tại Khánh Hòa. Diễn đàn do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Khánh Hòa tổ chức.

 

 Tàu cá đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi cập bến (Ảnh: HNV)


Theo Ban tổ chức, Diễn đàn diễn ra nhằm tư vấn, hướng dẫn bà con ngư dân, cán bộ khuyến nông hiểu và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào khai thác hải sản xa bờ, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, giữ vững chủ quyền, an ninh biển đảo đồng thời khẳng định thêm việc hiện đại hóa tàu cá hiện nay là hết sức cần thiết.

Phát biểu tại diễn đàn, TS. Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm KNQG cho biết, những thập kỷ qua, đội tàu khai thác thủy sản của Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Nếu những năm 1990 cả nước chỉ có khoảng 41.266 chiếc với tổng công suất máy 727.500 CV, thì đến năm 2011 số lượng tàu tăng gấp 3 lần, công suất máy tăng gấp 10 lần. Đội tàu khai thác xa bờ từ chỉ có 1.000 chiếc trên 90CV những năm 2000, thì đến năm 2015 có trên 30.500 tàu, chiếm khoảng 27% số lượng tàu thuyền của cả nước.

Cùng với sự phát triển số lượng tàu thuyền, công nghệ khai thác thủy hải sản ở nước ta cũng có tiến bộ vượt bậc. Hiện, đã có 14/28 tỉnh, TP ven biển được trang bị các trạm bờ và máy thông tin liên lạc trên tàu phục vụ giám sát các hoạt động của tàu trên biển. Một số tàu đánh bắt xa bờ đã sử dụng vật liệu Polyurethane để làm hầm bảo quản sau thu hoạch… Nhờ vậy, sản lượng khai thác thủy sản tăng lên hằng năm. Năm 2011, sản lượng khai thác hải sản cả nước đạt hơn 2,2 triệu tấn thì đến năm 2014, sản lượng đạt 2,7 triệu tấn, tạo công ăn việc làm cho khoảng 700.000 lao động trực tiếp trên biển. Mặc dù ngành khai thác thủy sản nước ta đạt nhiều thành tựu tiến bộ, nhưng mới chỉ tập trung đầu tư theo chiều rộng, thiếu đầu tư chiều sâu dẫn đến năng suất, chất lượng, hiệu quả thấp. “Đội tàu đánh bắt chúng ta có hơn 99% là vỏ gỗ và 90% động cơ cũ, lao động thủ công là chính, công nghệ bảo quản lạc hậu nên thất thoát sau thu hoạch từ 25 - 30%, chất lượng kém. Do đó, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm hiện đại hóa đội tàu cá đánh bắt xa bờ hiện nay là rất cần thiết”, ông Thông nhấn mạnh.

Th.S Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cũng nhìn nhận nghề khai thác cá ngừ đại dương ở miền Trung tuy phát triển nhanh, nhưng vẫn bộc lộ một số bất cập trang thiết bị, công nghệ khai thác, bảo quản sản phẩm trên tàu thủ công, lạc hậu; tổ chức SX thiếu chặt chẽ; hoạt động thu mua, tiêu thụ sản phẩm phân tán, chưa được kiểm soát... “Cuối năm 2014 cả nước có 3.554 tàu khai thác cá ngừ, trong đó nghề câu vàng và câu tay ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa là 1.759 tàu. Sản lượng khai thác cá ngừ năm 2014 của 3 tỉnh này đạt 15.942 tấn, chỉ bằng 98% so với năm 2012. Trong khi chi phí các chuyến biển cao, sản lượng đánh bắt, giá bán cá ngừ thấp nên nhiều tàu bị lỗ vốn”, ông Tuấn cho biết thêm.

Cũng tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Tính, phường Vĩnh Thọ, TP Nha Trang (Khánh Hòa) đánh giá cao hiệu quả khi áp dụng tiến bộ kỹ thuật (TBKT) trong khai thác xa bờ. Như gia đình ông hiện nay việc đánh bắt thủy sản rất thuận lợi, ăn nên làm ra bởi nhờ tàu được trang bị các thiết bị phục vụ khai thác như máy định vị hải đồ, máy dò cá ngang, đứng... Mặc dù lúc đầu sử dụng gặp khó khăn, nhưng chỉ khoảng 1 tháng sử dụng ông Tính đã thuộc các tính năng và cách điều chỉnh các máy. Vì vậy, sản lượng đánh bắt tàu lưới kéo đã tăng dần sau mỗi chuyến biển.

Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, ngày 7/7/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản. Đến nay, đã có 25/28 tỉnh phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu cá. Số tàu đăng ký đóng mới đã lên đến 672 tàu, trong đó 294 chiếc tàu vỏ thép, 47 chiếc tàu vật liệu mới và 331 chiếc tàu gỗ với công suất từ 400 - 1.000 CV trở lên...

Trong khi đó, theo ông Tào Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Khánh Hòa cho biết, xu hướng hiện nay ngư dân ngày càng đầu tư tàu có công suất lớn, ứng dụng TBKT để vươn khơi khai thác xa bờ có hiệu quả. Tuy nhiên do tính đặc thù của mỗi nghề, khả năng đầu tư vốn và trình độ nắm bắt thông tin mỗi ngư dân nên việc ứng dụng các TBKT ở Khánh Hòa vẫn còn ở mức thấp. Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh sẽ vận dụng tối đa sự hỗ trợ của các nguồn vốn để giúp ngư dân; thành lập thêm các tổ đội và ngư đội khai thác để tổ chức khai thác an toàn, có hiệu quả kinh tế cao; đồng thời đề xuất lên các chính sách về hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp...

Liên quan ứng dụng vật liệu Polyurethane trong hầm bảo quản, ông Nguyễn Văn Lung, Trưởng phòng Khuyến ngư (Trung tâm Khuyến nông quốc gia) khẳng định, để bảo quản sản phẩm tốt, giảm tổn thất sau thu hoạch, kéo dài thời gian bảo quản mà chất lượng sản phẩm vẫn đạt tiểu chuẩn xuất khẩu, thì việc đóng hầm bảo quản bằng vật liệu Polyurethane đã đáp ứng được yêu cầu. Bởi vật liệu này là nhựa tổng hợp dạng bột cứng, được tạo thành từ 2 loại chất lỏng chính, sẽ bám chặt vào lớp ván vỏ tàu và lớp ván phía trong tạo thành một khối vừa cứng, cách nhiệt, không thấm nước góp phần bảo vệ vỏ tàu và chất lượng bảo quản sản phẩm tăng từ 7 ngày lên trên 20 ngày

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực