Vĩnh Phúc: Tăng cường các giải pháp thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp

Thứ tư, 09/09/2015 18:00

(ĐCSVN) - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Vĩnh Phúc, thực hiện cơ giới hóa trên lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, công tác ứng dụng máy móc, thiết bị vào các khâu làm đất, thu hoạch,…trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Nông dân Vĩnh Phúc đưa máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch lúa
(Ảnh: baovinhphuc.com.vn

Theo Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc, hiện nay, toàn tỉnh có 50.014,84ha diện tích đất nông nghiệp, trong đó, đất trồng cây hàng năm 41.088,56ha, chiếm 82,2% tổng diện tích đất nông nghiệp. Do địa phương là tỉnh có tỷ trọng công nghiệp cao, đa số lực lượng lao động tham gia vào sản xuất công nghiệp dẫn đến thiếu hụt lao động sản xuất nông nghiệp chung trên toàn tỉnh. Bởi vậy ở nhiều địa phương người dân đã và đang chú trọng đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp ở các khâu chủ yếu như làm đất, gieo cấy, thu hoạch. Thực hiện cơ giới hóa trong nông nghiệp đã giúp tháo gỡ gánh nặng, nỗi lo cho người nông dân về chất lượng nguồn lực lao động trong nông nghiệp, đồng thời là giải pháp giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp trong trong tình hình sản xuất hiện nay.

Thực hiện cơ giới hóa trên lĩnh vực trồng trọt, tính trung bình trên địa bàn tỉnh, đối với cây lúa, khâu làm đất bằng máy chiếm khoảng 80% diện tích, lúa gieo thẳng bằng giàn kéo tay chiếm 2,68% diện tích; chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh chiếm 5,05%. Trong khâu thu hoạch lúa, nông dân đã bất đầu mạnh dạn đầu tư máy gặt đập liên hợp và đưa vào sử dụng. Hiện nay, toàn tỉnh có 22 máy gặt đập liên hợp, 39 máy gặt lúa rải hàng bảo đảm thu hoạch khoảng 6,46% tổng diện tích. Về kết quả cơ giới hóa diện tích rau, màu chia theo các huyện thành thị, tính đến tháng 9/2014, chủ yếu cơ giới hóa được đưa vào khâu làm đất nhưng chiếm tỷ lệ khá ít vơi 8,07% tổng diện tích rau màu.

Tuy nhiên, việc thực hiện cơ giới vào sản xuất trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn do thực trạng ruộng đất còn manh mún, đời sống nông dân còn nghèo. Mặc dù địa phương đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc dồn điền, đổi thửa nhưng kết quả thực hiện tại một số địa phương vẫn chưa cao; đồng thời vẫn còn nhiều thửa ruộng nhỏ lẻ, địa hình phức tạp, khó đưa máy móc vào sản xuất.

Đối với người nông dân, mặc dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ lãi suất mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng trên thực tế việc tiếp cận hỗ trợ còn nhiều bất cập. Thủ tục vay còn rườm rà, phải qua nhiều bước thẩm định từ hồ sơ vay tiền đến hồ sơ mua máy, thiết bị,…bởi vậy người dân không mấy mặn mà. Mặt khác, thu thập từ sản xuất nông nghiệp còn thấp nên việc đầu tư mới hoàn toàn các thiết bị cơ giới bằng 100% nguồn vốn của nông dân rất hạn chế.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do cơ sở hạ tầng và quy hoạch chỉnh trang đồng ruộng chưa đồng bộ, địa hình không bằng phẳng gây khó khăn trong việc di chuyển và tác nghiệp trên đồng ruộng, đặc biệt ở khâu thu hoạch, dẫn tới năng suất thấp, tăng chi phí nhân công, nhiên liệu, sửa chữa vào bảo dưỡng. Thu nhập từ sản xuất nông nghiệp của người dân còn thấp nên khả năng đầu tư máy móc, thiết bị cơ giới hóa gặp nhiều khó khăn; đa số lao động ở nông thôn chưa qua đào tạo nghề; dịch vụ sửa chữa máy nông nghiệp kém phát triển, ứng dụng cơ giới hóa tại một số vùng chưa hiệu quả, chưa phát huy hết công năng, tác dụng của máy dẫn tới năng suất lao động đạt thấp, chi phí đầu tư cao, thu hồi vốn chậm đã ảnh hưởng đến việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, thị trường cung cấp máy, thiết bị cơ giới trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế về số lượng và chủng loại. Giá các loại máy cao, chất lượng không đồng bộ. Việc sử dụng máy móc trong nông dân chưa thành thói quen. Thực tế hiện nay, các hộ sử dụng cơ giới trong sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, phần lớn chưa qua đào tạo, bảo dưỡng máy trong quá trình vận hành còn lúng túng.

Nhằm khắc phục những khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp hiệu quả, theo Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc, trong thời gian tới, ngành sẽ tập trung vào thực hiện những giải pháp cụ thể. Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Xây dựng quy hoạch phát triển vùng sản xuất tập trung, chuẩn hóa cơ cấu cây trồng đồng nhất về giống, cơ cấu thời vụ. Hình thành hệ thống quản lý nhà nước đến tận cơ sở về cơ giới hóa; thực hiện chính sách vay vốn ưu đãi thời hạn dài hạn, miền giảm thuế, hỗ trợ đào tạo nghề.

Bên cạnh đó, củng cố hạ tầng của vùng quy hoạch như: hệ thống thủy lợi, hệ thống giao thông nội đồng đảm bảo cho máy làm đất, máy gặt đập liên hợp có thể di chuyển, vận hành dễ dàng. Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn sử dụng, vận hành hiệu quả các loại máy móc trong sản xuất lúa. Xây dựng các mô hình trình diễn về ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp, từ đó làm gương điển hình để người nông dân thấy được đến học hỏi và áp dụng về gia đình, địa phương.

Thêm vào đó, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 8.000 con bò sữa, hơn 500 trang trại và hàng nghìn gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, việc cơ giới hóa vào lĩnh vực này còn hạn chế, ảnh hưởng rất lớn năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và thu nhập của người nông dân. Vì vậy, việc tuyên truyền vận động và xây dựng cơ chế chính sách thích hợp, thúc đẩy đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp là giải pháp quan trọng, qua đó kích thích sản xuất phát triển, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực