Vĩnh Phúc: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp

Thứ sáu, 17/07/2015 15:33

(ĐCSVN) - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vĩnh Phúc, thực hiện Quyết định số 11/2006/QĐ-TTg ngày 12/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình trọng điểm và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020”, nhiều tiến bộ khoa học công nghệ đã được tỉnh nghiên cứu, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, cho nhiều kết quả ban đầu.

Ảnh minh họa (Ảnh: MH)

Bên cạnh đó, đã hình thành nhiều vùng trồng trọt sản xuất hàng hóa cho giá trị gia tăng cao như: vùng lúa chất lượng Vĩnh Tường, Yên Lạc; bí đỏ Vĩnh Tường; dưa chuột tam Dương, thanh long ruột đỏ Lập Thạch...Giá trị sản xuất trồng trọt liên tục tăng dần qua các năm, trong đó, năm 2006, giá trị sản xuất (theo giá thực tế) đạt hơn 1.500 tỷ đồng, tăng lên đạt trên 4.000 tỷ đồng năm 2014. Giá trị sản xuất/đơn vị đất canh tác liên tục tăng, năm 2005 đạt 31 triệu đồng/ha, tăng lên, ước đạt 135 triệu đồng/ha năm 2014.

Về lĩnh vực chăn nuôi, ngành phát triển mạnh về số lượng và chất lượng, trở thành ngành sản xuất mũi nhọn về tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng giá trị sản xuất trong nông nghiệp. Năm 2006 tỷ trọng chăn nuôi chiếm 39,07%, đến năm 2014 đạt 52,4%. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi (theo giá thực tế) tăng đều qua các năm; năm 2006 đạt gần 100 tỷ đồng; năm 2010 tăng lên đạt trên 3.000 tỷ đồng và đạt hơn 5.300 tỷ đồng năm 2014.

Về lĩnh vực thủy sản, giai đoạn 2006-2014, sản lượng thủy sản tăng trưởng bình quân 8,55%/năm; sản xuất cá giống phát triển mạnh, tăng trưởng sản lượng bình quân 5,78%/năm. Giá trị sản xuất thủy sản năm 2006 đạt 159,23 tỷ đồng (theo giá thực tế), tăng lên 400,37 tỷ đồng năm 2010 và đạt 897,89 tỷ đồng năm 2014; tăng trung bình 23,8%/năm và đến năm 2014 đã chiếm 7,2% tổng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản.

Đạt được những kết quả trên, công nghệ sinh học đóng góp một vai trò quan trọng, góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy phong trào phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả và phát triển bền vững. Trong đó, hầu hết các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp đều có mặt sớm và phát huy hiệu quả ở Vĩnh Phúc như: các giống lúa mới, ngô mới chọn tạo bằng công nghệ sinh học cho năng suất, chất lượng cao; ghép cà chua trên gốc cà tím, ghép dưa hấu trên gốc bầu; trồng giống hoa lan sản xuất theo công nghệ nuôi cấy mô; chăn nuôi lợn, gia cầm trên nền đệm lót sinh học; các giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, các loại vắc xin thế hệ mới trong phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm,...

Tuy vậy, việc ứng dụng công nghệ sinh học trong phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống, sức khỏe của nhân dân. Ngân sách tỉnh đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học còn ở mức khiêm tốn. Nguồn nhân lực trình độ cao, có thể làm chuyên gia trong việc nghiên cứu, hướng dẫn, chuyển giao công nghệ sinh học còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu.

Thời gian tới, nhằm thực hiện Quyết định số 11/2006/QĐ-TTg ngày 12/1/2006 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học vào các lĩnh vực của sản xuất và đời sống; góp phần thực hiện thành công chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Bộ NN&PTNT,... theo Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc, ngành sẽ tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

Trong đó, xác định phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học vào các lĩnh vực của sản xuất, đời sống là giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa, thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hương nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi; tạo ra sản phẩm có tính ưu việt, có giá trị gia tăng cao, tăng khả năng cạnh tranh trong tiêu dùng; bảo vệ môi trường; nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững.

Thêm vào đó, tiếp tục quan tâm đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho các đơn vị nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học nhằm đưa nhanh các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất đại trà. Đề xuất các chính sách nhằm thu hút, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên sâu về công nghệ sinh học. Đồng thời, tạo môi trường và chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư tại Vĩnh Phúc./.

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực