Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Cà Mau
Theo đó, để sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm có hiệu quả, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lê Thanh Triều đã chỉ đạo các địa phương nêu trên thống nhất điều chỉnh lịch thời vụ gieo cấy lúa trên đất nuôi tôm kéo dài đến 15/10/2016. Các khâu cải tạo, rửa mặn cần được thực hiện tích cực, nhất là vào cao điểm các đợt mưa nhiều, đảm bảo độ mặn trong ruộng ổn định dưới 2‰ trước khi gieo sạ. Đồng thời, cơ quan chức năng cần hướng dẫn nông dân chuyển từ phương pháp cấy giống lúa mùa dài ngày sang sạ các giống lúa nhóm A (OM2517, OM6162, OM6976, CXT30, GKG, OM9921), có thời gian sinh trưởng ngắn, thích nghi với điều kiện đất nhiễm mặn đối với những nơi có đủ điều kiện gieo sạ.
Bên cạnh đó, Sở cũng đề nghị các địa phương trên tiếp tục rửa mặn sau khi sạ, cấy và luôn giữ mực nước trong ruộng suốt quá trình canh tác lúa, thường xuyên theo dõi độ mặn trên ruộng để có biện pháp xử lý kịp thời; theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, lượng mưa, xâm nhập mặn để chủ động giữ nước trên ruộng, gia cố bờ bao tránh bị nhiễm mặn.
Ngoài ra, Sở cũng đề nghị các địa phương cần có kế hoạch rà soát, chỉ đạo, hướng dẫn lịch thời vụ và cơ cấu giống cụ thể cho từng tiểu vùng, sát hợp với tình hình thực tế, để sản xuất đạt kết quả vụ lúa trên đất nuôi tôm.
Trước đó, theo Công văn số 35/ĐKTTV CM, ngày 22/9/2016 của Đài Khí tượng Thuỷ văn Cà Mau về việc cập nhật nhận định xu thế mưa, bão, lũ 3 tháng cuối năm 2016, tổng lượng mưa cuối mùa có khả năng ở mức xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ và thời gian kết thúc mùa mưa khả năng muộn hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt là từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12.
Nếu như hàng năm, ngay thời điểm này bà con nông dân tại các vùng chuyển dịch sản xuất tại các địa phương đã đồng loạt cấy lấp vụ lúa trên đất nuôi tôm, nhưng hiện tại những đầm tôm vẫn chưa thể rửa hết được độ mặn do lượng mưa quá ít. Ðối với những nơi bà con nông dân tranh thủ rửa mặn từ những đợt mưa trước cũng tiến hành cấy lấp vụ nhưng cũng không mấy khả quan, bởi lúa đã cấy xuống nhiều ngày nhưng chưa phát triển, do độ mặn trong vuông còn cao.
Trong số các địa phương gặp khó khăn, điển hình nhất là huyện U Minh, dù trong những ngày qua trên địa bàn huyện có mưa, nhưng lượng mưa không đủ rửa mặn, nông dân tại các vùng chuyển dịch nuôi tôm trong huyện đang gặp khó khăn. Hiện toàn huyện chỉ mới có trên 80 ha được cấy lấp vụ.
Vụ lúa - tôm năm nay, huyện U Minh đề ra chỉ tiêu gieo cấy trên 18.000 ha, nhưng theo đánh giá của ngành chuyên môn, trước tình hình lượng mưa ít hơn trung bình hàng năm như hiện nay rất có thể diện tích cấy lúa trên đất nuôi tôm sẽ khó có khả năng đạt được chỉ tiêu.
Vì thế việc điều chỉnh lịch thời vụ sản xuất lúa trên đất tôm đang là biện pháp cần thiết của ngành chức năng tỉnh Cà Mau, bởi không chỉ giúp nông dân chủ động trong sản xuất trước những biến động của thời tiết mà còn đảm bảo đạt được những mục tiêu về sản xuất trong năm của tỉnh./.