Cà Mau diện tích nuôi tôm thâm canh phát triển nhanh

Thứ hai, 21/11/2016 16:45
Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Cà Mau cho biết, chỉ trong một thời gian ngắn, diện tích nuôi tôm theo hình thức thâm canh ở tỉnh Cà Mau phát triển nhanh, trở thành mô hình nuôi đạt năng suất cao, bền vững.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Đất Mũi

Nếu như năm 2015, mới chỉ có 16 ha nuôi thử nghiệm thì đến nay tổng diện tích nuôi tôm thâm canh trong toàn tỉnh Cà Mau là gần 172 ha. Năng suất rất cao, bình quân đạt 20 tấn/ha. Theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, đây là mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay nên có nhiều triển vọng phát triển trong tương lai.

Ưu điểm của hình thức nuôi này là nuôi được mật độ cao, nuôi được nhiều vụ trong năm do rút ngắn được thời gian cải tạo ao nuôi. Hạn chế được dịch bệnh trong quá trình nuôi do nuôi trong quy trình khép kín; hạn chế được tình trạng gây ô nhiễm môi trường do nguồn nước được xử lý trước khi xả thải ra môi trường bên ngoài; không sử dụng thuốc kháng sinh trong quá trình nuôi, chỉ sử dụng vi sinh xử lý môi trường nên sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ông Trần Minh Long, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau cho biết, hộ ông có 3 ha đất, từ trước đến nay ông nuôi bằng hình thức quảng canh cải tiến, nhưng hạn chế của hình thức nuôi này là năng suất thấp nên thu nhập nhỏ giọt, lúc thì trúng mùa, lúc thất bát rất khó đoán. Năm 2015 ông chuyển sang nuôi thâm canh theo sự khuyến khích của chính quyền địa phương.

Do đây là hình thức nuôi còn mới mẻ nên ông nhờ cán bộ khuyến nông tư vấn. Kết quả khả quan, năm đầu sau khi trừ chi phí ông thu lãi 70 triệu đồng, năm nay dự kiến có khả năng thu lãi từ 100 triệu đồng trở lên.

Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Nguyễn Văn Hắn cho biết, từ trước tới nay người dân trong xã nuôi tôm chủ yếu bằng 2 hình thức, đó là nuôi công nghiệp và nuôi quảng canh cải tiến. Nhưng nuôi công nghiệp đòi hỏi vốn đầu tư lớn, còn nuôi quảng canh cải tiến thì năng suất không cao. Xã đang nghiên cứu mô hình nuôi thâm canh để khuyến khích người dân trong xã thực hiện. Xã sẽ cử đoàn cán bộ đi tham quan một số đơn vị bạn để học hỏi rút kinh nghiệm, phát triển mô hình này.

Theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Cà Mau, bên cạnh những ưu thế vượt trội, nuôi tôm thâm canh cũng có những nhược điểm, đó là chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất còn cao; đòi hỏi kỹ thuật cao trong quá trình sản xuất; nguồn điện phải ổn định trong suốt quá trình nuôi. Tuy nhiên, những hạn chế trên có khả năng khắc phục được với điều kiện người nuôi phải tuân thủ theo quy trình cũng như hướng dẫn về mặt kỹ thuật của cơ quan chức năng./.

Trần Thành Nên/TTXVN
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực