(ĐCSVN) - Theo một kết quả khảo sát cho thấy ngân sách nhiều xã thực sự khó khăn. Sự chênh lệch ngân sách xã rất lớn, nhiều xã chỉ có ngân sách vài chục triệu, trong khi đó số xã có ngân sách vài tỷ cũng không ít.
Những xã ngân sách lớn, phần lớn do có hoạt động dịch vụ và bán đất. Hoạt động bán đất diễn ra rất sôi động, nhưng những xã này ngân sách không bền vững vì khi hết đất thì ngân sách sẽ lại giảm. Tại những xã giàu có thì nhà nước vẫn phải bù bổ xung 20-30% ngân sách xã. Với phần lớn các xã trong cả nước, ngân sách xã được bổ xung từ 50-70% từ ngân sách cấp trên. Nhiều xã nghèo, nguồn bổ xung gần tới 100% từ nguồn cấp trên. Thu của ngân sách các xã thuần nông còn khó khăn hơn nhiều những xã có dịch vụ, công nghiệp phát triển. Tại các xã nghèo, nguồn chi thường xuyên, chủ yếu là lương công chức xã, chiếm tới 70-80% tổng ngân sách.
|
Nông dân ở nhiều nơi đã xin trả lại ruộng do có quá nhiều khoản đóng góp tính theo đầu sào (Ảnh: Đ.H) |
Do người dân còn nghèo, nên ở những địa phương khó khăn, các xã không có nguồn thu, khả năng hoạt động của chính quyền cơ sở khó khăn hơn nhiều so với các xã vùng giàu hơn. Ngoài khoản trợ cấp trực tiếp của chính quyền cấp trên, cân đối ngân sách của nhiều xã vùng nghèo và thuần nông trông đợi chủ yếu từ sự đóng góp của dân, không có khoản thu thêm từ các nguồn dịch vụ, từ doanh nghiệp hoặc chuyển đổi đất đai như các xã giầu. Nhìn chung, nhiều xã nghèo do không có đất để bán, hay đất có giá trị thấp đã không có các khoản thu để xây dựng và bảo dưỡng trụ sở UBND, các công trình công cộng. Khi Nhà nước miễn giảm các khoản đóng góp như lao động công ích, thuế nông nghiệp, các xã được cân đối bằng các nguồn thu từ thuế ở các lĩnh vực dịch vụ. Với những xã có dịch vụ phát triển thì đây là một thuận lợi. Nhưng với những xã không hoặc dịch vụ kèm phát triển thì ngân sách xã mất nguồn thu nghiêm trọng.
Nhìn chung, các nguồn thu được nhà nước cho phép từ dân (thuế nhà đất, quỹ đất 5%, hoa lợi công sản,…) chỉ đóng góp một phần nhỏ cho chi quản lý Nhà nước của xã giầu, nhưng đóng vai trò rất quan trọng đối với xã nghèo. Các khoản đóng góp của dân vì vậy đóng một vai trò quan trọng trong ngân sách của xã, đặc biệt là ở miền núi, tỷ lệ này ở nhiều nơi lên tới 48-52%. Qua đó cho thấy, đây sẽ là gánh nặng tăng thêm cho ngân sách của nhà nước trong việc thúc đẩy các chính sách miễn giảm các khoản đóng góp cho dân, đặc biệt là các xã nghèo.
Còn nhiều khoản đóng góp
Theo một số nguồn thông tin, bình quân mỗi hộ dân phải đóng góp cho xã, đoàn thể và hợp tác xã khoảng 28 khoản/năm. Nhìn chung, người dân ở nông thôn phải đóng góp rất nhiều khoản. Các khoản đóng góp bắt buộc theo qui định của nhà nước trung ương và địa phương (tỉnh, huyện) như các Quĩ an ninh quốc phòng, Đền ơn đáp nghĩa, quĩ Chăm sóc trẻ em (quĩ Trẻ thơ), quĩ Phòng chống thiên tai, giao thông nông thôn... Các khoản đóng góp này do UBND xã thu. Các khoản phí trả cho dịch vụ phục vụ sản xuất như dịch vụ bảo vệ thực vật, phí phát triển sản xuất, phí chuyển giao khoa học kĩ thuật, phí diệt chuột, phí quản lí hợp tác xã… Các khoản phí này về nguyên tắc theo thỏa thuận giữa hộ nông dân và hợp tác xã và có nơi địa phương thu. Nhưng trên thực tế, các khoản này thường do qui định của HĐND hay UBND xã, người dân chỉ chấp hành. Do việc kinh doanh của nhiều hợp tác xã yếu kém, vì vậy các khoản thu nhiều nơi đã bị lạm dụng để bù vào hoạt động các hợp tác xã, kể cả UBND xã.
Mặt khác, còn có các khoản đóng góp theo qui định của các đoàn thể (cả lệ phí và quĩ) như Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ,... Các khoản đóng góp này do các đoàn thể thu. Các quĩ đóng góp về nguyên tắc là tự nguyện theo vận động của dòng họ, thôn, xã, huyện, tỉnh như quĩ Khuyến học, quĩ Xóa nhà tranh tre, ngói hóa, quĩ Chữ thập đỏ, quĩ Ủng hộ thiên tai, quĩ Xóa đói giảm nghèo, quĩ Y tế giáo dục, phí Vệ sinh môi trường, quĩ Chất độc màu da cam…
Ảnh hưởng đến thu nhập
Theo một số báo cáo, tỷ lệ đóng góp thấp nhất chiếm 0,6% thu nhập của hộ gia đình và tỷ lệ đóng góp cao nhất lên tới 18% thu nhập của hộ trung bình trong xã. Những khoản thu cao chủ yếu do nông dân phải đóng góp xây dựng đường giao thông và công trình thủy lợi. Nếu tính các khoản đóng góp thường xuyên của dân, trung bình các địa phương dao động từ 1-7% thu nhập bình quân hộ tùy theo từng xã.
Trong các khoản hợp tác xã thu có khoản chi trả dịch vụ của hợp tác xã cung cấp như dịch vụ thú y, dịch vụ khoa học kĩ thuật, bảo vệ đồng, dịch vụ bảo vệ thực vật, phí dịch vụ thủy lợi, quản lí điều hành hợp tác xã. Về mức thu, hợp tác xã tại Hà Nội thu thấp nhất. Tuy các hợp tác xã miền Nam có tỷ lệ đóng góp cao hơn (khoảng 2,5% thu nhập hộ) so với 0,85% của Tây Bắc và 1,96% của đồng bằng sông Hồng nhưng nhìn chung, các hợp tác xã miền Nam có vị thế độc lập với chính quyền xã cao hơn, do vậy xã viên tự nguyện đóng góp và kiểm soát được các khoản thu của hợp tác xã. Trong khi đó, tuy mức thu không lớn nhưng đóng góp cho một số hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp ở miền Bắc lại là vấn đề cho nhân dân ở một số địa phương. Nhiều hợp tác xã nông nghiệp chịu sự chỉ đạo của chính quyền xã và do những người quản lý hợp tác xã đóng cổ phần khống chế, hoạt động của các hợp tác xã này mang tính hình thức và dựa vào chính quyền để thu các khoản từ dân. Vì vậy, người dân không kiểm soát nổi, thắc mắc về các khoản chi của hợp tác xã.
Nhìn chung, ở các hộ nông thôn, phần chi cho giáo dục tương đương 10,8% chi cho lương thực, thực phẩm. Chi cho giáo dục ở một hộ nông thôn gấp gần 3 lần so với chi cho y tế và có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Mức chi cho giáo dục nông thôn trung bình một hộ tăng gần 31%. Trong khi Nhà nước đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ và đầu tư trực tiếp cho ngành giáo dục đặc biệt là cho các vùng khó khăn và người nghèo (xây dựng trường sở, trợ cấp lương giáo viên, cấp không sách giáo khoa, xây dựng các trường nội trú, miễn học phí cho con em các hộ nghèo ở cấp tiểu học…) thì đối với các vùng nông thôn nói chung, đối với các hộ nghèo có con học cấp trung học trở lên, các khoản đóng góp trên vẫn vẫn là một vấn đề. Đó là chưa nói đến một thực trạng là một phần lớn học sinh nông thôn sau khi được đào tạo xong không dễ dàng tìm được việc làm có thu nhập tốt như học sinh là con em các gia đình ở đô thị. Vì vậy, các khoản đóng góp này trở thành những khoản đầu tư chưa thực sự được bù đắp cho các hộ nông thôn, làm nản lòng họ trong việc tiếp tục chi tiêu cho con cái học hành, nhất là trẻ em gái.
Rõ ràng, sự khác nhau rất lớn về mức độ ảnh hưởng của các khoán đóng góp cho Nhà nước của các kiểu hộ nông thôn khác nhau, ở nhiều nơi, số lượng các khoản đóng góp quá nhiều (hơn 20 khoản) đã gây những tâm lí không tốt đối với người dân.
Vấn đề đặt ra
Ở nhiều nơi, các khoản phí phục vụ sản xuất và một số phí khác được thu theo diện tích đất nông nghiệp của các hộ, tạo nên sự không công bằng giữa nông dân và các tối tượng làm công ăn lương, phi nông nghiệp. Các khoản phí trên tuy là tự nguyện nhưng trong thực tế được thực hiện theo chỉ tiêu hành chính hoá, gần như bắt buộc dân đóng góp. Các khoản chi thực sự là gánh nặng cho người nghèo ở nông thôn.
Ngoài những khoản đóng góp thường xuyên trên mà hầu như tất cả các cư dân nông thôn đều tham gia đóng góp còn có những khoản đóng góp khác tuỳ theo địa phương được đặt ra như các khoản phí thu cho học sinh từ cấp mẫu giáo trở lên (ngoài tiền học phí và các khoản được phép) tiền xây dựng trường, tiền trả cho người cấp dưỡng,…). Đặc biệt, thực sự rất khó khăn cho các gia đình có con cái học nghề chuyên nghiệp hoặc học đại học. Nhiều loại phí phục vụ sản xuất đã làm tăng thêm giá thành sản xuất cao khiến lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp giảm sút nhất là các vùng thuần nông và những vùng chuyên lúa. Ở nhiều địa phương, không ít lao động nông thôn chuyển ra đô thị hoặc các khu công nghiệp tìm việc làm bổ sung thu nhập. Chính vì vậy, ở nhiều tỉnh xuất hiện tình trạng diện tích lúa, hệ số quay vòng đất giảm, nông dân trả lại đất cho xã và không chăm lo sản xuất trên diện tích đất của mình. Vì vậy năng suất lúa một số vùng chững lại.
Ở nhiều nơi, người dân cho rằng các khoản đóng góp và mức đóng góp tại địa phương không quá nhiều so với khả năng thu nhập của hộ. Tuy vậy những bức xúc của họ đối với các khoản đóng góp này thì không phải không có và với nhiều lý do khác nhau, như thiếu sự minh bạch trong chi tiêu đối với các khoản đóng góp. Đó là các khoản đóng góp lao động công ích bằng tiền, phí phòng chống thiên tai, quỹ và các khoản đóng góp vì người nghèo,…. Nhiều hộ nông dân đều có chung một câu hỏi thắc mắc là liệu số tiền mình đóng góp có đền được tận tay những người mình ủng hộ hay không, mặc dù vẫn cho rằng các khoản đóng góp này là rất hợp lý và cần thiết. Theo họ, cần minh bạch hơn các khoản đóng góp này, như công bố công khai tổng số tiền thu được cũng như mức trích lại là bao nhiêu, trích lại cho đối tượng nào? mục đích trích lại để làm gì?
Các khoản đóng góp và chi tiêu ở nhiều nơi chưa hợp lý, như các khoản đóng góp xây dựng trường sở, bảo vệ nhà trường. Những bức xúc của các hộ nông dân đối với khoản đóng góp này là việc thu trên đầu học sinh là quá cao bởi vì, các trường học trên địa bàn xã mới được xây dựng từ năm 2003 trở lại đây theo chương trình 135. Vì vậy mức đóng góp này là quá cao néu chỉ sử dụng vào việc sửa chữa bàn ghế hàng năm và bảo vệ nhà trường. Theo họ cần được giảm khoản đóng góp này thấp hơn nữa. Đối với quỹ khuyến học, một số ý kiến phản ánh cho rằng quỹ này chỉ sử dụng cho việc khen thưởng các cháu học sinh tiên tiến mà không nên khen thưởng cả với các giáo viên dạy giỏi.
Đa số các hộ cho rằng nhiều khoản đóng góp của dân nhưng chưa được sử dụng hiệu quả hoặc thậm chí không thấy được hoạt động của các quỹ này như: An ninh trật tự, đền ơn đáp nghĩa, chữ thập đỏ. Hoặc, các quỹ hội đoàn thể khác như hội phụ nữ, hội nông dân mà nhiều người cho rằng cần có các mô hình tập huấn, hướng dẫn sản xuất, chăn nuôi hoặc có cơ hội được tiếp cận các khoản vốn vay ưu đãi.